Số liệu từ NPT cho biết, tính đến thời điểm 31/12/2010, Tổng Công ty quản lý 4.243 km ĐZ 500kV, 9.870km đường dây 220kV, 16 trạm biến áp 500kV tổng dung lượng là 11.550 MVA và 62 trạm biến áp 220kV tổng dung lượng là 21.039 MVA, tổng dung lượng các MBA 110 KV tại các trạm 220-110 KV là 2.792 MVA. Xét về tổng thể, khả năng của lưới điện truyền tải quốc gia hiện nay không đáp ứng được công suất nguồn điện. Kết cấu lưới điện truyền tải chưa đảm bảo được yêu cầu an toàn theo tiêu chuẩn n-1, đặc biệt, tại những khu vực quan trọng như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh chưa đảm bảo tiêu chuẩn n-2 như Quy hoạch điện được duyệt. Vào mùa khô, hệ thống truyền tải điện quốc gia từ 220-500 kV luôn phải vận hành trong tình trạng đầy tải và quá tải, đặc biệt là đường dây 500 kV Bắc-Nam và hệ thống lưới điện khu vực Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các vùng lân cận. Tình trạng quá tải dẫn đến tổn thất trên hệ thống truyền tải và nguy cơ sự cố tăng cao; tổn thất năm 2010 là 3,13% cao hơn 0,27% so với cùng kỳ 2009. Tình trạng này có khả năng tăng nặng thêm trong thời điểm đầu năm 2011 cùng với sự phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế.
Nan giải câu chuyện vốn đầu tư
Theo phó tổng giám đốc NPT Nguyễn Đức Cường, kể từ khi thành lập (tháng 7/2008) đến nay, tình hình tài chính của NPT luôn trong tình trạng căng thẳng, năm 2008 không có lãi, năm 2009 chỉ có lợi nhuận 75 tỷ đồng, không đủ vốn đối ứng cho đầu tư. Năm 2010 toàn bộ vốn tự có không đủ trả nợ gốc và lãi nên không còn để đối ứng đầu tư. Về thu xếp vốn, chỉ tính riêng các công trình cần khởi công và hoàn thành chưa thu xếp được vốn đã là 45 công trình với tổng giá trị 899 tỷ đồng như: ĐZ 500kV Vĩnh Tân- Sông Mây (AMN), đường dây 220kV đấu nối thủy điện A lưới (TTĐ2), nâng công suất trạm 500kV Pleiku (giai đoạn 2), cải tạo ĐZ 220kV Thường Tín – Mai Động, cáp ngầm 220kV Hà Đông – Thành Công... Về vốn vay nước ngoài, vốn ODA, Tổng Công ty đã đăng ký, triển khai thủ tục vay từ rất nhiều tổ chức tài chính quốc tế, hợp tác đa phương như dự án truyền tải và phân phối mở rộng TD2 AF vay WB, vay ADB khẩn cấp, vay Nexi, JICA... nhưng các thủ tục kéo dài và chưa thể giải ngân trong năm 2010. Việc huy động vốn thương mại trong nước gặp rất nhiều khó khăn, một phần do khó khăn của chính hệ thống tài chính ngân hàng Việt Nam huy động vốn khó khăn, lãi suất biến động liên tục theo hướng tăng cao.... Tổng Công ty là đơn vị mới thành lập, hoạt động chưa đủ 3 năm, chưa chuyển chủ thể vay trong hiệp định tín dụng, đặc biệt là các dự án ODA, nhiều dự án lưới điện truyền tải không có hiệu quả nếu xét riêng từng dự án như cáp ngầm 220kV Hà Đông – Thành Công hoặc do phát sinh công trình mới do nhiều nguyên nhân như lưới điện đồng bộ với nhà máy thuỷ điện Nho Quế 3, các công trình chống quá tải lưới điện Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh... nên rất khó khăn trong việc vay vốn. Việc thiếu vốn đối ứng dẫn đến nhiều vướng mắc trong việc triển khai các dự án, đặc biệt là các dự án cần khởi công năm 2010.
