Mô hình thị trường điện điều độ tập trung chào giá theo chi phí: Cần tiếp tục hoàn thiện

Thứ tư, 22/8/2007 | 00:00 GMT+7

Sau Hội thảo cấu trúc tổng thể thị trường phát điện cạnh tranh (TTPĐCT) hoàn chỉnh tại Việt Nam được tổ chức vào tháng 4/2007, vừa qua, Tư vấn KEMA (Mỹ) đã tiếp tục phối hợp cùng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công nghiệp) tổ chức Hội thảo cấu trúc chi tiết phát triển TTPĐCT phù hợp với hoàn cảnh, đặc thù của Việt Nam.

Lợi nhuận của Các nhà máy thủy điện đa mục tiêu sẽ được điều tiết để cân bằng cho SB?

Tư vấn KEMA cho rằng: Mô hình thị trường chào giá theo chi phí (Cost Based Pool - CBP) là mô hình phù hợp với điều kiện và đặc thù của Việt Nam. Bởi lẽ, mặc dù mô hình thị trường chào giá tự do (Price Based Pool - PBP) có tính cạnh tranh cao hơn, nhưng với cơ chế thanh toán giá điện 1 thành phần (gồm chi phí cố định và biến đổi), các nhà đầu tư vào nguồn điện có xu hướng thu hồi vốn nhanh thông qua việc bắt tay nhau đẩy giá điện lên cao. Do vậy, mô hình PBP đòi hỏi việc tổ chức thị trường điện phải đảm bảo không một đơn vị nào tham gia có thể lũng đoạn được thị trường. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, mô hình PBP mang lại nhiều rủi ro cho nhà đầu tư, nên không thu hút đầu tư vào nguồn điện.

Còn với mô hình CBP, mặc dù tính cạnh tranh của thị trường không cao, phức tạp trong việc xác định các chi phí (cố định, biến đổi) của các nhà máy điện, nhưng sẽ đảm bảo tỷ lệ thu hồi vốn hợp lý cho nhà đầu tư, từ đó thu hút đầu tư xây dựng nguồn điện mới. Với cơ chế thanh toán theo công suất sẵn sàng, CBP sẽ nâng cao độ sẵn sàng cung cấp điện của các nhà máy cho hệ thống điện; đồng thời giúp cho hệ thống điện vận hành dài hạn với chi phí thất nhất.

 

Trên cơ sở thực hiện Quyết định số 26/2006/QĐ-TTg ngày 26/1/2006 của Thủ tướng Chính phủ về các điều kiện tiên quyết hình thành thị trường phát điện cạnh tranh hoàn chỉnh, KEMA cũng đề xuất hình thành các công ty năng lượng (nguồn, phân phối điện) và các công ty dịch vụ (truyền tải, vận hành hệ thống điện,…). EVN hoặc nắm giữ các công ty năng lượng, hoặc nắm giữ các công ty dịch vụ.  Các nhà máy thủy điện đa mục tiêu  (SMHP) như: Hòa Bình, Trị An, Yaly và Sơn La sẽ thuộc sở hữu nhà nước và được vận hành theo nguyên tắc tối thiểu hóa chi phí mua điện. Các nhà máy thủy điện còn lại sẽ được cổ phần hóa hoặc trở thành IPP và được tự do chào giá trên thị trường nhằm tối đa hóa lợi nhuận.

Để phù hợp với mô hình CBP, tư vấn KEMA đề xuất cơ chế mua bán điện với các nhà máy điện sẽ thực hiện theo hợp đồng hai thành phần (điện năng và công suất). Trong đó, phần công suất sẽ được thanh toán theo tính toán các chi phí cố định thực tế (bao gồm vốn đầu tư) của mỗi nhà máy, phần điện năng sẽ được thanh toán phù hợp với chi phí biến đổi của mỗi nhà máy theo hợp đồng CfD (Hợp đồng đảm bảo tài chính cho các bên tham gia thị trường). Nhằm đảm bảo đáp ứng nhu cầu điện, tư vấn KEMA khuyến nghị các dự án nguồn điện mới phải được thực hiện phù hợp với quy hoạch và được tiến hành thông qua đấu thầu cạnh tranh, nhằm đảm bảo thu hút đầu tư và lựa chọn nguồn điện rẻ nhất cho Việt Nam.

