Kỷ niệm 60 năm ngành Điện

Những chứng nhân lịch sử ngành điện- Kỳ 2: Sức mạnh Việt Nam trong ngành điện

Thứ sáu, 12/12/2014 | 14:19 GMT+7
Sau loạt bom khủng khiếp Mỹ trút xuống thủy điện Thác Bà, những người vận hành nhà máy như ông Bùi Thức Khiết (nguyên Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực VN) hoang mang vô cùng, bởi chuyên gia Liên Xô giúp xây dựng nhà máy đã rút, chỉ còn lại các kỹ sư và công nhân VN, trong khi nhà máy hư hỏng nặng.


Nhà máy thủy điện Hòa Bình

Nhưng trong lúc khó khăn nhất, ông Khiết vẫn có niềm tin sẽ khôi phục được nhà máy. “Chúng tôi nghe đài BBC nói Mỹ đã trút bom xuống một cơ sở sản xuất điện của Bắc Việt, sẽ mất khoảng 2 năm mới phục hồi lại được cơ sở này. Một chuyên gia Liên Xô sau đó lên đánh giá tổn thất của nhà máy đã nói, chỉ riêng chuyện dọn dẹp đống đổ nát do bom gây ra cũng mất tới 3 tháng”, ông Khiết nhớ lại. Khi đó là cán bộ kỹ thuật, ông đã trình bày với lãnh đạo nhà máy khả năng khôi phục tổ máy 2. Và sức mạnh VN, sức mạnh người ngành điện trong chiến tranh đã được chứng minh, dù không có sự trợ giúp của chuyên gia Liên Xô nào, nhưng chỉ sau 62 ngày, tổ máy 2 đã vận hành trở lại. Hơn 2.000 vết thương trên máy, những kỹ sư, công nhân Thác Bà khi ấy đã chữa đi chữa lại ngày đêm để duy trì hoạt động của tổ máy 2.

Với việc nhanh chóng khôi phục được tổ máy 2, thủy điện Thác Bà đã trở thành nguồn cung cấp điện chính cho Hà Nội trong suốt 72 ngày đêm chiến dịch Điện Biên Phủ trên không, góp một phần không nhỏ vào chiến thắng. “Khi mời chuyên gia Liên Xô quay lại nhà máy, họ rất khâm phục khi cán bộ kỹ thuật của VN không chỉ vận hành mà còn sửa chữa, khôi phục được tổ máy 2 trong điều kiện khó khăn như thế”, ông Khiết tự hào kể lại.

Sau những năm tháng gắn bó với Thác Bà, ông được đưa sang làm chuyên gia giúp nước bạn Lào quản lý vận hành một nhà máy thủy điện, rồi lại được cử sang Liên Xô học trước khi được đưa về thủy điện Hòa Bình. Thời kỳ này, ngành điện phát triển rất mạnh, miền Nam xây dựng thủy điện Trị An, miền Bắc xây dựng thủy điện Hòa Bình, Phả Lại. Ông Khiết lên Hòa Bình năm 1983 khi “công trình thế kỷ” đang bước vào giai đoạn ngăn sông đợt 1. Ngày 30.12.1988, khi tổ máy 1 phát điện, ông là người ấn nút phóng dòng điện đầu tiên của Nhà máy thủy điện Hòa Bình lên lưới điện. Và từ đó, cứ 6 tháng, các kỹ sư, công nhân lại đưa thêm một tổ máy của Hòa Bình lên lưới, cung cấp dư thừa nguồn điện cho miền Bắc.

Nhưng nghịch lý ở chỗ, khi miền Bắc thừa điện thì miền Nam, với sức sống hừng hực của các công trình công nghiệp, lại thiếu điện do chỉ có một vài nhà máy điện. “Tổng bí thư Đỗ Mười, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã rất quan tâm xây dựng đường dây 500 kV để truyền tải điện từ miền Bắc vào miền Nam. Khi đó đã có rất nhiều ý kiến phản đối, ngay cả một giáo sư Pháp gốc Việt làm cố vấn cho ông Kiệt cũng phản đối vì cho rằng, khi vận hành đường dây sẽ rất thiếu khả thi”, ông Khiết chia sẻ.

Nhưng rồi, nhờ sự bảo vệ của những con người ngành điện khi ấy, đặc biệt là tầm nhìn và quyết tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đường dây 500 kV Bắc - Nam cũng đã được xây dựng với tốc độ chóng mặt trong 2 năm. Hơn 1.700km đường dây, 3.500 cột đi suốt từ Bắc vào Nam, vượt núi băng rừng, do chính tay người VN xây dựng, đã khiến cả thế giới ngạc nhiên. Năm 1994, ông Khiết được điều về vận hành đường dây 500 kV, đóng điện từ Hòa Bình - Đà Nẵng, từ Phú Lâm ra Đà Nẵng, hòa 2 hệ thống điện vào đồng bộ ngày 25.5.1994. Nhờ có thủy điện Hòa Bình và đường dây 500 kV đã nối toàn bộ hệ thống điện VN thành khối thống nhất, cũng là tiền đề thành lập Tổng công ty Điện lực VN, mà ông được cử làm Phó tổng giám đốc.

Dù đã về hưu, ông Khiết vẫn còn đó rất nhiều trăn trở. Ông tâm niệm, để phát triển ngành điện, cần đổi mới, cổ phần hóa để thu hút thêm các nguồn đầu tư, vì theo ông, ngành điện phải luôn phải đi trước một bước tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế.
Theo: Báo Thanh niên