Quang cảnh hội nghị.
Tiết kiệm trên 1,7 tỷ m3 nước
Vụ Đông Xuân năm 2019-2020, khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc bộ gieo cấy 531.200 ha lúa. Để bảo đảm bổ sung nước cho hạ du theo kế hoạch, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tăng cường phát điện trước các đợt lấy nước để dâng mực nước hạ du sông Hồng. Dòng chảy trong các đợt lấy nước được duy trì cơ bản bảo đảm như yêu cầu, tạo điều kiện cho các công trình thủy lợi vận hành lấy nước.
Tổng lượng xả của các hồ chứa thủy điện là 2,68 tỷ m3. So với các năm gần đây, tổng lượng nước xả thấp hơn 1,74 tỷ m3 so với năm 2019; 3,06 tỷ m3 năm 2018; 1,99 tỷ m3 năm 2017 và 0,35 tỷ m3 năm 2016 (năm có mưa trái mùa lớn).
Có được kết quả trên, theo ông Nguyễn Hồng Khanh, Cục trưởng Cục Quản lý công trình thủy lợi, Tổng cục Thủy lợi, lịch lấy nước của từng đợt được xác định phù hợp với kỳ triều cường, tính toán cụ thể bằng mô hình toán để xác định khoảng thời gian xả nước tiết kiệm nhất và phù hợp với nhu cầu lấy nước phục vụ gieo cấy của các địa phương.
Các cửa lấy nước, hệ thống kênh dẫn nước trong các hệ thống công trình thủy lợi được đầu tư nạo vét tốt đã tạo thuận lợi cho việc dẫn nước vào ruộng. Bên cạnh đó, thời tiết có mưa với lượng mưa khá trên diện rộng toàn khu vực sau khi kết thúc đợt 1 lấy nước và các địa phương tận dụng nguồn nước thuận lợi vận hành công trình lấy nước nên tiến độ lấy nước được thực hiện nhanh, cao hơn cùng kỳ các năm gần đây. Trước đợt 2 lấy nước, hầu hết các địa phương đã hoàn thành gần 90% diện tích trở lên, trừ thành phố Hà Nội đạt 68,1%, tiếp tục có nhu cầu lấy nước đợt 2 và đợt 3.
Ông Nguyễn Hồng Khanh cũng đánh giá cao sự phối hợp, chỉ đạo, điều hành các đợt lấy nước được các đơn vị, địa phương thực hiện sâu sát, quyết liệt. Mọi khó khăn phát sinh, đề xuất, kiến nghị của các địa phương đều được tháo gỡ và giải quyết kịp thời.
Theo ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, trước khi thực hiện, năm nay được dự báo sẽ rất khó khăn trong việc lấy nước đổ ải cho vụ Đông Xuân. Bởi, tình trạng thiếu hụt lượng mưa, dòng chảy, tổng dung tích trữ của các hồ chứa thủy điện ở thượng nguồn hệ thống sông Hồng - Thái Bình là 9,46 tỷ m3, đạt khoảng 60% dung tích thiết kế (thấp hơn khoảng 6 tỷ m3 so với trước đợt điều tiết nước phục vụ gieo cấy năm 2018-2019); trong đó, hồ Hòa Bình chỉ đạt 63% dung tích thiết kế - ở mức thấp nhất trong 30 năm qua, kể từ khi đưa vào vận hành.
"Nhưng nhờ có sự phối hợp trong dự báo, điều hành linh hoạt, hiệu quả giữa các đơn vị, địa phương nên đã tiết kiệm được nguồn nước khá lớn.", ông Nguyễn Văn Tỉnh đánh giá.
Đáy sông Hồng ngày càng hạ thấp nhanh nên nhiều công trình không lấy nước nếu không xả nước. Ông Nguyễn Văn Tỉnh đề nghị các công trình thủy lợi hạ thấp các trạm hơn hơn nữa để lấy được nước khi xả ở mức thấp, thậm chí không xả vẫn lấy được. Bên cạnh đó, một số vùng rất khó khăn về nguồn nước, địa phương cần rà soát ngay để chuyển đổi cây trồng khác phù hợp với điều kiện vùng đó mà vẫn đảm bảo hiệu quả sản xuất của người dân.
Thời gian tới, Bộ cũng sẽ phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu các giải pháp về công trình và phi công trình cũng như kiến nghị Chính phủ có giải pháp tổng thể; trong đó tiếp tục rà soát các giấy phép khai thác cát hiện nay và đề nghị không cấp mới để đảm bảo lòng sông Hồng không hạ thấp thêm. Ngành cũng giao các đơn vị trong ngành cùng địa phương rà soát có giải pháp về đập ngầm, đập dâng…
Trạm bơm Phù Sa (thị xã Sơn Tây) hoạt động hết công suất để bơm nước phục vụ đổ ải.
Hiệu quả từ trạm bơm cột nước thấp
Một trong những giải pháp hữu hiệu trong giai đoạn hiện nay để thích ứng với tình trạng mực nước sông bị hạ thấp là việc đầu tư các trạm bơm cột nước thấp có thể vận hành lấy nước chủ động, không phụ thuộc nhiều vào dòng chảy bổ sung từ các hồ chứa thủy điện.
Hưng Yên là địa phương tiên phong trong việc lắp 26 trạm bơm cột nước thấp. Đây cũng một trong các tỉnh nằm trong hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải, ông Trịnh Thế Trường,Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải đánh giá cao hiệu quả của trạm bơm này.
Trạm bơm đã hỗ trợ tích cực trong việc giảm bớt nhu cầu nguồn nước từ hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải và tận dụng được các nguồn nước trong hệ thống, nhất là khoảng thời gian căng thẳng trong vụ đổ ải. Nhờ trạm bơm này mà sau đợt 1 xả cộng với lượng mưa sau đó, Hưng Yên đã tự tin không cần các đợt xả nước tiếp theo.
Theo ông Trịnh Thế Trường, đây là công trình hiệu quả vì ngoài việc giải quyết được nguồn nước thì chi phí đầu tư, vận hành rất thấp, tiết kiệm điện. Ngoài ra, chi phí đầu tư chỉ bằng 40% đối với trạm bơm thông thường, chi phí vận hành cũng giảm đáng kể tiền điện do công suất chỉ bằng 60%. Đây là công cụ tốt, hiệu quả để ứng dụng và nhân rộng, nhất là trong điều kiện khó khăn về nguồn nước như hiện nay.
Ông Nguyễn Văn Tỉnh cũng đánh giá, trạm bơm cột nước thấp là giải pháp rất hiệu quả. Các trạm bơm này có giá thành rẻ, phù hợp cho nhiều vùng có thể áp dụng. Đồng bằng sông Hồng có thể phục vụ lấy nước cho gieo cấy vụ Đông Xuân. Ở Đồng bằng sông Cửu Long, trạm bơm này có thể bơm nước tưới tiêu cho những vùng lớn, hay thậm chí vùng rất nhỏ. Trên cơ sở triển khai của các đơn vị, các địa phương có thể tiếp tục phối hợp, học tập để có thể lắp đặt được nhiều các trạm bơm này trong thời gian tới.
Link gốc