Trạm biến áp tự động của Cty ATS
Phát biểu tại Hội nghị Truyền tải và Phân phối, Lưới điện thông minh Châu Á-2010 vừa tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh, ông Hoàng Quốc Vượng- Thứ trưởng Bộ Công thương cho rằng: Việt Nam nhận thức được tiềm năng của phát triển lưới điện truyền tải/phân phối và lưới điện thông minh. Lưới điện truyền tải/phân phối an toàn, tin cậy và hiệu quả là rất cần thiết cho phát triển kinh tế và xã hội.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng- Tổng Giám đốc Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia cho rằng: Thế giới đang đứng trước thách thức về thiếu nguồn năng lượng và phụ thuộc và nguồn năng lượng sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Việt Nam cũng đang phải đối mặt với tình trạng thiếu điện do phụ tải tăng trưởng với tốc độ cao, trung bình 14,5% từ năm 2001 đến 2009 và do nhiều nguồn điện chậm tiến độ. Để giải quyết tình trạng này, ngoài việc đẩy nhanh tiến độ các nguồn điện, sử dụng tiết kiệm điện, Việt Nam cần tăng cường phát triển các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng gió, năng lượng mặt trời và đặc biệt là triển khai xây dựng lưới điện thông minh. Đây chính là một trong những giải pháp quan trọng để giải quyết vấn đề năng lượng, giảm phát thải CO2 vì biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại trong thế kỷ 21.
Theo tính toán của các chuyên gia, nhu cầu điện từ nay đến năm 2020 sẽ tăng 15%/năm và mức tổn thất điện năng trên 10% của lưới điện truyền tải/phân phối đòi hỏi Việt Nam phải tập trung đầu tư vào các dự án truyền tải/phân phối. Để đáp ứng nhu cầu năng lượng và giảm tổn thất tới 7%, Việt Nam cần tiếp cận các công nghệ tiên tiến cũng như nguồn vốn đầu tư. Vốn đầu tư cần thiết cho lưới điện truyền tải khoảng 500 triệu USD/năm vào thời điểm hiện tại và dự kiến tăng đáng kể trong những năm tới. Vì vậy việc sử dụng các công nghệ tiên tiến để tăng hiệu suất của lưới điện truyền tải/ phân phối là một trong những giải pháp giảm áp lực đầu tư. Năng lượng tái tạo đóng một vị trí quan trọng trong phát triển điện lực quốc gia và lưới điện thông minh chính là điều kiện cần thiết để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn năng lượng sạch. Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cũng cho rằng, Việt Nam sẽ tập trung vào việc nâng cao chất lượng và độ tin cậy cung ứng điện, do đó tiếp thu kiến thức và công nghệ để triển khai lưới điện thông minh sẽ được Việt Nam ưu tiên hàng đầu.
Lưới điện thông minh cho phép chuyển dịch phụ tải vào giờ cao điểm, giảm công suất của các nhà máy nhiệt điện phủ đỉnh và do đó giảm đầu tư và chi phí cho sản xuất điện. Đối với xã hội, người dân sẽ được phục vụ tốt hơn nhờ thông tin trao đổi hai chiều được tạo ra bởi lưới điện thông minh, nguồn năng lượng hóa thạch và năng lượng tái tạo được sử dụng hiệuq ủa và bền vững và khí thải CO2 sẽ được cắt giảm. Trên cơ sở phát triển lưới điện thông minh, Việt Nam hướng tới mục tiêu giảm 5% phụ tải đỉnh và 20% tiêu thụ năng lượng trên mỗi đơn vị GDP từ nay đến năm 2015. Trên cơ sở đó Việt Nam có thể tiết kiệm hàng tỷ USD đầu tư hệ thống điện và giảm khí thải CO2.
Theo: Báo Diễn đàn DN