Mục tiêu của EVN là đến năm 2020, lưới điện truyền tải đạt tiêu chuẩn độ tin cậy N-1 (tiêu chí bảo đảm không sa thải phụ tải khi hệ thống điện bị sự cố hoặc hệ thống phải vận hành ngoài giới hạn kỹ thuật cho phép).
Đường dây 500 kV - kỳ tích của ngành Điện
Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Sau khi tiếp quản Thủ đô, chúng ta chỉ có các tuyến đường dây 30,5 kV được cải tạo nâng cấp thành 35 kV; các đường dây tải điện như: Hà Nội-Hà Đông, Hà Nội-Sơn Tây, Hà Nội-Phố Nối, Thái Bình-Nam Định… được phục hồi để sử dụng. Năm 1958, tuyến đường dây 35 kV đầu tiên (Hà Nội - Phố Nối) được xây dựng và đóng điện thành công. Năm 1962, những tuyến đường dây 110kV đầu tiên của hệ thống điện Việt Nam (Đông Anh - Việt Trì, Uông Bí - Hải Phòng) được xây dựng và hoàn thành vào năm 1963. Tại thời điểm đó, chỉ ở miền Bắc mới có hệ thống lưới điện 110kV. Trong khoảng 10 năm tiếp theo, đã có tới 9/12 nhà máy điện ở miền Bắc được kết nối bằng hệ thống đường dây 110kV và hệ thống này đã hoàn thành tốt nhiệm vụ truyền tải điện năng từ các nhà máy đến các trung tâm phụ tải. Đường dây 220kV Hà Đông - Hòa Bình là tuyến đường dây truyền tải cấp điện áp 220kV đầu tiên ở miền Bắc, được khởi công tháng 3/1979 và đóng điện vận hành tháng 5/1981. Trong hơn 13 năm tiếp theo, hệ thống truyền tải điện 220kV đã phát triển mạnh với tổng dung lượng máy biến áp 220kV tăng gấp hơn 5 lần lên 2.305 MVA, tổng chiều dài đường dây 220kV đã tăng gấp gần 3 lần lên 1.913 km.
Vào những năm 90 của thế kỷ XX, do nhu cầu phụ tải tăng mạnh nên miền Nam thiếu điện liên miên, trong khi miền Bắc thừa điện do hàng loạt nhà máy điện lớn ra đời như Thủy điện Hòa Bình, Thác Bà; nhiệt điện Phả Lại, Uông Bí, Ninh Bình.... Giải pháp táo bạo được các nhà quản lý tính đến là phải có hệ thống truyền tải để đưa điện từ Bắc vào Nam. Sau rất nhiều tranh cãi, đường dây 500 kV mạch 1 được khởi công xây dựng ngày 5/4/1992 nhằm mục tiêu truyền tải khoảng 2 tỷ kWh/năm vào TP. Hồ Chí Minh. Với muôn vàn khó khăn, gian khổ, mặc dù phải xây dựng trong điều kiện thiếu thốn cả về nhân lực, vốn, thiết bị, công nghệ nhưng đường dây 500 kV mạch 1 dài 1.462,5 km, với 3.436 vị trí cột vẫn về đích ngoạn mục sau 2 năm xây dựng. Đây là kỳ tích trong lịch sử khi những CBCNV ngành Điện đã tự thiết kế, xây dựng và đưa vào vận hành công trình đường dây 500 kV Bắc Nam có quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp. Ngành Điện đã ghi một dấu son trong lịch sử khi chính thức thống nhất lưới điện trên toàn quốc, điều hành tập trung thông qua Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia, góp phần nâng cao chất lượng cung cấp điện, phát huy và khai thác hiệu quả nguồn điện trong cả nước. Hệ thống truyền tải điện 500kV Bắc - Nam mạch 1 đi vào hoạt động đã đáp ứng hơn 30% nhu cầu điện năng của miền Nam, 43% nhu cầu của miền Trung với chất lượng điện áp được cải thiện rõ rệt. Tiếp nối kỳ tích mạch 1, ngày 23/10/2005, đường dây 500kV Bắc - Nam mạch 2 tiếp tục được hoàn thành và đưa vào vận hành, đảm bảo hệ thống truyền tải điện 500kV có hai mạch song song, tạo liên kết vững chắc, vận hành an toàn, tin cậy cho hệ thống truyền tải điện Quốc gia. Việc xây dựng và đưa vào vận hành thành công hệ thống truyền tải điện 500kV Bắc - Nam đã đánh dấu bước trưởng thành quan trọng của ngành điện Việt Nam trong lĩnh vực nghiên cứu, khảo sát, thiết kế, xây dựng, quản lý vận hành và hợp tác quốc tế, góp phần quan trọng đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Sau khi đường dây 500 kV Bắc - Nam mạch 3 đi vào vận hành, đưa tổng chiều dài hệ thống truyền tải điện siêu cao áp cả nước lên hơn 3.600 km, hệ thống điện quốc gia đã được kết nối thống nhất, các đường dây truyền tải và phân phối điện trải khắp mọi miền đất nước, đưa điện đến các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo.
