Kiểm tra công tác quản lý vận hành lưới điện truyền tải mùa nắng nóng tại Truyền tải điện Ninh Bình và Thanh Hóa

Thứ ba, 23/5/2023 | 09:50 GMT+7
Các tỉnh miền Bắc và dải đất miền Trung đang bước vào đợt cao điểm mùa nắng nóng 2023 khi nhiệt độ ban ngày tại nhiều nơi vượt ngưỡng 40 độ C. Điều này đã khiến cho nhu cầu sử dụng điện của toàn miền tăng mạnh. 

Ông Nguyễn Phúc An kiểm tra tại khoảng cột 16.37.38 (ĐZ 500 kV đấu nối Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 2).

Trước bối cảnh phụ tải điện tăng cao, mang theo nhiều tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn cho hệ thống điện, ngày 22/5/2023, đoàn công tác do ông Nguyễn Phúc An – Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công ty Truyền tải điện 1 (PTC1) làm trưởng đoàn đã trực tiếp đến kiểm tra thực tế công tác quản lý vận hành (QLVH) hệ thống lưới điện truyền tải tại Truyền tải điện (TTĐ) Ninh Bình và Thanh Hóa.

Truyền tải điện Ninh Bình được PTC1 giao nhiệm vụ QLVH lưới điện truyền tải khu vực với cấp điện áp 220 – 500 kV trên địa bàn các tỉnh: Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Hà Nam và một phần của tỉnh Hòa Bình nhằm đảm bảo cấp điện chính cho Tp. Hà Nội, cùng các tỉnh phía Nam đồng bằng Sông Hồng. Hiện nay, đơn vị đang quản lý 01 TBA 500 kV và 07 TBA 220 kV với tổng dung lượng đạt 5.325 MVA; 784,2 km đường dây (ĐZ), trong đó bao gồm 121,7 km ĐZ 500 kV và 662,5 km ĐZ 220 kV.

Đoàn công tác kiểm tra công tác an toàn hành lang và kiểm tra tình trạng vận hành của đường dây mang tải cao VT 08 - 09 ĐZ 500 kV đấu nối Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 2 bằng UAV.

Qua thống kê theo dõi vận hành của Truyền tải điện Ninh Bình cho thấy, diễn biến của thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài đã khiến cho phụ tải điện tăng cao. Nhiều ĐZ và máy biến áp do đơn vị đang quản lý thường xuyên xuất hiện tình trạng vận hành đầy tải, thậm chí là quá tải tại một số thời điểm như: ĐZ 274 Nho Quan (T500NQ) - 271 Ninh Bình (E23.1); 275 Nho Quan (T500NQ) - 273,274 Phủ Lý (E24.4); Máy biến áp AT1, AT2 Trạm 220 kV Thái Bình; Tổng công suất truyền tải trên 02 ĐZ 500 kV Nghi Sơn 2 - Nho Quan tăng cao, có thời điểm > 2100MW (ngưỡng mạch sa thải phụ tải theo công suất là 2700MW). Đặc biệt, theo thông báo của Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia, bắt đầu từ ngày 22/5/2023, tổng công suất truyền tải trên 02 ĐZ 500 kV Nghi Sơn 2 – Nho Quan tăng lên 2.600 MW.

Lực lượng vận hành tại TBA 500kV Nho Quan báo cáo tình hình vận hành, tải điện cao điểm nắng nóng.

Trước tình trạng nhiều ĐZ và máy biến áp đang phải mang tải cao, Truyền tải điện Ninh Bình đã chủ động tiến hành công tác soi phát nhiệt thiết bị, cũng như tổ chức soi tăng cường các thiết bị nhằm kịp thời phát hiện các khiếm khuyết trên hệ thống đường dây và máy biến áp để tiến hành xử lý (nếu có). Đồng thời, tại các TBA, các Tổ TTLĐ đã thực hiện kiểm tra thiết bị theo quy định và tăng cường kiểm tra khi tải cao nhằm kịp thời phát hiện sớm các khiếm khuyết thiết bị như: CSV 1AT1 TBA 220 kV Ninh Bình có dòng rò bậc 3 tăng cao đã có lịch cắt điện thay thế; Kháng KH501 TBA 500 kV Nho Quan đã thực hiện xử lý nhiều lần nhưng không triệt để được hiện tượng phát sinh khí C2H6 và đã tách ra khỏi vận hành từ ngày 18/05/2023; Kháng KH504 TBA 500 kV Nho Quan sau lọc dầu đưa vào vận hành từ ngày 07/05/2023 hiện đang theo dõi đặc biệt hàm lượng khí C2H6....

