Sự kiện

Nâng khả năng truyền tải đường dây 500kV Nho Quan – Hà Tĩnh

Thứ hai, 18/11/2013 | 08:46 GMT+7
Đúng 16 giờ 45 phút chiều 15/11, tại Trạm biến áp (TBA) 500kV Nho Quan, Công ty Truyền tải điện 1 (PTC1) – Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đã đóng điện thành công dàn tụ bù dọc nằm trong dự án nâng dung lượng tụ bù dọc đường dây 500 kV Nho Quan – Hà Tĩnh để truyền tải nguồn công suất của các nhà máy thuỷ điện phía Bắc vào miền Nam. Sự kiện này cũng khẳng định lần đầu tiên các cán bộ, kỹ sư trong nước đã đảm nhận và tiến tới từng bước làm chủ công nghệ thiết bị hiện đại trên lưới điện cao áp 500kV. Đồng thời làm lợi cho Nhà nước hàng chục tỉ đồng do không phải thuê chuyên gia nước ngoài.



Đóng điện tại Trạm biến áp (TBA) 500kV Nho Quan. Ảnh: Ngọc Hà

Tính cấp bách

Ông Trần Quốc Lẫm, Phó Tổng Giám đốc EVNNPT cho biết: Theo Tổng sơ đồ Điện VII do một số nhà máy điện không vào kịp tiến độ, xu hướng truyền tải chủ yếu của lưới điện 500kV giai đoạn từ nay đến năm 2017 vẫn là từ miền Bắc và miền Trung vào miền Nam. Trong khi đó, tình trạng vận hành  2 mạch của đường dây 500kV Nho Quan – Hà Tĩnh – Đà Nẵng vẫn rất căng thẳng.

Để đảm bảo nâng cao khả năng truyền tải điện từ miền Bắc vào miền Nam, trong năm nay, EVNNPT chỉ đạo các công ty truyền tải 2, 3 và 4 nâng cấp thành công dàn tụ bù 1000A lên 2000A  đoạn từ Hà Tĩnh đến Phú Lâm. Ông Lẫm lý giải, cuối năm 2013 và đến đầu năm 2014 nếu không có giải pháp nâng cao khả năng truyền tải đoạn Nho Quan-Hà Tĩnh thì sẽ hạn chế khả năng truyền tải điện từ miền Bắc vào miền Nam.

“Trong hoàn cảnh khi miền Nam rất cần bổ sung nguồn điện thì phương án điều chuyển tụ bù dọc phục vụ vận hành đường dây 500kV Nho Quan – Hà Tĩnh là hết sức cần thiết, cần phải thực hiện ngay. Việc làm này có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao độ tin cậy và khả năng truyền tải của hệ thống điện Quốc gia; đồng thời cải thiện đáng kể khả năng truyền tải của cung đoạn đường dây này. Thông qua đó tăng khả năng truyền tải công suất cho toàn hệ thống truyền tải điện 500kV Bắc Nam”, ông Lẫm nhấn mạnh.

Phương thức là tự làm

Theo đó, tại TBA 500kV Nho Quan, EVNNPT đã giao PTC1 triển khai thực hiện bằng việc điều chuyển 2 bộ tụ bù dọc 3 pha dòng điện định mức 1500A từ TBA 500kV Di Linh và Tân Định lắp đặt thay thế 2 bộ tụ bù dọc 3 pha 1000A  trên đường dây 500kV Nho Quan – Hà Tĩnh. Bên cạnh đó, cải tạo móng trụ đỡ cho 2 dàn tụ bù di chuyển từ TBA 500kV Di Linh và Tân Định từ hệ thống móng hiện có. Đồng thời bổ sung các vật tư thiết bị để đảm bảo ghép nối hệ thống điều khiển bảo vệ cho các bộ tụ bù dọc di chuyển từ TBA 500kV Di Linh và Tân Định lắp đặt tại TBA 500kV Nho Quan với hệ thống điều khiển chung toàn trạm. Trong đó, tận dụng hệ thống điều khiển bảo vệ hiện có để phục vụ cho công tác lắp đặt, vận hành các bộ tụ điều chuyển.

