Năm 1954, sau khi tiếp quản Thủ đô, ngành điện cũng tiến hành tiếp nhận toàn bộ cơ sở vật chất với tổng công suất đặt nguồn điện chỉ 31,5MW với sản lượng điện sản xuất khoảng 53 triệu kWh. Đến nay, ngành điện đã trở thành một ngành công nghiệp mũi nhọn, hàm lượng khoa học và công nghệ có mặt ở mọi khâu trong quá trình đầu tư-xây dựng-sản xuất-kinh doanh-quản lý. Đổi mới công nghệ, nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất; quản lý và bảo vệ môi trường, phát triển bền vững…là những đòi hỏi liên tục trong dây chuyền sản xuất-truyền tải-phân phối-kinh doanh điện năng.
. Góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả kinh tế
Từ xưởng phát điện đầu tiên tại Cửa Cấm (Hải Phòng) công suất 5,5MW, theo sự phát triển không ngừng của công nghệ trên thế giới, hệ thống điện Việt Nam đã được đầu tư xây dựng và phát triển với các trung tâm nhiệt điện than lớn công suất tổ máy lên tới 600MW-660MW (tại Vĩnh Tân 2, Duyên Hải 1-2…) bằng công nghệ lò than phun và dự kiến năm 2015, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ đưa vào vận hành nhà máy nhiệt điện đốt than với công nghệ lò tâng sôi tuần hoàn tại Mông Dương (công suất 250MW/tổ máy).
Trước đây, khi hệ thống điện Việt Nam còn nhỏ bé, ở miền Bắc có các tổ máy tuabin khí tại An Lạc (Hải Phòng), Thái Bình công suất dưới 30MW/tổ máy. Đến nay, EVN xây dựng và đưa vào vận hành nhiều tổ máy có công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại với công suất tăng dần; các cụm tuabin khí từ chu trình đơn lên chu trình hỗn hợp. Năm 1997, đánh dấu bước chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển công nghệ điện lực với việc hoàn thành đầu tư và vận hành 2 tổ máy tuabin khí tại nhà máy nhiệt điện Phú Mỹ 2.1. Trong vòng 7 năm, công suất đặt tuabin khí của EVN tăng thêm được 2.480MW. Để nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng sản xuất điện, năm 2007, EVN thực hiện nâng công suất tổ máy tuabin khí bằng công nghệ phun sương tại Phú Mỹ 2.1, kết quả, nâng công suất chu trình hỗn hợp thêm 42MW và hiện nay, EVN đang tiếp tục triển khai công nghệ này tại các tổ máy tuabin khí khác.
Trong lĩnh vực thủy điện, năm 1954, Việt Nam mới chỉ có trạm thủy điện Ankroet (Suối Vàng-Lâm Đồng, công suất 0,5MW) và đang xây dựng thủy điện Dray H’ling (Đak Lak công suất 0,3MW). Nhà máy thủy điện Thác Bà là “đứa con đầu lòng” của thủy điện Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, công suất 108MW được xây dựng trong điều kiện chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ và 10 năm mới hoàn thành đưa vào vận hành (năm 1971).
Từ năm 2000 đến nay, EVN không ngừng nâng cao năng lực và tiến tới dần làm chủ trong việc thiết kế, xây dựng và đưa vào vận hành các công trình thủy điện lớn. Đặc biệt là công trình thủy điện Sơn La có công suất tổ máy lên tới 400MW/tổ máy, xây dựng trong vòng 3 năm đã đưa vào vận hành 6 tổ máy, góp phần tăng 2.400MW cho hệ thống điện, vượt thời gian phát điện theo kế hoạch là 3 năm.
Được Đảng và Chính phủ giao phó, hiện nay, EVN đang tích cực chuẩn bị đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam tại Ninh Thuận. Đây là công trình trọng điểm của quốc gia, có tầm quan trọng đặc biệt trong việc đảm bảo an ninh năng lượng đất nước.
. Vận hành ổn định, tin cậy, nâng cao chất lượng cung cấp điện
Khi tiếp quản vào năm 1954, lưới điện mới chỉ ở cấp điện áp 30,5kV, ngành điện đã cải tạo nâng cấp lên thành 35kV để đảm bảo cung cấp điện phục vụ sản xuất, sinh hoạt. Năm 1958, đường dây 35kV đầu tiên (Hà Nội-Phố Nối) đóng điện thành công, đánh dấu quan trọng trong sự nghiệp phát triển lưới điện Việt Nam.
Năm 1994 là thời điểm quan trọng và đầy ý nghĩa của hệ thống điện Việt Nam khi đường dây truyền tải siêu cao áp 500kV vào vận hành, hợp nhất 3 hệ thống điện Bắc-Trung-Nam thành hệ thống điện Việt Nam. Kể từ đó, hệ thống truyền tải và phân phối của Việt Nam không ngừng phát triển, EVN lắp đặt, đưa vào vận hành và làm chủ công nghệ mới, đồng bộ hệ thống cả thiết bị điện và thiết bị bảo vệ, tự động điều khiển góp phần tăng cường cho hệ thống điện ngày càng vận hành ổn định, tin cậy, nâng cao chất lượng cung cấp điện. Phát triển hệ thống truyền tải, EVN đưa vào vận hành nhiều đường dây và trạm biến áp đến cấp điện áo 500kV với công nghệ truyền tải tiên tiến. Đặc biệt, đối với công nghệ cách điện bằng khí (GIS) được ứng dụng , đa vào vận hành thành công tại trạm biến áp 220kV Tao Đàn-TP Hồ Chí Minh, khởi đầu cho việc phát triển tại các trạm Sơn La, Bình Tân, Thanh Xuân…Lưới điện truyền tải được phân bố khắp toàn quốc và đang cố gắng đi trước đón đầu nhu cầu phụ tải và đấu nối nguồn điện vào hệ thống. Lưới điện 500kV tạo thành mạch truyền tải mạnh từ nguồn phát điện về các trung tâm phụ tải, tạo thành mạch liên kết vùng, miền đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội. Đặc biệt, cung cấp điện đến tận các bản làng nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa, đem lại kết quả điện khí hóa nông thôn đạt tỉ lệ cao, vượt trước kế hoạch được giao và cao hơn nhiều nước trong khu vực kể cả những nước có thu nhập bình quân đầu người cao hơn Việt Nam như: Indonesia, Ấn Độ…/