Sự kiện

Mùa mưa bão: Không thể lơ là

Thứ sáu, 4/10/2013 | 08:51 GMT+7
Mưa đã ngớt ở Bắc bộ nhưng lại bắt đầu mùa chính ở Trung bộ và Tây Nguyên - nơi địa hình hiểm trở, dễ lũ lụt ngập úng, ẩn chứa nhiều tai họa với ngành điện.


Lũ lụt ngập úng ẩn chứa nhiều tai họa

Biến đổi khí hậu đã thể hiện cụ thể ở thời tiết nước ta. Mùa mưa đến sớm hơn thường lệ, thời tiết lạnh kéo dài và ngày càng có xu hướng lấn sâu xuống phía Nam. Áp thấp nhiệt đới và bão xuất hiện ở biển Đông có nhiều dấu hiệu bất thường, sớm hơn và dày đặc hơn  không chỉ gây tác hại trên đất liền mà sóng lớn, giông sét, tầm nhìn hạn chế đã ảnh hưởng nhiều đến các hoạt động trên biển. Cơn bão số 8 vừa qua tuy cấp độ trung bình nhưng đã gây ảnh hưởng lớn, không chỉ những vùng bão đi qua mà còn cả Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa và vùng Tây Nguyên rộng lớn. Chỉ riêng ở Nghệ An, bão lũ đã làm chết 5 người, Đăk  Lăk đã làm chết 2 người và 11 người mất tích. Bão cũng làm úng ngập, hư hại hàng nghìn héc ta lúa, hoa màu đang vụ thu hoạch. Những ngày cuối tháng 9, tuy bão đã tan nhưng mưa lớn, nước sông dâng cao vượt cả tầm lũ lịch sử. Vừa hết bão số 8, bão số 9 tuy không vào Việt Nam nhưng hoàn lưu của nó tiếp tục gây hại, lại đến bão số 10.

Một trong những nỗi lo là tình trạng úng ngập cục bộ. Vùng nông thôn rộng lớn, nước lụt hàng tháng không rút, cây cối hoa màu chết, dịch bệnh hoành hành. Ở các thành phố phía nam, úng ngập do mưa cộng thêm triều cường đã biến nhiều đường phố, khu phố ở TP. HCM, thành phố Cần Thơ thành các dòng sông nhỏ. Ở Hà Nội, mưa ở mức 100 mm, đã có 23 điểm úng ngập. Úng ngập đi liền với ùn tắc giao thông, nước tràn vào nhà, cây đổ, chập điện gây tai nạn. Do những chuyển dịch nền đất, các “hố tử thần” xuất hiện trên mặt đường ở nhiều nơi, tiềm ẩn tai nạn cho người và xe cộ. Nhưng ngoài các hố đã xuất hiện trên mặt đường, hiện tượng chuyển dịch của nền đất vốn đã rất yếu ở hầu hết các thành phố lớn cả nước, không chỉ diễn ra trên mặt đường mà còn ở mọi nơi. Cây cối tuổi thọ đã lâu, bị mối mọt lại bị hẫng gốc do nền đất không ổn định chắc chắn việc đổ, nghiêng sẽ tăng lên. Nếu không chú ý đến chất lượng,  ở những nơi tiến hành đặt lại cống, hạ ngầm cáp, không chỉ cây cối mà cả trụ điện, nhà cửa cũng bị nghiêng lún.  Năm nào cây đổ, chập điện cũng gây ra tai nạn chết người, hỏng xe ôtô, xe máy, nhà cửa và ách tắc giao thông. Năm nay, mới đầu mùa mưa, đã có người bị nạn vì những việc lẽ ra có thể lường trước được này.

Riêng đối với ngành điện, mùa mưa bão cũng mang lại rất nhiều khó khăn. Trong thành phố, úng ngập gây chập điện, mất điện trên diện rộng, tai nạn chết người là điều thường thấy. Vùng ngoại thành và nông thôn vùng sâu, vùng xa lũ quét, sạt lở đất, gió lớn gây đổ cột, gãy cột, đứt dây. Vùng trũng mưa lụt, kéo theo nó là ngập úng gây đổ cột, vỡ sứ, ngập trạm biến áp gây mất điện nhiều giờ. Trong cơn bão số 8, do hư hại cột, đường dây và trạm biến áp, đã có 1,75 triệu KWh không phân phối được, 16 huyện mất điện hoàn toàn trong nhiều giờ. Thiệt hại lớn và ảnh hưởng rộng như vậy nhưng không hiểu sao trong các bản tin báo bão, không thấy tổng hợp tình hình chống bão và thiệt hại của ngành điện lực.

Nỗi lo lớn nhất là vỡ đập các hồ chứa. Khi hàng tỷ mét khối nước từ trên cao trút xuống hạ lưu, tai hoạ thật khó lường. Chỉ mới đầu mùa mưa đã vỡ đập thủy điện nhỏ, nếu điều đó xảy ra ở các hồ lớn khác, phần nhiều treo trên núi cao, có hồ hàng chục tỷ mét khối nước, ở vùng không ổn định về địa chất, thiệt hại sẽ không thể tính hết.
 

Mưa lụt là vận động của thiên nhiên, con người chỉ có thể hạn chế tác hại nhưng không thể hoàn toàn chế ngự được. Đã như vậy, kinh phí phòng hạn chế tác hại của lụt bão lại rất lớn, một nước còn nghèo như nước ta khó có thể đòi hỏi ngay một lúc. Nhiều thứ biết nhưng đành chịu. Tuy vậy, có nhiều việc vẫn có thể làm được, nếu quan tâm đúng mức. Miền Trung đất hẹp, địa hình dốc, sát biển và lại có dãy Trường Sơn chắn giữ nên có báo là thường xảy ra mưa to, lũ quét, lũ ống và úng lụt. Nếu không thường xuyên kiểm tra, phòng chống ngành điện thường thiệt hại lớn cả về người và của khi bất ngờ thiên tai ập đến. Cần kiểm tra cắt tỉa cây xanh, khơi thông dòng chảy, bảo đảm an toàn hệ thống dây, cột và trạm biến áp, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các hồ chứa, có kế hoạch phối hợp giữa ngành và địa phương trong các phương án xả lũ. Rà soát, bổ sung, phân công lực lượng tuần tra, bảo vệ  lưới điện và tuyên truyền phổ biến kiến thức cho dân về an toàn trong mùa mưa… Những việc đó tuy đã thành lệ năm nào cũng có nhưng chưa thể nói đã làm tốt, nên không thể lơ là.

Hạn chế được thiệt hại thiên tai chủ yếu là do con người. Chia sẻ với cán bộ, công nhân viên điện lực miền Trung trong mùa bão lũ là trách nhiệm và tình cảm của hàng chục vạn người trong gia đình EVN.
Theo: Công Thương Online