Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) tạo sức bật từ những lợi thế của EVN

Thứ năm, 28/12/2006 | 00:00 GMT+7

Mặc dù đang đứng ở vị trí nửa sau trong số các ngân hàng cổ phần, nhưng trong vòng 5 năm nữa, ABBank sẽ nằm trong danh sách “top ten” các ngân hàng hàng đầu Việt Nam - Phó Tổng giám đốc ABBank Nguyễn Hoài Anh khẳng định - Những lợi thế rất lớn từ đối tác chiến lược EVN chính là động lực để ABBank đặt ra mục tiêu trên, tự tin làm mới mình và tạo sức bật mạnh mẽ trên thị trường. Phóng viên TCĐL đã có cuộc trao đổi với ông về vấn đề này.

Từ phát huy sức mạnh nội tại

PV: Được biết, ABBank mặc dù đã ra đời được 13 năm, nhưng vài năm gần đây mới thực sự “thức giấc” và từ năm 2005 mới được thị trường biết đến. Ông cho biết vị trí và khả năng cạnh tranh của ABBank trên thị trường?

 

 

Ông Nguyễn Hoài Anh: Tuy mới được chuyển đổi mô hình hoạt động từ ngân hàng nông thôn lên ngân hàng đô thị, song thời gian qua, quy mô về vốn của ABBank tăng rất nhanh, từ 165 tỉ đồng cuối năm 2005 lên 990 tỷ vào tháng 8/2006 (tăng gấp 6 lần). Hiện ABBank đang ở vị trí trung bình so với các ngân hàng cổ phần. Để đảm bảo khả năng cạnh tranh và tiến tới trở thành 1 trong 10 ngân hàng hàng đầu Việt Nam như định hướng đặt ra đến năm 2010, ABBank đang giải 1 bài toán với những con số khổng lồ, đó là làm sao tăng mức vốn lên 2.000 - 3.000 tỉ đồng, tổng tài sản phải tăng gấp 30 lần, tức vào khoảng 30.000 - 40.000 tỉ, có hàng trăm chi nhánh và phòng giao dịch, số lượng nhân viên lên đến hàng nghìn người. Còn ở thời điểm hiện nay là giai đoạn ABBank phát huy sức mạnh nội lực: Phát triển mạnh mẽ nguồn nhân lực, hiện đại hoá ngân hàng, mở rộng mạng lưới hoạt động, gia tăng sản phẩm dịch vụ kinh tế và phát triển nguồn khách hàng cung cấp...

PV: Sự tham gia của ngành Điện với vai trò 1 cổ đông chiến lược có tác động gì đối với hoạt động của ABBank ?

Ông Nguyễn Hoài Anh: Đây cũng là điều tôi muốn nhấn mạnh. Lý do để ABBank có động lực phát triển lớn mạnh chính là ngành Điện - một ngành được đánh giá là có dòng tiền lớn và ổn định, khả năng tái đầu tư cao. Hiện trên thị trường có hai nhóm ngân hàng: Một là những ngân hàng đã phát triển đến một quy mô lớn nhất định và có khả năng cạnh tranh lớn. Hai là nhóm các ngân hàng nhỏ không có nhiều ưu thế cạnh tranh do mạng lưới chi nhánh ít, nhân sự và vốn mỏng, khả năng huy động vốn không nhiều... Tuy ở thời điểm này ABBank nằm trong nhóm thứ hai, tức là ngân hàng có quy mô rất nhỏ, nhưng lại có lợi thế rất lớn là có được sự tham gia của EVN. Sự hỗ trợ của EVN cũng như các đơn vị thành viên rất quan trọng và hiệu quả, tạo cho ABBank những lợi thế lớn về mặt khách hàng, về kênh phân phối và khả năng cạnh tranh - điều kiện để tạo sức bật trên thị trường. Hay nói cách khác đó là “đòn bẩy” để ABBank có thể tạo nên sự khác biệt chỉ trong thời gian ngắn.

PV: Cụ thể, mảng thị trường ngành Điện hứa hẹn những tiềm năng gì?

Ông Nguyễn Hoài Anh: Chiến lược của ABBank là ở đâu có CBCNV và khách hàng của ngành Điện thì ở đó có mặt ABBank. ABBank tập trung phát triển 3 khối khách hàng: Khách hàng bán lẻ của điện lực; các nhà thầu và đối tác của EVN; bản thân EVN và các đơn vị thành viên. Mỗi khối khách hàng chúng tôi đưa ra những sản phẩm phù hợp. Ví dụ: Khối khách hàng cá nhân (CBCNV ngành Điện) là sản phẩm thẻ, các sản phẩm tiết kiệm, đầu tư; đối với nhà thầu là cho vay để thực hiện các dự án điện; đối với EVN và các đơn vị thành viên là thu xếp vốn, phát hành cổ phiếu, trái phiếu hoặc thanh toán nội địa, quốc tế...

