Nâng ‘chất’ thị trường
Thứ hai, 28/6/2010 | 17:55 GMT+7
Nâng cao chất lượng kiểm toán độc lập, cũng như nâng cao chất lượng thông tin của công ty niêm yết được xem là những giải pháp làm lành mạnh hoá thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam.
Đánh giá 10 năm phát triển của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam, ông Nguyễn Vũ Quang Trung, Phó tổng giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, khẳng định: “TTCK Việt Nam mặc dù trải qua không ít thăng trầm, nhưng về cơ bản, đã có sự phát triển vượt bậc”.
Cụ thể, khi Trung tâm Giao dịch chứng khoán TP.HCM (nay là Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM) đi vào hoạt động, thị trường chỉ có 2 công ty niêm yết, với khoảng 2.000 tài khoản, sau 10 năm, đã có 529 công ty niêm yết trên cả 2 sở, với tổng mệnh giá 168.000 tỷ đồng (nếu tính theo thị giá, tổng giá trị niêm yết của 529 mã cổ phiếu lên đến 680.000 tỷ đồng, tương đương 37% GDP với trên 900.000 tài khoản).
Theo ông Trung, trong 10 năm tới, TTCK Việt Nam tiếp tục đà tăng trưởng mạnh như đã đạt được trong 10 năm qua, bởi số lượng công ty niêm yết hiện vẫn còn ít so với số công ty đại chúng (khoảng 4.000), số lượng doanh nghiệp nhà nước sẽ chuyển đổi thành công ty cổ phần còn rất lớn, số lượng tài khoản chứng khoán còn rất nhỏ so với thực tế (ước khoảng 20 triệu)… “Bộ Tài chính đặt mục tiêu trong vòng 5-10 năm tới, giá trị vốn hoá thị trường sẽ đạt 50-100% GDP”, ông Trung tin tưởng.
Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Hữu Tú, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, ngày càng có nhiều DN nhìn thấy những lợi ích lớn khi niêm yết cổ phiếu trên TTCK, bởi khi niêm yết, nhiều DN đã giải quyết được vấn đề tài chính bằng việc phát hành cổ phiếu, bớt phụ thuộc vào nguồn vốn ngân hàng thường ngắn hạn và chịu áp lực về lãi suất. Ngoài ra, khi niêm yết, nhiều DN đã tìm được đối tác chiến lược để tái cơ cấu hoạt động sản xuất - kinh doanh.
“TTCK Việt Nam có rất nhiều cơ hội để phát triển như DN đã nhìn thấy lợi ích khi niêm yết, TTCK đang trở thành kênh đầu tư quan trọng của một bộ phận công chúng, cũng như các nhà đầu tư có tổ chức, Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn đã và đang được ban hành khá đồng bộ… Đặc biệt, thị trường mua bán - sáp nhập (M&A) đang phát triển rất mạnh, sẽ trở thành động lực để phát triển TTCK”, ông Tú nhận định.
Là lãnh đạo của cơ quan báo chí gắn bó 10 năm với sự thăng trầm của TTCK, TS. Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Biên tập Báo Đầu tư cũng tin rằng, trong 10 năm tới, TTCK Việt Nam tiếp tục có sự phát triển vượt bậc, song theo ông Tuấn, sự phát triển của TTCK trong thời gian tới không chỉ là mở rộng quy mô, nâng số lượng tài khoản, số lượng công ty niêm yết, số lượng công ty chứng khoán…, mà quan trọng là phải phát triển về chất. Trong thời gian tới, TTCK không thể phát triển nhờ vào đầu tư ngắn hạn, đầu tư lướt sóng, đầu tư dựa vào tin đồn và TTCK không phải là “sân chơi” cho những người “buôn thúng, bán mẹt” ít vốn, không có kiến thức cơ bản về thị trường, nhưng cũng trở thành nhà đầu tư mỗi khi thị trường tăng trưởng nóng như đã từng diễn ra.
Để TTCK phát triển được cả về lượng và chất, tại cuộc Hội thảo TTCK Việt Nam - 10 năm nhìn lại và xu hướng phát triển đến năm 2020 vừa được Trường đại học Kinh tế quốc dân tổ chức, ông Nguyễn Anh Tuấn đã đặt ra hàng loạt câu hỏi với các chuyên gia kinh tế, các nhà quản lý thị trường, cũng như các cơ quan quản lý nhà nước. “Vì sao giá cổ phiếu lại không phản ánh trung thực tình hình hoạt động sản xuất - kinh doanh của công ty niêm yết? Chất lượng kiểm toán độc lập báo cáo tài chính các thành viên tham gia thị trường chưa đáp ứng đòi hỏi của nhà đầu tư? Sự giao thoa của đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp nước ngoài đang diễn ra mạnh mẽ, nhưng vì sao các văn bản quy phạm pháp luật vẫn có sự khu biệt 2 khu vực đầu tư này?”.
“Giá cổ phiếu tăng giảm bất thường trong thời gian ngắn có rất nhiều nguyên nhân, nhưng có nguyên nhân sâu xa là do tin đồn thất thiệt có tổ chức, có động cơ và có mục đích trục lợi phát triển rất mạnh trong thời gian gần đây. Để TTCK hoạt động lành mạnh, công bằng, công khai, cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan quản lý thị trường phải giải quyết được bài toán này”, ông Tuấn kiến nghị.
Cả nước hiện có trên 150 công ty kiểm toán độc lập, hàng năm, sau khi “sàng lọc”, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chỉ chấp thuận cho 40-50 công ty được kiểm toán báo cáo tài chính các thành viên tham gia thị trường, nhưng theo ông Tuấn, chất lượng kiểm toán báo cáo tài chính trong nhiều trường hợp chưa thực sự khách quan, trung thực và độc lập đã ảnh hưởng không nhỏ tới lợi ích của một bộ phận nhà đầu tư. Vì vậy, để có một TTCK lành mạnh, các cơ quan quản lý nhà nước cần phải có giải pháp để nâng cao chất lượng của kiểm toán độc lập, bên cạnh đó cũng phải có quy định nâng cao chất lượng thông tin mà các công ty niêm yết công bố theo quy định.
Theo: VIR