Sau 16 năm vận hành đường dây 500kV, đội ngũ CBCNV của NPT đã chứng tỏ khả năng làm chủ công nghệ hiện đại, tiên tiến ngang bằng với trình độ của thế giới trong truyền tải điện siêu cao áp và điều khiển hệ thống điện liên kết nhiều vùng miền. Với tinh thần học hỏi, tính chủ động, sáng tạo, đội ngũ kỹ sư, công nhân NPT đã đủ sức tự mình điều hành, tính toán nghiên cứu, làm chủ thiết bị công nghệ, đảm nhận được nhiều công việc đòi hỏi kỹ thuật cao.
Tự chủ trong xây dựng và vận hành
Ông Đậu Đức Khởi, nguyên Phó Tổng giám đốc EVN đã tự hào kể về những kỳ tích trong quá trình xây dựng đường dây 500 kV, đặc biệt là sự làm chủ công nghệ hiện đại trong việc xây dựng và vận hành hệ thống truyền tải điện siêu cao áp và điều khiển hệ thống điện hợp nhất. Khi bắt đầu xây dựng đường dây 500 kV mạch 1, ngành điện phải dựa vào tư vấn nước ngoài trong thiết kế, tính toán, giám sát xây dựng, thí nghiệm, vận hành. Đến nay, ngành điện đã có thể chủ động tự mình xây dựng thêm nhiều tuyến đường dây siêu cao áp mới như đường dây 500 kV Pleiku-Yaly, đường dây 500 kV Phú Mỹ-Nhà Bè-Phú Lâm, đường dây 500 kV Pleiku-Phú Lâm mạch 2, đường dây Pleiku-Dốc Sỏi-Đà Nẵng, Đà Nẵng-Hà Tĩnh và Hà Tĩnh- Nho Quan- Thường Tín. Gần đây nhất là đường dây 500 kV Sơn La- Hòa Bình – Nho Quan vừa được hoàn thành và đường dây 500 kV Sơn La – Hiệp Hòa đang được khẩn trương xây dựng để truyền tải điện từ Nhà máy thủy điện Sơn La. Đây là những tuyến đường dây hoàn toàn do các đơn vị trong nước thiết kế và xây dựng mà không cần đến sự trợ giúp của chuyên gia nước ngoài. Chỉ trong một thời gian rất ngắn, các cán bộ kỹ sư ngành điện đã đủ sức tự mình điều hành, tính toán nghiên cứu hệ thống, chỉnh định rơ le bảo vệ, thí nghiệm, bảo dưỡng và sửa chữa đường dây.
Công nghệ hotline: bước đột phá của sự dám nghĩ dám làm
Một trong những đột phá quan trọng trong việc vận hành đường dây 500 kV là việc EVN triển khai công nghệ sửa chữa nóng trên đường dây 500 kV đang mang điện. Một công việc ít người dám nghĩ tới bởi vì trước đây cứ xảy ra trục lưới điện là phải cắt điện toàn tuyến để sửa chữa. Đi đầu trong lĩnh vực này là Công ty Truyền tải Điện 2 đã tiến hành sửa chữa nóng đường dây 500kV đang mang điện vào ngày 9/9/2001. Từ đó đến nay, các đơn vị truyền tải đã nhiều lần khắc phục sự cố ở đường dây 500KV khi đường dây đang dẫn điện, làm lợi cho Nhà nước hàng tỷ đồng do không phải cắt điện.Công nghệ sửa chữa hotline không chỉ đem lại lợi ích đáng kể về kinh tế-chính trị, xã hội trong việc đảm bảo dòng điện thông suốt liên tục mà còn đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của NPT trong việc tiến quân vào lĩnh vực khoa học công nghệ. Đến nay, công nghệ này đã được áp dụng thường xuyên trên hệ thống. Đặc biệt, Công ty Truyền tải Điện 2 cũng đã sử dụng máy bay trực thăng để sửa chữa dây cáp quang đường dây 500kV.
Tiếp theo công nghệ sửa chữa hotline trên đường dây 500 kV, Công ty truyền tải điện 3 đã nghiên cứu và thử nghiệm thành công công nghệ vệ sinh hotline lưới điện và các trạm biến áp 220kV- 500kV. Vệ sinh lưới điện là công việc bắt buộc để ngăn chặn nguy cơ phóng điện tràn, ngắn mạch, gây sự cố đường dây, làm suy giảm khả năng cách điện, tăng tổn hao công suất trên lưới, gián đoạn cung cấp điện của hệ thống. Trước đây, các công ty truyền tải vẫn cắt điện đường dây để công nhân trèo lên cột làm vệ sinh thủ công từng bát sứ một. Hậu quả là rất tốn kém thời gian, công sức, lại mất an toàn cho người lao động, việc cung ứng điện bị gián đoạn. Đề tài “Vệ sinh cách điện lưới truyền tải (220 kV, 500 kV) đang mang điện bằng nước áp lực cao” đã giúp thợ đường dây dùng nước đã qua khử ion, dùng vòi bắn lên vị trí cần làm vệ sinh với áp lực cao 70-100kg/cm2 để rửa sạch bụi bẩn. Quá trình được thực hiện khi đường dây vẫn đang mang điện không chỉ đảm bảo vận hành lưu thông dòng điện mà con giảm được chi phí quản lý, giảm cường độ lao động cho công nhân, đặc biệt là giảm được nguy cơ phóng điện gây sự cố và nâng cao độ tin cậy cung cấp điện của hệ thống.
