Với hình thức xây dựng theo kiểu cuốn chiếu: xây xong một cái lò, một cái máy sẽ vận hành luôn lò máy đó với quy trình vận hành chạy bằng than. Than vận chuyển từ Quảng Ninh về, chứa trong kho chứa nhiên liệu. Từ đây than chuyển xuống băng tải, vào phễu than cung cấp cho các lò. Lò đốt than sẽ thành hơi, làm cho máy quay phát ra điện. Nhà máy có 3 tổ máy (01 tổ máy 4000 kVA và 02 tổ máy mỗi tổ 6000 kVA) đảm bảo vận hành an toàn, liên tục, cung cấp đầy đủ nguồn điện năng, hơi nóng, nước cho các nhà máy trong khu công nghiệp Việt Trì, phục vụ cho công nghiệp, nông nghiệp tỉnh Vĩnh Phú và miền đồng bằng trung du Bắc bộ.
Điện là nguồn năng lượng quan trọng luôn đi trước một bước. Ngay từ thời điểm đó, Nhà máy điện Việt Trì được xem như là trái tim của cả Thành phố. Nếu nhà máy ngừng hoạt động, cả khu công nghiệp ngưng trệ, thành phố Việt Trì sẽ bị tê liệt. Lấy ống khói làm điểm nhấn. Ống khói còn lên hơi, nhà máy vẫn còn hoạt động - trái tim của Thành phố vẫn cùng hòa nhịp đập. Nhận thấy được “điều đặc biệt” đó trong những năm chiến tranh, nhà máy là mục tiêu bắn phá của giặc Mỹ nhằm phá hoại công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. “Công nhân thời ấy đông lắm, có đến 900 người, chia làm 3 ca sản xuất. Sau này chiến tranh ác liệt nên rút bớt còn 60 người. Ngày ấy giặc Mỹ thường đánh bom vào ca ngày (khoảng từ 7h30-15h30). Biết là nguy hiểm, nhưng không ai tự ý bỏ ca trực của mình”- Ông Nguyễn Văn Thủ (trực chính Nhà máy điện Việt Trì) bồi hồi nhớ lại. Với tinh thần "Tổ quốc cần điện như cơ thể cần máu", CBCNV Nhà máy điện Việt Trì dũng cảm bám máy, bám lò, vừa sản xuất vừa chiến đấu. Giặc đến là đánh, giặc đi là sản xuất, luôn duy trì sự sống cho nguồn điện với khẩu hiệu: "Quyết tử cho dòng điện quyết sinh”.
Tập thể CBCNV hưu trí Nhà máy Điện Việt Trì về thắp hương tại bia tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ.
Có cuộc chiến nào mà không có sự mất mát, hy sinh? Trong thời gian từ tháng 3/1967 đến tháng 8/1972, anh em Nhà máy điện Việt Trì phải đau xót chứng kiến 13 đồng nghiệp của mình hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. Họ đến từ các miền quê đất nước như Lạng Sơn, Vĩnh Phú, Thái Bình, Nam Hà, Quảng Ngãi, Cần Thơ… Họ ngã xuống khi tuổi đời còn rất trẻ với ước nguyện “Tất cả vì dòng điện của Tổ quốc”. Trong giai đoạn đế quốc Mỹ điên cuồng ném bom phá hoại miền Bắc, hầu hết các nhà máy trong khu công nghiệp Việt Trì phải sơ tán thì CBCNV Nhà máy điện Việt Trì vẫn dũng cảm quên mình tiếp tục bám máy, giữ lò duy trì dòng điện cho Tổ quốc. Những công nhân Nhà máy đã làm được những việc tưởng chừng không thể, đó là di chuyển thiết bị, hệ thống điều khiển xuống hầm cáp chỉ trong vòng 3 ngày đêm, gánh từng gánh than vào lò thay cho hệ thống băng tải bị phá hủy…với mục đích đảm bảo dòng điện liên tục cho khu công nghiệp. Họ quên mình, hy sinh cho sự sống của dòng điện. Nước mắt tôi rưng rưng theo lời kể của bác Lê Nhân Vĩnh - cựu CBCNV Nhà máy điện Việt Trì và Sở Điện IV, khi kể về sự hy sinh anh hùng của liệt sỹ Lê Thị Thông bị đánh bom khi đang cho than vào phễu lò, lúc đưa cô xuống, trên người quần áo rách tả tơi (sau này, con gái của liệt sỹ Lê Thị Thông đã được bà Minh Ngọc - Phó Giám đốc Nhà máy điện Việt Trì nhận làm con nuôi đỡ đầu, nuôi cháu đến lớn và hiện nay đã