Ông Trịnh Văn Thuận – Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp phát biểu.
Tham gia khóa bồi huấn có hơn 170 đại biểu đến từ các bộ, ngành, đơn vị liên quan; các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực an toàn công trình thủy điện; các công ty thủy điện trực thuộc EVN và các Tổng công ty Phát điện 1, 2, 3; các doanh nghiệp thủy điện nước ngoài như Công ty Thủy điện Việt - Lào…
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Khương Thế Anh – Giám đốc Công ty Thủy điện Sơn La cho biết, trong những năm gần đây, với sự biến đổi bất thường của khí hậu toàn cầu, hiện tượng hạn hán, lũ lụt xảy ra thường xuyên nên càng đặt ra nhiều thách thức cho công tác quản lý An toàn đập và hồ chứa. Chính vì vậy, việc tổ chức khóa bồi huấn sẽ giải quyết các vấn đề cấp thiết trong nhận diện rủi ro, đối phó với tình huống khẩn cấp, quản lý vận hành, đảm bảo an toàn công trình; quản lý vận hành để tận dụng tối đa nguồn nước cho phát điện và cung cấp nước cho hạ du.
Ông Nguyễn Quốc Chính - Phó Trưởng ban Kỹ thuật sản xuất EVN phát biểu.
Cũng theo ông Khương Thế Anh, thành công của Khóa Bồi huấn Quản lý An toàn công trình lần thứ nhất được tổ chức năm 2019 đã góp phần tăng cường nhận thức từ lãnh đạo đến cán bộ kỹ thuật của các đơn vị. Đồng thời, nâng cao chất lượng, kỹ năng trong công tác quản lý an toàn đập, hồ chứa nước của các nhà máy thủy điện trực thuộc; thiết lập được kênh thông tin học tập, trao đổi kinh nghiệm quản lý an toàn công trình; tăng cường sự phối hợp tốt giữa cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thường trực Hội đồng khoa học công nghệ và các nhà máy thủy điện phụ thuộc.
Tiếp nối thành công đó, thông qua khóa bồi huấn này, Công ty Thủy điện Sơn La và các đơn vị mong muốn các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, nhà quản lý sẽ chia sẻ kết quả nghiên cứu và kinh nghiệm thực tiễn để ứng dụng trong công tác quản lý an toàn công trình thủy điện; đồng thời tiếp tục hỗ trợ, giúp đỡ các đơn vị thủy điện để công tác quản lý vận hành công trình thủy điện được tốt hơn nữa…, ông Khương Thế Anh cho hay.
Ông Khương Thế Anh - Giám đốc Công ty Thủy điện Sơn La phát biểu khai mạc.
Phát biểu tại khóa bồi huấn, ông Nguyễn Quốc Chính – Phó Ban Kỹ thuật Sản xuất EVN cho biết, việc quản lý vân hành đảm bảo an toàn tuyệt đối các công trình thủy điện luôn được EVN quan tâm, chú trong và chỉ đạo quyết liệt đến tất cả các công ty thủy điện. Thời gian qua, tập đoàn cũng luôn chấp hành nghiêm túc và đầy đủ các quy định của Nhà nước trong lĩnh vực quản lý vận hành các nhà máy thủy điện, đặc biệt là các quy định tại Nghị định 14/2018/NĐ-CP của Chính phủ về Quản lý An toàn đập, hồ chứa; Thông tư Thông tư 09/2019/TT-BCT của Bộ Công Thương về việc quy định về quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy điện.
Cũng theo ông Nguyễn Quốc Chính, các quy định về quản lý trong lĩnh vực An toàn đập, hồ chứa ngày càng chặt chẽ, cụ thể và chi tiết. Chính vì vậy, EVN thường xuyên tổ chức nhiều khóa đào tạo nhằm nâng cao hơn nữa về nhận thức đối với lĩnh vực an toàn đập, hồ chứa từ cấp lãnh đạo đến CBCNV công ty thủy điện. Trong đó, khóa Bồi huấn Quản lý An toàn công trình thủy điện lần này là cơ hội rất có ý nghĩa để các đơn vị được học hỏi, trao đổi với các chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực liên quan đến an toàn đập, hộ chứa; cũng như giao lưu học tập, trao đổi, cập nhật kiến thức, kinh nghiệm quản lý an toàn đập trong và ngoài nước trong lĩnh vực quản lý an toàn công trình.
Các đại biểu tham quan Trung tâm Giám sát an toàn công trình trên bậc thang thủy điện sông Đà của Công ty Thủy điện Sơn La.
Đánh giá về công tác quản lý an toàn công trình thủy điện, ông Trịnh Văn Thuận – Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, từ khi Nghị định 14/2018/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực đến nay, công tác an toàn đập, hồ chứa đã được được tất cả các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, các doanh nghiệp quan tâm ngày càng thiết thực và sâu rộng. Nhờ đó, công tác quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy điện đã đạt được những kết quả hết sức tích cực. Các đơn vị đã luôn chủ động chủ động kiểm tra, kịp thời phát hiện, khắc phục các khiếm khuyết; luôn luôn sẵn sàng ứng phó với các tình huống thiên tai.
Trong năm 2023 mặc dù tình hình thiên tai ở miền Trung cũng hết sức nặng nề, nhưng các đơn vị thủy điện đã vận hành tuyệt đối an toàn và được các cơ quan truyền thông báo chí cũng như là dư luận xã hội là đánh giá ghi nhận rất là tích cực. Đây là những cái tín hiệu hết sức tích cực, được xã hội ghi nhận đối với công sức của tất cả các cán bộ, công nhân viên của các nhà máy thủy điện trong công tác quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy điện thời gian qua, ông Trịnh Văn Thuận chia sẻ.
Khóa bồi huấn có sự tham gia của đông đảo các chuyên gia, các đơn vị thủy điện trên cả nước.
Để công tác phòng, chống thiên tai, công tác vận hành hồ chứa thủy điện trong mùa mưa bão năm 2023 và chuẩn bị cho mùa mưa bão năm 2024 đảm bảo an toàn, ông Trịnh Văn Thuận đề nghị các công ty thủy điện tiếp tục quan tâm hơn nữa đến công tác vận hành hồ chứa thủy điện trong mùa kiệt; rà soát và điều chỉnh các quy trình vận hành hồ chứa để trình cơ quan thẩm quyền nhà nước phê duyệt; đầu tư, quan tâm đầu tư nhiều hơn nữa công tác bảo trì, nâng cấp các trang thiết bị quan trắc đập cũng như công tác phòng, chống thiên tai trong mùa mưa bão…
Khóa bồi huấn diễn ra trong 2 ngày, từ 5-6/12. Trong ngày đầu tiên, các đại biểu đã được nghe các chuyên gia, cơ quản quản lý trình bày về các chuyên đề như: Các quy định liên quan đến công tác vận hành hồ chứa và đảm bảo an toàn hạ du; Tổng quan về an toàn đập; Đánh giá an toàn đập vật liệu địa phương: Đập đất và đập đá đổ; Đánh giá điều kiện tự nhiên phục vụ công tác thiết kế an toàn Công trình thủy điện; Giám sát động đất để vận hành an toàn công trình thủy điện; Hệ thống tự động quan trắc chuyển vị ngang Công trình thủy điện Hoà Bình…