Lưới điện từ đất liền đưa ra Đảo Hòn Tre.
Kiên Hải là huyện đảo có 04 xã, 13 ấp với 23 hòn đảo, là huyện có điều kiện thuận lợi để phát triển các ngành kinh tế biển, nhất là khai thác và nuôi trồng, chế biến hải sản…. có nhiều đảo với nhiều bãi biển đẹp, hoang sơ, cát trắng, nước trong xanh như Bãi Bàng, Bãi Bấc, Bãi Thiên Tuế, Bãi Giếng, Đỉnh Ma Thiên Lãnh của xã Lại Sơn; Bãi Chén, Đỉnh Đá Mài của xã Hòn Tre… Nơi đây được ví như “Vịnh Hạ Long” của đất phương Nam.
Những tiền năng ưu đãi đó là lợi thế, là điều kiện thuận lợi để Kiên Hải phát triển du lịch sinh thái biển đảo, sớm trở thành ngành mũi nhọn trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Để đáp ứng cho dịch vụ du lịch trong tương lai, điện và nước là hai yếu tố rất quan trọng, trong đó điện “phải đi trước một bước”, nguồn điện ổn định sẽ góp phần nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng, đảm bảo an toàn năng lượng, an ninh chính trị.
Ngày 11/02/2015, Công ty Điện lực Kiên Giang đã đóng điện thành công đường dây vượt biển 22kV dài 12,9 km kéo từ đất liền ra đảo Hòn Tre. Tiếp nối thành công đó, ngày 26/11/2016 công trình đường dây 110kV vượt biển, kéo từ trạm Xẻo Nhàu huyện An Biên ra xã đảo Lại Sơn có chiều dài 43,9km (19,4km trên đất liền và 24,5 km trên biển) đóng điện thành công. Chỉ trong thời gian gần hai năm, bà con nhân dân xã đảo Hòn Tre và Lại Sơn được sử dụng nguồn điện từ lưới điện Quốc gia, thỏa mong ước bao nhiêu năm chờ đợi.
Công nhân kiểm tra lưới điện ban ngày, đường dây 22 kV vượt biển ra Đảo Hòn Tre.
Điện lực Rạch Giá được Công ty Điên Lực Kiên Giang giao nhiện vụ quản lý vận hành, sửa chữa, khai thác hai đường dây vượt biển nói trên. Ngay khi được giao nhiệm vụ, lãnh đạo Điện lực Rạch Giá đã thành lập 02 Tổ điện Hòn Tre và Lại Sơn, nhân sự 03 người/Tổ. Mỗi Tổ chịu trách nhiệm quản lý vận hành, sửa chữa phục vụ người dân trên xã đảo được liên tục. Nhiệm vụ của người thợ điện ở đâu cũng vậy, nhưng những người thợ điện nơi hải đảo vất vả hơn bởi những con sóng ngọn gió, những trận gió khan mang theo hơi muối của biển lùa làm rát mặt.
Để đường dây tải điện ra đảo được hiệu quả, liên tục thì công tác kiểm tra, sửa chữa phải được tiến hành thường xuyên. Đây cũng là một khó khăn, bởi không phải lúc nào biển cũng bình yên. Hiện nay, khối lượng quản lý của 02 xã đảo Hòn Tre và Lại Sơn gồm lưới điện trung thế trên 48km, hạ thế trên 25km, 44 trạm biến áp công suất 5.850 kVA, 3.530 khách hàng và điện thương phẩm trung bình hàng năm trên 9.618.000 kWh.
Anh Trần Thanh Cảnh - Tổ trưởng Tổ điện Lại Sơn cho biết “Chúng tôi thường duy trì kiểm tra định kỳ ban ngày mỗi tháng/lần để nắm vững thường xuyên tình trạng vận hành của đường dây và những biến động phát sinh; Kiểm tra định kỳ đêm, tối thiểu 3 tháng/lần cũng để nắm vững chất lượng đường dây; Kiểm tra trước và sau khi mưa bão hoặc thời tiết bất thường. Đồng thời kiểm tra sự cố nhằm phát hiện kịp thời chất lượng cách điện, để có phương hướng xử lý, khắc phục những thiếu sót trong vận hành, báo cáo lập kế hoạch cho duy tu bảo dưỡng".
Lãnh đạo EVN và EVNSPC đến thăm Tổ điện Hòn Tre.
Tây Nam Bộ mùa này bầu trời trong xanh biếc không một áng mây. Dưới cái nắng như thiêu, như đốt, dưới làn nước trong xanh của biển, là chiếc ca nô đang chở những anh em công nhân ngành điện khoác lên mình bộ đồ màu cam nổi bật gập ghềnh cưỡi sóng, ngọn gió của biển cả đang thổi dọc theo hàng trụ dài thẳng tắp, rít lên từng cơn như tô sáng một khung trời. Những cây trụ thép sừng sững cõng suối dây đầy tải, vươn mình chắn sóng mang dòng điện cho những hòn đảo thân yêu. Các anh cần mẫn như những chú ong thợ, bởi trong anh là sứ mệnh “đem ánh sáng, nguồn điện đến cho mọi người dân”.
Làm việc bồng bềnh trên làn nước biển xanh trong, các anh lại lên đảo đội trên vai bầu trời xanh cao vút, quanh co trên những hòn đảo thân yêu cuối trời Tổ quốc, tiếp tục công việc kiểm tra, vận hành, duy tu bảo dưỡng hệ thống lưới điện, đến từng nhà dân để hướng dẫn, tra cứu các địch vụ về điện, tuyên truyền bà con sử dụng điện sao cho an toàn, tiết kiệm và hiệu quả.
Nhìn những anh “thợ đảo” khuôn mặt xạm nắng, đôi bàn tay chai sần, từng giọt mồ hôi lăn dài trên má, trong bộ trang phục cam bạc màu theo thời gian mới thấu hiểu hết trái tim người thợ điện. Những hình ảnh đó cũng chỉ một lẽ rất trách nhiệm, đó là sự an toàn và bình yên của dòng điện trên những hòn đảo tiền tiêu.
Hiện nay, tiềm năng phát triển du lịch của các huyện đảo đang thu hút ngày càng nhiều các nhà đầu tư, nắm bắt được xu thế đó, huyện Kiên Hải đề ra mục tiêu phát triển ngành công nghiệp không khói, xác định là ngành mũi nhọn chủ lực cho phát triển kinh tế địa phương, nên đã huy động nhiều nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng như đường quanh đảo, ngang đảo, hoàn thiện cơ sở hạ tầng để làm đòn bẩy cho phát triển trong tương lai.
Điện lực Rạch Giá được giao quản lý vận hành hệ thống điện trên 02 xã đảo Lại Sơn và Hòn Tre là nhiệm vụ lớn, cũng là vinh dự đã góp phần nhỏ bé vào công cuộc phát triển kinh tế biển đảo nơi đây, đưa ánh sáng văn minh đến với người dân nơi xứ đảo còn nhiều khó khăn, góp phần cho việc khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Vì sự an toàn, liên tục cho dòng điện chảy mãi, những chiếc áo cam của Điện lực Rạch Giá luôn thấp thoáng nơi đảo xa, gần gũi thân thiện với người dân. Ngoài trách nhiệm không thôi là chưa đủ, mà còn thêm vào đó còn phải có lòng yêu nghề, sự hy sinh thầm lặng, ngày đêm túc trực như những chiến sĩ hải quân góp phần bình yên trên đảo xa.