Chúng tôi đã rất bất ngờ khi được ông Trần Nguyên Hợi giới thiệu bộ sưu tập về ngành Điện của mình. Hàng tập tài liệu được xếp ngăn nắp trong tủ sách, trên bàn với các đề mục khác nhau như: Tổng quan về điện lực; 14 bài tổng quan về điện lực (1956-2004); 30 sự kiện của Điện Việt Nam; bộ sưu tập ảnh về Bác Hồ với ngành Điện, các bài nói chuyện, huấn thị của Bác với CBCNV ngành Điện; Tiếp quản Hà Nội và Hải Phòng; CEE (Công ty Thủy điện Đông Dương) và Điện lực Việt Nam; SIE (Công ty Điện lực Đông Dương ở Bắc Kỳ); Làm thủy điện ở Việt Nam; các bộ sưu tập ảnh về nhà máy, đường dây, công trình điện; các tập đĩa CD, DVD về ngành Điện... Ông Trần Nguyên Hợi tâm sự: “Tôi bắt đầu sưu tập các tư liệu này từ khi công tác ở Nhà máy điện Yên Phụ sau ngày tiếp quản Thủ đô. Trong quá trình công tác, đi đâu tôi cũng cố gắng ghi lại những hình ảnh, các tài liệu về ngành, rồi bạn bè tặng cũng rất nhiều... Và đến giờ, công việc sưu tầm, lưu trữ tư liệu về ngành Điện vẫn luôn là sự đam mê của tôi”.
Không học chuyên ngành về báo chí và nhiếp ảnh, nhưng ông Trần Nguyên Hợi có may mắn được các bạn là những phóng viên như Chính Yên (báo Nhân dân), Quang Cát (báo Hà Nội mới) và nhiếp ảnh gia nổi tiếng của Việt Nam - Nguyễn Bá Khoản hướng dẫn nghiệp vụ nên việc sưu tầm, chụp ảnh, viết bài của ông ngày càng tốt hơn.
Từng là một cán bộ Nhà máy Điện Yên Phụ, đến năm 1987 chuyển về Công ty Điện lực 1, ông Trần Nguyên Hợi có cơ hội để học tập, tìm hiểu sâu hơn về nhiều lĩnh vực của ngành Điện kể cả trong nước và các nước bạn. Đây là điều kiện thuận lợi giúp cho công việc sưu tầm của ông thêm đa dạng, phong phú. Từ ảnh các nhà máy điện, các công trình xây dựng cột, đường dây, đến cả tài liệu ảnh mô tả về quá trình làm ra điện từ khâu đốt lò đến khi điện được đưa đến người sử dụng như thế nào... Năm 1972, ông đã cùng với một người bạn là họa sỹ Mạnh Cương phác thảo một cuốn tư liệu bằng ảnh có nhan đề “Dòng điện quyết thắng” với mong muốn giới thiệu những nét tổng quát về ngành Điện từ năm 1965 đến 1972, trong đó tập hợp rất nhiều nội dung, từ hình ảnh các lãnh đạo Đảng và Nhà nước đến thăm ngành Điện, đến các hoạt động sản xuất, học tập, lễ ra mắt các đội cảm tử, ký cờ bằng máu thề quyết tâm bảo vệ dòng điện, bảo vệ đất nước... Tất cả như một bức tranh lớn, sống động, gần gũi nhưng rất hào hùng về ngành Điện - một ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.
Đối với ông, việc nghiên cứu, sưu tầm tư liệu của ngành phải trong nhiều giai đoạn lịch sử, kể từ trước khi tiếp quản cho đến thời kỳ đổi mới, phát triển. Bởi như thế, chúng ta - thế hệ hậu bối mới có thể biết được một cách khách quan về hoạt động điện lực trong thời Pháp cũng như trong thời kỳ cách mạng, cách làm việc khoa học của những người đi trước như việc quản lý nhân sự, quản lý công việc chuyên môn... Và việc sưu tập này không có nghĩa là chỉ “ôm” một quá khứ nào đó, mà qua các tư liệu, chúng ta có thể thấy được sự phát triển của ngành Điện, rút ra kinh nghiệm từ những điều chưa làm được để có sự điều chỉnh phù hợp. Như vậy mới thấy được sự phát triển của ngành Điện qua từng thời kỳ. Khi được hỏi những suy nghĩ của mình về ngành Điện hôm nay, ông Trần Nguyên Hợi hồ hởi: “Ngành Điện phát triển rất nhanh và lớn mạnh không ngừng... Nếu nhìn lại thời kỳ trước, thiết bị của ngành rất thiếu, lạc hậu, hệ thống điều độ thô sơ thì đến nay, ngành Điện đã được hiện đại hóa từ các nhà máy, trạm ... cho đến cả công tác tổ chức hành chính”...
Bộ sưu tập của ông Hợi mặc dù hiện là sở hữu cá nhân, song lại có ý nghĩa vô cùng lớn đối với lịch sử ngành Điện, góp phần cung cấp nhiều tài liệu để viết sách, báo, làm các thước phim về truyền thống ngành Điện như: 40 năm ngành Điện Việt Nam, Những bước đi tỏa sáng, đĩa VCD, DVD (như: Rồng Lửa, Xây dựng và phát triển điện lực ở Việt Nam)... Và còn rất nhiều tài liệu khác đang trong kế hoạch thực hiện sẽ giúp chúng ta biết thêm được những thông tin về con người và hoạt động của ngành Điện qua các thời kỳ. Tâm sự với chúng tôi, chị Trần Hải Yến - con gái đầu của ông tự hào kể về cha mình: “Cả cuộc đời bố tôi gắn bó với ngành Điện. Trong thời kỳ chiến tranh, công việc chuyên môn tại Nhà máy rất bận rộn, vất vả, còn tham gia đội tự vệ của Nhà máy, nhưng tranh thủ lúc nào có thời gian rảnh là bố tôi lại nghiên cứu các tài liệu của ngành, chụp ảnh hoặc viết bài về ngành Điện trên các báo như Lao động, Hà Nội mới, báo Cứu quốc (nay là báo Đại đoàn kết)... Đặc biệt, bố tôi là một cộng tác viên thường xuyên, gắn bó qua nhiều thời kỳ với các tạp chí, bản tin của ngành Điện như Tạp chí Năng lượng và sau này là Tạp chí Điện lực, Tạp chí Điện và Đời sống, Bản tin Công đoàn... Ông thực sự tâm huyết với bộ sưu tập, luôn nâng niu, trân trọng và sẵn sàng cung cấp tư liệu khi có người cần thông tin. Cả gia đình tôi luôn ủng hộ ông trong công tác nghiên cứu, sưu tập các tư liệu, hiện vật về ngành Điện. Giờ đây, ông vẫn không ngừng dõi theo những bước tiến mạnh mẽ của ngành Điện và rất tự hào mình là một thành viên trong “đại gia đình” EVN”.
Với ông Trần Nguyên Hợi, công việc không bao giờ ngưng nghỉ ngay cả khi đã về hưu và việc sưu tập những tư liệu về ngành Điện là một đam mê thực sự chứ không vì một thành tích hay sự phô trương nào cả. Bằng tất cả tấm lòng với ngành Điện, ông Trần Nguyên Hợi đã góp một viên gạch cho “ngôi nhà” ngành Điện ngày càng vững chãi trước mọi thử thách.