Lưới điện phủ khắp cả nước
Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Trong giai đoạn 2011 – 2015, EVN hoàn thành đóng điện 885 công trình lưới điện từ 110 - 500kV với tổng chiều dài đường dây trên 12.500km và tổng dung lượng trạm biến áp tăng thêm gần 60.000 MVA, đảm bảo đấu nối, truyền tải công suất phát các nguồn điện, tăng cường năng lực truyền tải của toàn hệ thống, đã kết nối khép kín mạch vòng 500kV tại các khu kinh tế trọng điểm miền Bắc, miền Nam và kết nối ở cấp điện áp 500kV lưới điện Đông Nam bộ với Tây Nam bộ. Trong đó đã hoàn thành đưa vào vận hành các công trình nâng khả năng truyền tải Bắc - Nam như: đường dây 500kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông; 220kV Đắk Nông - Phước Long - Bình Long; thay thế tụ bù dọc cho cả 2 mạch đường dây 500kV Bắc - Nam; các công trình lưới điện đấu nối các Nhà máy Thủy điện Sơn La, Lai Châu, các trung tâm điện lực Vĩnh Tân, Duyên Hải, Mông Dương... Để có thành công này, EVN đã vượt qua nhiều khó khăn, huy động nguồn vốn khổng lồ lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng dưới nhiều hình thức khác nhau cả trong và ngoài nước.
Hệ thống truyền tải điện được vận hành an toàn, liên tục, ổn định góp phần quan trọng cung cấp đủ điện cho đất nước, các chỉ tiêu suất sự cố đường dây và trạm biến áp đều thấp hơn kế hoạch, nhiều đội đường dây, trạm biến áp đảm bảo vận hành an toàn tuyệt đối. Mức độ phủ điện đến các hộ dân vùng sâu, vùng xa của Việt Nam là thành tựu mà không nhiều quốc gia trên thế giới đạt được, trong đó, vai trò của hệ thống lưới điện là vô cùng quan trọng.
Tăng cường ổn định và tin cậy của lưới điện
Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Với mục tiêu giai đoạn 2016 – 2030 cung cấp đủ nhu cầu điện trong nước, đáp ứng tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7,0%/năm, Thủ tướng Chính phủ đã điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030. Theo đó, hệ thống lưới điện được định hướng từng bước xây dựng và nâng cấp lưới điện, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật của lưới điện truyền tải. Đến năm 2020, lưới điện truyền tải đạt tiêu chuẩn độ tin cậy N-1. Khắc phục được tình trạng quá tải, nghẽn mạch. Lưới điện 500 kV được xây dựng để truyền tải điện năng từ các trung tâm điện lực lớn về trung tâm phụ tải, liên kết các hệ thống điện miền và trao đổi điện năng với các nước trong khu vực. Lưới điện 220 kV được xây dựng theo cấu trúc mạch vòng kép, các trạm biến áp trong khu vực có mật độ phụ tải cao thiết kế theo sơ đồ hợp lý để đảm bảo vận hành linh hoạt. Nghiên cứu xây dựng các trạm biến áp GIS, trạm biến áp 220/22 kV, trạm ngầm, trạm biến áp không người trực tại các trung tâm phụ tải. Ứng dụng công nghệ lưới điện thông minh trong truyền tải điện
Để đáp ứng yêu cầu này, EVN đang tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp nhằm nâng độ tin cậy và ổn định của hệ thống điện. Qua đó, từng bước giải quyết các bất cập hiện nay như phải truyền tải cao trên đường dây 500kV Bắc - Nam, tình trạng đầy và quá tải đường dây và trạm biến áp, tình trạng điện áp thấp... Tiếp tục đầu tư lắp đặt các thiết bị FACTS (hệ thống truyền tải điện xoay chiều linh hoạt), trước mắt là các tụ bù tĩnh SVC (tụ bù tĩnh có dung lượng thay đổi) trên hệ thống 500/220kV nhằm cải thiện chất lượng điện áp và nâng cao độ ổn định cho hệ thống. Đồng thời, trang bị máy cắt kháng điện 500kV để đảm bảo khả năng điều chỉnh điện áp trong các chế độ vận hành hệ thống điện.
Hiện EVN đang triển khai thực hiện dự án “Đánh giá, phân tích, đưa ra các giải pháp nhằm tăng cường ổn định và tin cậy của hệ thống điện Việt Nam” và dự án “Thiết lập đặc tính kỹ thuật và tiêu chuẩn cho cấu hình hệ thống rơle bảo vệ, thiết bị tự động hóa cho nhà máy điện và trạm biến áp của hệ thống truyền tải điện Việt Nam". Theo đó, sẽ tập trung nghiên cứu các vấn đề về ổn định và dao động hệ thống điện; nghiên cứu triển khai một số hệ thống kỹ thuật cao như hệ thống bảo vệ diện rộng, hệ thống sa thải phụ tải theo điện áp, sơ đồ tách đảo cưỡng bức, sơ đồ cắt liên động... Phấn đến năm 2020, lưới điện truyền tải đạt tiêu chí N-1.
(Còn tiếp)
Kỳ 3: Hình mẫu thế giới về điện khí hóa nông thôn