Theo lộ trình hình thành và phát triển thị trường điện, việc hình thành Công ty Mua bán điện (SB) là điều kiện tối thiểu để bắt đầu thực hiện thị trường phát điện cạnh tranh hoàn chỉnh (năm 2009). Với đặc thù giá điện đầu vào cho SB biến động theo thị trường, đầu ra là giá bán buôn cho các công ty phân phối điện, ít biến động, SB có thể chịu những rủi ro về tài chính. Mặc dù mô hình CBP đã giảm thiểu những biến động về giá đầu vào, song vẫn cần có những cơ chế điều tiết để giảm thiểu rủi ro tài chính cho SB. Chính vì thế, tư vấn KEMA đã đề xuất các nhà máy thủy điện đa chức năng sẽ được chào giá theo thị trường và được thanh toán theo chi phí vận hành, lợi nhuận của SMHP sẽ được điều tiết để cân bằng cho SB.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn -  Trưởng ban Thị trường điện EVN, bản báo cáo của Tư vấn KEMA trong Hội thảo này đã hoàn chỉnh hơn rất nhiều so với Hội thảo lần 1, đề cập đến những yếu tố liên quan đến vận hành thị trường. Tuy nhiên, trong thiết kế thị trường mà Tư vấn đề xuất thì có nhiều điểm cần phải nghiên cứu kỹ và đưa ra những tính toán cụ thể. Thiết kế mô hình thị trường mà Tư vấn xây dựng rất giống với việc thực hiện cơ chế giá hạch toán nội bộ mà EVN đã áp dụng từ năm 2001. Qua thời gian thực hiện, EVN đã phát hiện và cải tiến một số hạn chế, tồn tại. Điểm khác lớn nhất là trong cơ chế giá hạch toán nội bộ, EVN duyệt toàn bộ chi phí cố định và chi phí biến đổi của các nhà máy; các nhà máy công bố công suất sẵn sàng và Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia thực hiện điều độ tập trung. Vấn đề ở đây là mô hình thị trường điện mà Tư vấn KEMA nêu lên vẫn chưa giải quyết được mâu thuẫn giữa các nhà máy thuộc EVN và các nhà máy thủy điện của các chủ đầu tư khác; chưa tìm được câu trả lời cho vấn đề mà EVN hiện đang trăn trở nhiều nhất là vận hành các nhà máy thủy điện để vừa đảm bảo minh bạch, vừa thúc đẩy đầu tư vào lĩnh vực điện lực…

Ông Đặng Hùng - Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực khẳng định: Về mặt hình thức, mô hình CBP và thực hiện cơ chế giá hạch toán nội bộ hiện nay của EVN là giống nhau. Điểm khác biệt là trước đây, EVN sử dụng mệnh lệnh hành chính để xử lý tất cả các mâu thuẫn trong dây chuyền, nhưng trong mô hình CBP, các đối tượng tham gia không chỉ là các đơn vị thuộc EVN. Các đơn vị còn một khoảng tự do để chào giá, dù là rất nhỏ, một lượng nào đó theo chi phí biến đổi. Sở dĩ Cục Điều tiết Điện lực ủng hộ đề xuất của Tư vấn vì mô hình này đơn giản khi bắt đầu triển khai, nhưng lại có khả năng mở rộng khả năng cạnh tranh và cơ hội cho các đơn vị phát điện trong tương lai.

Sau Hội thảo, ý kiến của các đơn vị liên quan sẽ được Tư vấn KEMA thu thập, nghiên cứu, bổ sung nhằm hoàn thiện báo cáo Cấu trúc chi tiết cho thị trường phát điện cạnh tranh; Cục Điều tiết Điện lực sẽ trình Bộ Công nghiệp xem xét và quyết định.

Tại Quyết định số 26/2006/QĐ-TTg ngày 26/1/2006 chỉ rõ các điều kiện tiên quyết hình thành thị trường phát điện cạnh tranh hoàn chỉnh, trong đó “Các nhà máy điện thuộc EVN được tách thành các đơn vị phát điện độc lập dưới dạng các công ty nhà nước độc lập hoặc công ty cổ phần. Tổng công suất đặt của một đơn vị phát điện không được vượt quá 25% công suất đặt của toàn hệ thống”. 

Theo TC Điện lực số 7 - 2007