Về chi phí vận hành, giá truyền tải điện được duyệt vẫn quá thấp. Theo quy dịnh, giá truyền tải hợp lý phải đạt 10-15% giá bán điện bình quân thì mới đủ trang trải cho cá hoạt động và tái đầu tư. Tuy nhiên, năm 2009, giá truyền tải điện được duyệt bình quân 67,47đồng/kWh, chỉ đạt khoảng 7% giá bán điện bình quân (mặc dù giá điện bình quân hiện nay vẫn thấp hơn giá thành điện). Năm 2010, giá truyền tải điện rút xuống còn 6,39% giá bán điện bình quân. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng lưới điện do một số công tác sửa chữa thường xuyên, sửa chữa lớn bị đình hoãn. Tổng Công ty đã bàn giao lưới điện 110kV cho các Tổng Công ty Điện lực với số nợ phải thu về lên tới 1.675 tỷ đồng nhưng vẫn chưa thu hồi được nợ trong khi vẫn phải trả nợ lãi thay phần vốn chưa được thanh toán, EVN Telecom nợ NPT lên tới 182 tỷ đồng và chưa ký nhận bàn giao tài sản cáp quang vay vốn ORET 358 tỷ đồng làm cho tình hình tài chính NPT năm 2010 thêm khó khăn. Theo ông Nguyễn Đức Cường, kể cả khi giá điện truyền tải năm 2011 tăng tới 25% thì NPT vẫn chỉ đạt được tỷ lệ tự đầu năm 2011 dưới 7% và vẫn không đủ điều kiện vay vốn cho đầu tư.
Cần chính sách đặc thù
Để tháo gỡ những khó khăn trong việc phát triển lưới điện truyền tải, NPT đã tính tới 5 nhóm giải pháp sẽ thực hiện trong năm 2011 bao gồm: Đảm bảo vận hành lưới điện an toàn ổn định; Đảm bảo tiến độ đầu tư xây dựng các công trình đúng yêu cầu thời gian, hiệu quả và tiết kiệm; Giải quyết tốt nguồn vốn đầu tư; Mở rộng kinh doanh, bảo đảm điều kiện, chi phí hoạt động và đời sống người lao động; Bảo đảm hiệu quả điều hành, phục vụ đơn vị đáp ứng yêu cầu về thời gian, đảm bảo chất lượng, bỏ cơ chế xin cho và tăng cường dân chủ ở cơ sở. Bên cạnh đó, NPT cũng đề nghị EVN kiến nghị Chính phủ cho phép Tổng Công ty áp dụng quy chế, chính sách đặc thù, ưu tiên để đầu tư xây dựng các công trình điện cấp bách trong các năm 2010-2015. Cụ thể: Cho phép chủ đầu tư chỉ định cơ quan tư vấn có đủ kinh nghiệm và năng lực làm tư vấn cho các công trình lưới điện; được phép quyết định các hình thức lựa chọn nhà thầu; được phê duyệt thủ tục đầu tư các dự án ODA; Được làm chủ đầu tư các dự án lưới điện truyền tải 220-500kV trong Quy hoạch điện VII. Các dự án cấp bách được hưởng lãi suất ưu đãi từ các chính sách kích cầu của Nhà nước và các nguồn vốn ưu đãi khác. Mặt khác xem xét ưu tiên xem xét bố trí các nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ODA cho các dự án điện; NPT được vay vượt 85% vốn cho đầu tư các dự án và vay vượt 15% vốn tự có. Cho phép NPT được vay lại vốn ODA với các điều kiện vay như các tổ chức cho Chính phủ vay. Đề nghị Bộ Tài chính cấp bảo lãnh cho các khoản vay nước ngoài của NPT và miễn thẩm định dự án nếu đã được phê duyệt trong quy hoạch...