Sự kiện

Nghĩa tình truyền tải với bản xa

Thứ ba, 23/7/2013 | 15:10 GMT+7
Chuyến đi thăm anh em cán bộ, công nhân viên đội đường dây Mường La (thuộc xã Ít Ong, huyện Mường La, tỉnh Sơn La) là điểm đến cuối cùng của chúng tôi trong chương trình thăm hỏi tháng công nhân năm 2013.



Cán bộ Đội đường dây Mường La bảo dưỡng đường dây

Trời đã về chiều, đường lên Tây Bắc xa xôi, song chúng tôi vẫn quyết tâm nhằm hướng Mường La thẳng tiến. Đường đi đèo dốc cheo leo, xe chạy trong đêm tối mịt mù, trời lại đổ mưa, nhiều đoạn đường sạt lở nguy hiểm. Đội đường dây Mường La là một trong những đơn vị khó khăn nhất trong 76 đội và trạm thuộc quản lý của Công ty Truyền tải điện 1. Đóng trú ở xã Ít Ong, gần khu vực nhà máy Thủy điện Sơn La, đội chịu trách nhiệm quản lý vận hành 9 đường dây cao áp, trong đó có 4 đường dây 500kV, đặc biệt quan trọng là các đường dây 500kV Sơn La - Hiệp Hòa, Sơn La - Hòa Bình - Nho Quan và đường dây 500kV từ Nhà máy thủy điện Sơn La đến trạm biến áp 500kV Sơn La. Đặc thù hệ thống truyền tải điện Tây Bắc là mạng lưới thu gom công suất từ nhiều nguồn khác nhau, nên mạng điện nơi đây dày đặc và chằng chịt như mạng nhện. Các đường dây lại đi qua nhiều địa hình phức tạp, hiểm yếu, bị chia cắt bởi núi đá cheo leo và sông suối có lưu tốc lớn.

Trao đổi với chúng tôi, Đội trưởng Nguyễn Trung Cương cho biết: Khoảng cách quản lý đường dây của đội rất dài, điểm xa nhất cách nơi đóng trú của đội tới hơn 90km. Đặc biệt có 2 đường dây đấu nối Nhà máy thuỷ điện Huội Quảng và Bản Chát, đi qua vùng núi rất hiểm trở. Anh em đi bảo dưỡng đường dây hoặc xử lý sự cố phải đi mất cả ngày đường, đến gần cột thì phải leo bám trên núi mất cả buổi mới tới. Khí hậu ở đây rất khắc nghiệt: mùa hè nắng cháy gió Lào, nhiệt độ cao trên 410 C, nhưng hễ mưa xuống thì đường đi lại lầy lội, trơn trượt, chưa kể nhiều ngày giông sét, thậm chí có mưa đá; còn mùa đông thì khỏi nói: lạnh buốt thấu xương, nhiệt độ có lúc xuống đến 6 - 7OC. Bởi vậy, đội chỉ dám nhận lao động nam có sức khỏe tốt. Về công tác bảo vệ an toàn hành lang lưới điện cao áp, anh Phan Quốc Hồng - Chủ tịch Công đoàn Truyền tải điện Tây Bắc - cho biết: Khó khăn nhất là tại các xã Pi Toong, xã Mường Chùm, và ngay cả thị trấn Ít Ong, ở đó, vướng mắc tập trung vào việc giải tỏa cây trồng có giá trị kinh tế cao như cao su, xoài, thông… nên thường gặp phải phản ứng rất mạnh của người dân.

Cuộc trò chuyện của chúng tôi diễn ra thú vị và ấm áp dưới mái nhà nhỏ, tạm bợ, chật chội thuê của dân địa phương, đội chưa có trụ sở cố định. Trong đội có anh Nguyễn Minh Tài là người dân tộc Kinh, nhưng theo gia đình lên sinh sống ở Sơn La từ nhỏ, có khả năng nói tiếng Thái rất tốt. Tài đã phát huy khả năng này cho công tác dân vận, giao tiếp với đồng bào dân tộc, nhất là tại các vùng sâu dân trí còn hạn chế. Anh đã tham gia xử lý nhiều tình huống phức tạp với đồng bào. Tài ăn nói có duyên và dí dỏm, lại “tốt rượu” nên là cốt cán xông pha vào những địa bàn dân vận khó khăn, được đồng bào ai ai cũng thương yêu, quý mến.

Bữa trưa của chúng tôi với anh em đội Mường La là kỷ niệm khó quên, những gương mặt truyền tải còn rất trẻ bừng sáng trong niềm vui hội ngộ. Anh em nói: Thấy các chị lặn lội lên tận đây, chúng em cảm động quá, đường sá xa xôi cách trở,  được đón các chị thế này thật là niềm vui lớn của chúng em. Tôi cũng lâng lâng hạnh phúc vì được sẻ chia nỗi niềm cùng cả đội và cũng vì chút rượu nồng từ tay các em và những cô gái Thái mến khách giao lưu rất tự nhiên, cởi mở.

Thấy chúng tôi ra về, trên gương mặt mọi người đều bịn rịn, tiếc nuối vì phải chia tay với điệu múa xòe duyên dáng của các cô gái Thái, không được sống trong không khí nghĩa tình ngành điện với dân bản xa xôi.
 
Theo: Công Thương Online