thành CBCNV ngành Điện Thanh Hoá). Bác Nguyễn Văn Tiếp hy sinh lúc còn rất trẻ (23 tuổi) khi đang làm ca trực trong trận đánh bom rất ác liệt của giặc Mỹ, hay sự hy sinh tập thể thương tâm của 11 CBCNV Nhà máy điện Việt Trì vào ngày 12/3/1967, phải hàng chục ngày sau mới moi xác lên được… CBCNV Nhà máy điện Việt Trì đã góp phần cùng quân dân cả nước làm nên thắng lợi vĩ đại của cả dân tộc. Ghi nhận những thành tích xuất sắc đó, Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng Nhà máy nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Lao động hạng Ba năm 1963, 1978, 1983; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Ba năm 1970, hạng Nhất năm 1973 và đặc biệt là Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Đến năm 1992, do công suất của Nhà máy nhỏ, không đáp ứng được nhu cầu về điện ngày càng tăng trong khi sử dụng và vận chuyển nhiên liệu quá tốn kém, thiết bị lạc hậu, nên Nhà máy ngừng hoạt động và sáp nhập với Sở điện IV (Sở điện Vĩnh Phú - sau này tách thành Điện lực Phú Thọ và Điện lực Vĩnh Phúc). Tại thời điểm đó, số đông CBCNV Nhà máy đều phải nghỉ hưu sớm, một số được chuyển qua làm việc tại Sở điện IV. Đến nay, hầu hết CBCNV ngày ấy vẫn sống tại khu tập thể của Nhà máy xưa (Nay thuộc tổ 40, phố Thanh Trì, phường Thanh Miếu, thành phố Việt Trì, Phú Thọ), nhưng nhiều người vẫn gọi cái tên thân thuộc: Khu tập thể nhà máy điện. Nếu có dịp đến Phú Thọ, bạn hãy dành một chút thời gian ghé thăm nhà máy điện Việt Trì xưa. Dù chỉ còn lại tấm bia tưởng niệm các liệt sỹ ngành Điện đã chiến đấu hy sinh anh dũng (nằm trong Chi nhánh Lưới điện cao thế Phú Thọ thuộc khuôn viên của khu Việt Trì trước đây), nhưng đó là minh chứng cho một mốc son chói lọi - một trang sử hào hùng của ngành Điện mà các thế hệ tiếp nối của ngành Điện lực Việt Nam sẽ mãi ghi nhớ và tự hào về sự hy sinh vĩ đại ấy.
Với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, Chi nhánh Lưới điện cao thế Phú Thọ luôn giữ gìn khu vực đặt bia sạch sẽ, khang trang, luôn chăm lo hương khói thờ cúng vong linh các liệt sỹ vào những ngày mồng một, ngày rằm và các ngày lễ Tết. Tháng 7/2011, Công ty Lưới điện cao thế miền Bắc đã tiến hành trùng tu, tôn tạo nhà bia tưởng niệm liệt sỹ Nhà máy điện Việt Trì, với mong muốn đây là địa chỉ đỏ cho CBCNV ngành Điện và nhân dân. Cán bộ Công ty đã tìm gặp các nhân chứng lịch sử, thu thập tư liệu và đến ngày 7/12/2012, tại Hội thảo truyền thống lịch sử anh hùng của Nhà máy điện Việt Trì, ông Lê Minh Tuấn - Giám đốc Công ty Lưới điện cao thế miền Bắc đã đề nghị Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch tỉnh Phú Thọ sớm xét công nhận khu di tích Nhà máy điện Việt Trì là di tích lịch sử văn hóa.
Trở về khuôn viên Nhà máy điện Việt Trì một thời hào hùng, những CBCNV Nhà máy điện Việt Trì ngày nào không khỏi bồi hồi, xúc động nhớ lại sự hy sinh anh dũng của những người đồng nghiệp, nhằm giữ gìn dòng điện cho quê hương. Mong muốn của những cựu CBCNV Nhà máy điện Việt Trì cũng như của lớp trẻ kế nghiệp là sớm được đón nhận Bằng công nhận Nhà bia tưởng niệm liệt sĩ Nhà máy điện Việt Trì là di tích lịch sử, để đây là địa chỉ truyền thống không chỉ CBCVN ngành Điện mà nhân dân cả nước mỗi dịp đến thăm vùng quê đất Tổ đều ghé thăm, thắp nén tâm hương thành kính tri ân các anh hùng liệt sỹ ngành Điện.