Về kênh phân phối, EVN tạo lợi thế cho ABBank phát triển cả kênh phân phối truyền thống (giao dịch tại quầy) lẫn phi truyền thống (là sản phẩm thẻ, sử dụng công nghệ hoặc liên kết mạng lưới với EVN). Chỉ cần theo sát hệ thống các công ty điện lực, điện lực tỉnh và thành phố thì ABBank đã mở được rất nhiều chi nhánh. Ngoài ra, ABBank có thể phát triển các kênh phân phối phi truyền thống như: Internet, hệ thống POS (thiết bị đầu cuối để thanh toán), ATM, sử dụng mạng lưới thu tiền điện để bán sản phẩm của ngân hàng (đại lý phát hành thẻ), bán chéo sản phẩm của ABBank và Công ty Thông tin Viễn thông Điện lực (EVNTelecom) tại các điểm giao dịch... Bước đầu chúng tôi dự kiến sẽ phối hợp triển khai thanh toán tiền điện và tiền điện thoại qua Internet và POS.

Ngoài ra, EVN còn mang lại những lợi thế đặc biệt như phát triển hệ thống đường truyền. EVNTelecom là nhà cung cấp dịch vụ này rất tốt, giúp ABBank thiết lập hệ thống đường truyền trên toàn quốc, nối các chi nhánh với nhau. Tốc độ mạng của EVNTelecom nhanh tới đâu thì dịch vụ của ABBank nhanh tới đó. Hoặc nếu chúng tôi muốn phát triển về đào tạo nhân sự thì các trường của ngành Điện có thể làm cơ sở đào tạo trên toàn quốc cho ABBank; phát triển dịch vụ huy động vốn thì qua kênh phát hành thẻ; đầu tư thì qua quá trình cổ phần hoá của EVN, cho vay nhà thầu, phát hành chứng khoán cho các đơn vị của ngành Điện... Đặc biệt, mối quan hệ với các đối tác chiến lược của ABBank cũng được mở rộng đáng kể nhờ sự có mặt và giới thiệu của EVN.

Đến phát triển ngoại lực

PV: Đó là những lợi thế quan trọng tạo tiền đề, còn về lâu dài những bước đi nào sẽ là định hướng “xương sống” cho sự phát triển của ABBank?

Ông Nguyễn Hoài Anh: ABBank đã xây dựng chiến lược phát triển với từng giai đoạn cụ thể. Hiện chúng tôi đang ở giai đoạn 1 và 2 với mục tiêu nâng cao hiệu quả và phát triển quy mô. Tầm nhìn trung và dài hạn của ABBank là sẽ trở thành một tập đoàn tài chính mạnh mẽ, bao gồm ngân hàng thương mại, ngân hàng đầu tư (công ty chứng khoán), công ty quản lý quỹ và phối hợp bảo hiểm. Tuy nhiên, để có thể tồn tại và đứng vững trong một thị trường chật hẹp mà có tới 60 ngân hàng thì chúng tôi cũng như nhiều ngân hàng khác sẽ phải trải qua giai đoạn mua bán và sáp nhập. Hiện ABBank đang chuẩn bị cho giai đoạn này để làm sao 3 - 5 năm nữa đủ khả năng mua các ngân hàng khác, nếu không muốn bị mua lại và mất thương hiệu. Do đó, phát triển ngoại lực là vấn đề sống còn, là định hướng “xương sống”, là cốt lõi của bộ máy điều hành ABBank trong giai đoạn 3. Ngay từ bây giờ, chúng tôi đang từng bước nâng cao và chuẩn bị kỹ lưỡng 2 yếu tố quan trọng mang tính quyết định là hiệu quả sử dụng vốn và hiệu quả hoạt động. Khi đã phát triển đến một mức độ nào đó thì giai đoạn cuối cùng sẽ chỉ là lựa chọn việc sử dụng vốn có hiệu quả nhất, là bài toán tổng hợp của ba bài toán đã làm ở trên. Từ năm 2010 là chiến đấu trên thị trường thế nào để tồn tại một ABBank lớn mạnh. 

PV: Để trở thành một tập đoàn tài chính lớn mạnh, ngoài quy mô lớn về vốn, tổng tài sản, nhân lực và đảm bảo các yếu tố chất lượng, hiệu quả dịch vụ... còn là vấn đề thời gian. Liệu chỉ trong vòng 4 - 5 năm, ABBank có thể tạo một thương hiệu thực sự nổi trội và đứng ở vị trí “top ten” trong số các ngân hàng hiện có của Việt Nam như dự định?

Ông Nguyễn Hoài Anh: Theo tôi, thương hiệu là thông điệp gửi đến mọi người để nói tôi là ai, định làm gì, cung cấp gì cho bạn. Quay ngược lại vấn đề đến năm 2010, ABBank sẽ đứng ở vị trí nào? Tầm nhìn và sứ mệnh của ABBank là trở thành 1 trong 10 ngân hàng hàng đầu Việt Nam và cạnh tranh dựa trên yếu tố công nghệ, con người và sự sáng tạo. Do đó, thương hiệu của ABBank cũng phải truyền tải được thông điệp ấy. ý tưởng của thông điệp trên cũng đã được thể hiện trên mẫu Logo mới với hai màu cam và xanh ngọc nổi bật, thu hút sự chú ý, biểu hiện sức mạnh cũng như sự quyết tâm của ABBank. Chúng tôi muốn tự làm mới mình, sẵn sàng đối mặt và tự tin là có thể vượt qua những thách thức.

Tạp chí Điện lực số 11 - 2006