Hiệu quả từ việc sử dụng cách điện polyme
Một trong những thành công đáng kể của ngành điện là việc sử dụng cách điện polyme (cách điện composite) cho đường dây tải điện cao thế thay cho cách điện làm bằng sứ, thuỷ tinh. Giải pháp này đã cho thấy tính hiệu quả về kỹ thuật và kinh tế rõ rệt. Ưu điểm của cách điện polyme là có trọng lượng nhẹ, dễ dàng vận chuyển và lắp đặt, bảo quản thuận tiện, đặc biệt là không bị sứt mẻ khi vận chuyển cũng như lắp đặt. Đặc biệt, cách điện polyme có khả năng chống bám nước nên có thể tránh được hiện tượng phóng điện bề mặt, giảm thiểu sự cố, tổn thất điện năng trên đường dây truyền tải. Bụi bám trên mặt cách điện cũng dễ bị rửa trôi sau mỗi trận mưa. Tuổi thọ và độ tin cậy của cách điện composit bền hơn rất nhiều so với cách điện thuỷ tinh. Đặc biệt, khi sử dụng sứ composit lắp cho đường dây 500 kV thì tiếng kêu phóng điện êm hơn, cách điện tốt hơn, giảm hẳn khả năng bám bụi, không phát hồ quang điện.
Ngoài việc sử dụng cách điện polyme, các đơn vị truyền tải áp dụng nhiều sáng kiến như lắp đặt chống sét van cho các đường dây để làm giảm sự cố do sét đánh; lắp đặt hệ thống trụ dự phòng khẩn cấp (trụ Kema) để thay thế đường dây trong thời gian sửa chữa để giảm thời gian cắt điện trên đường dây; công nghệ giám sát dầu online và phóng điện cục bộ MBA để sớm phát hiện nguy cơ gây sự cố MBA làm cho quá trình vận hành MBA 500 kV tốt hơn; công nghệ SCADA giúp tự động hoá quá trình quản lý lưới điện truyền tải, tăng độ tin cậy của hệ thống. Nhiều đơn vị cũng đã áp dụng công nghệ hàn Cadweld trong xử lý các mối nối tiếp xúc cũng như sử dụng hóa chất Gem trong việc xử lý kéo giảm trị số điện trở của hệ thống tiếp địa đường dây và trạm; Công nghệ kiểm tra nhiệt độ bằng thiết bị chụp ảnh nhiệt thermal imaging, thiết bị dùng đo nhiệt độ các mối nối, tiếp xúc đang mang điện cao thế để ngăn chặn các hư hỏng mà không phải cắt điện… Nhờ vậy, các sự cố như đứt lèo, đứt cáp quang, dây dẫn phát nhiệt, phóng điện sứ trên đường dây, các sự cố trạm được phát hiện và xử lý kịp thời. Hệ thống thông tin quang trang bị trên hệ thống 500 kV phục vụ cho thông tin ngành điện và viễn thông công cộng cũng như an ninh quốc phòng đã được vận hành tốt, đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật. Đến nay, ngành điện đã phát triển thêm nhiều tuyến thông tin quang khác, nâng cấp thông tin đường trục Bắc- Nam, đồng thời triển khai nhiều dịch vụ viễn thông trên các tuyến thông tin quang của mình. Hiện nay các đơn vị truyền tải cũng đã sử dụng phần mềm e-offi ce 2.0 vào quản lý Công văn, tài liệu, văn bản và quản lý công việc để chuẩn hoá và giảm thiểu mọi xử lý thủ công, tiết kiệm được nhiều thời gian, chi phí điều hành.
Tiếp tục làm chủ khoa học công nghệ
Dự báo, tốc độ tăng trưởng điện giai đoạn 2011-2015 sẽ là 14,1 - 16%, giai đoạn 2016-2020 là 11,3-11,6%, giai đoạn 2021-2025 tăng 8,2-9,2%, giai đoạn 2026-2030 tăng 7,4-8,4%. Để đáp ứng nhu cầu này, ngoài việc xây dựng nguồn, lưới điện cũng cần phát triển mạnh để đáp ứng truyền tải. Cụ thể, giai đoạn 2011-2015 cần xây dựng trên 6.800 km đường dây 220-500 kV và trên 50.000 MVA trạm biến áp 220 - 500 kV; Giai đoạn 2016-2020 sẽ xây dựng khoảng 5.800 km đường dây 220-500 kV và trên 66.000 MVA trạm biến áp 220-500 kV. Cùng với việc xây dựng mới, NPT đang tích cực nghiên cứu áp dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật mới, hiện đại vào xây dựng và vận hành hệ thống truyền tải. Những tính toán về việc sử dụng dây dẫn kháng nhiệt và dây dẫn siêu nhiệt sẽ góp phần làm tăng công suất truyền tải của đường dây, tăng khả năng cung cấp điện cho phụ tải. Nghiên cứu sử dụng công nghệ dây dẫn mới để giảm tải trọng cột dẫn đến giảm chi phí đầu tư móng và cột. Công nghệ siêu dẫn cũng hứa hẹn những ứng dụng tuyệt vời, từ hệ thống máy tính cực nhanh đến các mô-tơ điện có công suất cực lớn hay đơn giản là hệ thống truyền tải điện năng không gây tỏa nhiệt lãng phí trên đường đi. Đặc biệt, tương lai gần chúng ta sẽ xây dựng đường dây siêu cao áp (750kV hoặc 1000kV) không chỉ để truyền tải giữa các vùng miền trên cả nước mà còn “nối mạng điện” với các nước trong khu vực, đảm bảo thực hiện kế hoạch xuất khẩu và nhập khẩu điện. Hiện ngành điện đang nỗ lực xây dựng, quản lý vận hành hệ thống lưới điện siêu cao áp quốc gia một cách an toàn, làm chủ khoa học công nghệ góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước.