Sự kiện

Khi nguồn sáng về miền đất cực Nam

Thứ tư, 24/7/2013 | 09:06 GMT+7
Chúng tôi may mắn được theo chân những người thợ điện của PC Cà Mau lên chiếc ca nô rẽ sóng luồn sâu qua ngút ngàn rừng đước để thực hiện lắp điện kế - công đoạn cuối của việc hoàn thành chỉ tiêu 100% hộ dân vùng sâu, vùng xa có điện lưới quốc gia sử dụng - một dự án mà PC Cà Mau đã tiến hành gần 2 thập kỷ nay.


Cũng chừng ấy thời gian, một tình cảm náo nức, rộn  ràng  dâng tràn trong lòng người dân ở cuối những nhánh sông, con rạch, cồn bãi mỗi lần nhìn thấy bóng dáng người thợ điện áo cam xuất hiện trong khu vực. Họ mừng vì biết từ đây sẽ thụ hưởng được sản phẩm đặc biệt, góp phần tích cực xóa tan bóng tối trong cuộc sống của người dân vùng sâu, vùng xa từ buổi đầu mở đất khai hoang. "Sản phẩm đặc biệt" ấy chính là nguồn sáng điện lưới quốc gia.

Giai đoạn năm 1988-1989, Công ty Điện lực 2 (nay là Tổng công ty Điện lực miền Nam) quyết định khởi công dự án điện khí hóa nông thôn 3 huyện vùng sâu của tỉnh Cà Mau là: U Minh, Thới Bình và Trần Văn Thời. Ngày ấy đó là những vùng đất quạnh quẽ, tối tăm, hoàn toàn không có điện. Suốt 12 tháng ròng rã thi công dựng trụ kéo dây vượt sông, qua rạch…, ánh điện đã bừng sáng trong niềm vui tột cùng của bà con vùng sâu đất Mũi. Nhiều người cho đây là một cuộc đổi đời. Đến nay lưới điện quốc gia đã phủ kín 100% xã, phường, thành phố.  

Ghi nhận những đóng góp của EVN SPC cho sự phát triển của tỉnh Cà Mau, Phó chủ tịch UBND tỉnh Dương Tiến Dũng (bên phải), đã trao kỷ niệm chương cho ông Bùi Văn Lưu (nguyên Giám đốc Công ty Điện lực 2) nhằm tri ân những nỗ lực tâm huyết của người đứng đầu ngành năng lượng phía Nam.
Theo ông Lai Tấn Đạt – Nguyên giám đốc PC Cà Mau, sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng năm 1975 toàn tỉnh Cà Mau chưa có lưới truyền tải điện quốc gia, chỉ phát điện bằng máy diesel. Ở ngay thị xã mới có ánh sáng điện tù mù, mỗi ngày được vài giờ đồng hồ. Sản lượng điện toàn tỉnh chỉ khoảng 76 triệu kWh/năm mà nay ở cột mốc 2013, con số này đã lên đến trên 700 triệukWh/năm, đóng góp phần đáng kể cho diện mạo mới của Cà Mau. Đặc biệt nhờ nguồn điện năng mà những vuông tôm rãi rác, thưa thớt năm xưa nay đã phủ kín mặt đất các huyện Đầm Dơi, Phú Tân, Cái Nước trải dài trên 7.000ha, chiếm 90% diện tích đất nuôi trồng thủy, hải sản toàn tỉnh Cà Mau. Không ai khác chính những người chủ của những vuông tôm này hiểu rất rõ vai trò của nguồn điện 3 pha trong quy trình nuôi tôm. Sự phát triển mạnh trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản này trở thành nguồn nguyên liệu chủ lực cho các tập đoàn, công ty xuất khẩu con tôm Việt Nam đi khắp thế giới.

Ông Chu Văn An - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn xuất khẩu thủy sản Minh Phú chia sẻ: “Chúng tôi là tập đoàn chế biến thủy sản xuất khẩu lớn nhất cả nước với giá trị xuất khẩu hàng năm đạt gần 400 triệu đô la, đến khoảng 40 nước và vùng lãnh thổ trên Thế giới. Thành quả đạt được này của chúng tôi không thể không nói đến sự hỗ trợ đắc lực của nguồn lưới điện quốc gia.”

Tất cả những đóng góp của ngành Điện đã trở thành cơ sở để tin tưởng rằng Cà Mau sẽ còn vương xa hơn trên con đường hội nhập.

Hoa Mai