Mặt khác, trong công tác đảm bảo hành lang an toàn lưới điện cao áp, Truyền tải điện Ninh Bình đã chủ động theo dõi chặt chẽ nhiệm vụ chặt tỉa cây cao trong và ngoài hành lang các ĐZ. Cụ thể, đơn vị đã chặt hạ tổng số 80 cây xoan, 10 cây keo vi phạm khoảng cách an toàn tại khoảng cột 415 – 416 ĐZ 584, 564 Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 2 – 571, 572 Nho Quan; Tiến hành phát dọn hành lang điểm sạt sườn khoảng cột 419 – 420 ĐZ 574, 564 Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 2 – 573, 574 Nho Quan.

Công nhân vận hành TBA 500kV Nho Quan tăng cường kiểm tra thiết bị ngoài trời.

Đối với Truyền tải điện Thanh Hóa, hiện nay đơn vị đang QLVH gần 700 km ĐZ 220 – 500 kV và 05 TBA 220 – 500 kV. Để vận hành an toàn lưới truyền tải điện, cũng như đảm bảo cung cấp điện tin cậy trong mùa nắng nóng, Truyền tải điện Thanh Hóa đã chủ động triển khai các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng nhằm giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra. Đồng thời, đơn vị còn tham mưu cho chính quyền địa phương có rừng, cùng các cơ quan, đơn vị đóng chân trên địa bàn thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về phòng cháy, chữa cháy rừng và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm. Cùng với đó, Truyền tải điện Thanh Hóa bố trí lực lượng vân hành đường ứng trực 24/24 giờ trong suốt thời gian nắng nóng; Tổ chức các lực lượng bảo vệ tuần tra, canh gác, tuyên truyền đến tổ chức và cá nhân ở những khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng để phát hiện sớm và ứng phó kịp thời...

Rửa sứ Hotline tại vị trí 281 trong trạm 500kV Nho Quan.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi kiểm tra lưới điện khu vực Ninh Bình và Thanh Hóa, ông Nguyễn Phúc An – Giám đốc PTC1 đã ghi nhận, đồng thời đánh giá cao những nỗ lực và kết quả của hai đơn vị đang triển khai nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn cho các ĐZ, đặc biệt là các ĐZ và TBA đang mang tải cao. Cùng với đó, Giám đốc PTC1 cũng đã đưa ra quan điểm chỉ đạo chung đối với hai đơn vị là cần phải tiếp tục tăng cường chỉ đạo, kiểm tra các tuyến ĐZ, các TBA 220 – 500 kV nhằm kịp thời ngăn ngừa sự cố khi phải mang tải cao kèm theo thời tiết nắng nóng; Phối hợp thường xuyên với các nhà máy nhiệt điện, điều độ B01 để nắm bắt kịp thời phương thức vận hành của các cấp điều độ, dòng tải qua các thiết bị để có biện pháp tăng cường như: Làm mát tăng cường cho các máy biến áp; Soi phát nhiệt bổ sung khi các ĐZ mang tải cao bất thường; Lập phương án xử lý các khiếm khuyết phát sinh; Kiểm tra canh gác các khoảng cột pha đất thấp nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn cho lưới truyền tải điện. Mặt khác, các đơn vị cần phải huy động tối đa các nguồn nhân lực, vật lực theo phương châm 4 tại chỗ để chủ động ứng phó kịp thời nếu có sự cố xảy ra nhằm đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục, góp phần quan trọng trong việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Mạnh Hùng