Giám đốc Truyền tải điện Ninh Bình, đơn vị vừa thi công, vừa giám sát, nghiệm thu công trình và vận hành, Nguyễn Văn Hưng cho biết: TBA 500kV Nho Quan là nút ngã 3 nhận toàn bộ điện từ Thuỷ điện Sơn La và Hòa Bình, đồng thời cấp cho Trạm 500kV Thường Tín để cung nửa công suất cho thành phố Hà Nội.

“Với tầm quan trọng này, chúng tôi thi công đến đâu là triển khai nghiệm thu cuốn chiếu đến đó. Hiện nay công suất hàng ngày phải đảm bảo truyền tải trên một đường dây là 800 MW, do vậy khi cắt dàn tụ vào giờ thấp điểm để làm, đến giờ cao điểm là phải đóng điện trở lại ngay. Đồng thời chúng tôi thường phải đo điện trường để đảm bảo an toàn cho công nhân thi công khi lắp đặt”, ông Hưng nói.

Từ trước đến nay, việc cài đặt thông số điều khiển, bảo vệ các tụ bù 500kV và công tác thí nghiệm hiệu chỉnh đều phải thuê chuyên gia các hãng chế tạo thực hiện. Tuy nhiên, cán bộ công nhân viên PTC1 đã nỗ lực điều động vật tư thiết bị, chủ động sáng tạo nghiên cứu làm chủ công nghệ thi công lắp đặt thí nghiệm hiệu chỉnh thành công bộ tụ của hãng Siemens tại Trạm 500kV Nho Quan vượt tiến độ, đảm bảo an toàn cho lưới điện truyền tải cũng như nâng cao khả năng truyền tải cung cấp điện từ miền Bắc vào Nam.

Hơn 10 tỷ đồng là hiệu quả mang lại

Trưởng phòng kỹ thuật PTC1 Lã Mạnh Hoàn cho biết khó khăn nhất trong quá trình thi công là thiết bị cáp quang sau khi đấu nối quá cũ nên thiết bị hàn nối cũng không có. Công ty phải đưa ra phương án xây dựng nhà trung gian ở giữa để đảm bảo khoảng cách giữa các tín hiệu cáp quang là 500m. Theo tính toán, nếu có chuyên gia nước ngoài làm thì phải đến quý 1 sang năm dự án mới có thể thực hiện được.

“Cái được lớn nhất của dự án này là trình độ của công nhân Việt Nam được nâng lên và khẳng định khả năng của EVNNPT trong việc đột phá làm chủ các công nghệ hiện đại tiên tiến của nước ngoài “, ông Hoàn nhấn mạnh.

Đánh giá về hiệu quả dự án mang lại, Phó Tổng Giám đốc EVNNPT Trần Quốc Lẫm cũng khẳng định: Đây là dự án đầu tiên của Việt Nam đã tự nghiên cứu và tính toán để phần thí nghiệm hiệu chỉnh bảo vệ không phải thuê chuyên gia nước ngoài. Việc không phải thuê chuyên gia đã tiết kiệm cho Nhà nước hàng chục tỷ đồng và từ đây, PTC1 là đơn vị đi đầu trong 4 Công ty Truyền tải hoàn toàn có khả năng nắm bắt công nghệ mới hiện đại của nước ngoài. Tiến tới mô hình quản lý của EVNNPT là phải làm chủ công nghệ điều khiển bảo vệ hệ thống điện 500kV thay vì phải thuê chuyên gia nước ngoài.

Ông Trần Quốc Lẫm cho hay, đến giữa tháng 12/2013, EVNNPT sẽ tiếp tục triển khai nâng cấp toàn bộ giàn tụ bù đoạn Nho Quan-Hà Tĩnh lên 2000A để đảm bảo tăng khả năng cấp điện cho miền Nam vào mùa khô năm 2014. Dự kiến dự án này sẽ hoàn thành vào quý 3 năm 2014 đồng bộ với hệ thống điện 500kV./.
 
Mai Phương