Nhà máy Cửa Cấm nay đã khác.
Có một con đường xuất hiện muộn hơn so với con đường ta vẫn bước chân qua mỗi ngày trong lịch sử và trong sự nhận biết của nhân loại, nhưng con đường đó lại đưa nhân loại đến với nền văn minh hiện đại gần hơn bất kỳ hành trình nào khác. Đó chính là hành trình của những dòng điện. Lịch sử ngành điện ở nước ta được bắt đầu từ đâu và như thế nào? Điện năng – một nguồn năng lượng biến hóa muôn hình vạn trạng mang đến những phép màu mà đến ngày nay nhân loại vẫn chưa thể khám phá hết đã làm thay đổi lịch sử VN ra sao? Những dấu ấn nổi bật trong lịch sử ngành điện lực đã thắp sáng mạch nguồn của niềm tin và hy vọng trên mọi miền đất nước như thế nào?. Thành phố Hải Phòng – nơi có ánh sáng điện đầu tiên của Việt Nam và của cả Đông Dương vào cuối thế kỷ 19.
“Nói tới Hải Phòng là nói đến 1 thành phố biển nhưng cũng phải nên nhớ rằng Hải Phòng là 1 trong những đô thị phát triển sớm nhất nước ta. Với tư cách là 1 cửa biển mà người Pháp muốn tìm con đường để xâm nhập vào vùng Vân Nam –Trung Quốc nên đây là 1 đô thị phát triển sớm nhất, cộng đồng người Pháp cũng đông nhất. Chính vì thế, những nhu cầu của đời sống cư dân nó đòi hỏi phải tiện nghi, và vì lý do đó mà Hải Phòng chính là nơi có ánh sáng điện thắp đầu tiên trong cả nước Việt Nam. Bây giờ chúng ta vẫn hình dung Hải Phòng là 1 thành phố nhỏ hơn Hà Nội và Sài Gòn nhưng vào thời điểm cuối thế kỉ 19 thì nó là nơi phát triển mạnh nhất. Vì thế, ta thấy rất nhiều sản phẩm đại diện cho nền kinh tế phát triển, xuất hiện ở Hải Phòng trước. Cách đây 120 năm, tức là năm 1894, điện đã xuất hiện ở đây. Lúc đầu nó chỉ là cơ sở phát điện có 750W thôi, phục vụ chủ yếu cho công cộng nên cư dân vẫn người là nhà đèn chứ không phải là nhà máy điện như bây giờ. Năm 1894 là cái nơi đầu tiên trên đất nước Việt Nam hay trên bán đảo Đông Dương-thuộc địa của Pháp là có ánh sáng điện, sau đó 1 năm, 1895 thì mới đến lượt Hà Nội có điện.
Điện sau khi được thắp sáng phục vụ đời sống thì bắt đầu có nhu cầu là nguồn năng lượng cho sự phát triển kinh tế công nghiệp. Vì thế, ít lâu sau, các nhà đầu tư đã nâng cấp nhà máy đèn trở thành 1 nhà máy phát điện. Và vì nằm trên sông Cửa Cấm nên có tên là nhà máy điện Cửa Cấm. Khi đó nhà máy có tổng cộng 5500W, so với thời điểm đó thì đây là 1 nhà máy không những sớm nhất mà còn có công suất lớn nhất. Tất nhiên sau này với sự phát triển của Hà Nội và Sài Gòn thì lúc đó Hải Phòng mới bắt đầu lui xuống ở những vị trí khiêm tốn hơn”. Nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết.
Từ tháng 4 năm 1967, sau trận ném bom phá hủy của máy bay Mỹ, nhà máy điện Cửa Cấm đã phải ngừng hoạt động, sau đó được sáp nhập và trở thành một bộ phận hợp thành Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Phòng ngày nay. Ông Trần Ngọc Quỳnh - Phó Giám đốc Công ty Điện lực Hải Phòng cho biết.
“Tiền thân của nhà máy điện Hải Phòng ngày nay là nhà máy đèn Hải Phòng bao gồm Nhà máy điện Cửa Cấm và bộ phận bán điện Vườn Hoa. Từ ngày Thành phố giải phóng 13/5/1955 đến nay, tổ chức và tên gọi của ngành điện luôn được thay đổi để phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trong từng thời kỳ. Khi tiếp quản thành phố, ngành điện thành phố đã có nhà máy điện Hải Phòng, số cán bộ công nhân viên là 443 người, đến nay là có trên 2000 công nhân viên. Ngày 16/4/2006, Chính phủ có quyết định chuyển Công ty điện lực Hải Phòng thành Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Phòng trực thuộc tập đoàn điện lực VN và đến tháng 4/2010 trực thuộc Tổng cty Điện lực Miền Bắc.
Các hoạt động trọng tâm của Công ty điện lực Hải Phòng đã thay đổi như thế nào để phù hợp trong thời kỳ mới, thưa ông?
Để phục vụ kịp thời cho sự phát triển kinh tế- xã hội trong giai đoạn hiện nay, Công ty đã tập trung đầu tư cải tạo phát triển lưới điện đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội của thành phố sau năm 2000 trong thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa. Trong công tác đầu tư xây dựng, công ty đã kết hợp việc phát triển lưới điện với việc thực hiện nhiệm vụ ANQP. Năm 1991, đưa điện lưới quốc gia ra đảo Cát Hải, ngày 12/5/1998, đưa lưới điện quốc gia ra đảo Cát Bà để góp phần cùng thành phố thực hiện tốt nhiệm vụ an ninh quốc phòng và phát triển khu kinh tế du lịch dịch vụ.
Ông đánh giá như thế nào về những kết quả mà các cán bộ, công nhân viên của công ty đã chung tay gây dựng và phát triển thời gian qua?
Gần 60 năm phát triển và trưởng thành, Công ty đã vinh dự được nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý. Tự hào về truyền thống anh hùng, phấn khởi trước sự đổi thay của đất nước, thành phố, vị thế của công ty Điện lực Hải Phòng ngày càng được khẳng định, đó là nguồn động viên to lớn của công nhân viên công ty. Hơn 2000 cán bộ nhân viên Điện lực Hải Phòng hôm nay đang mang hết sức mình để làm nên ánh sáng của Hải Phòng, tầm cao của Hải Phòng trong thời kỳ đổi mới.
Hiện nay, hình ảnh nhà máy điện Cửa Cấm một thời vẫn được giữ gìn trọn vẹn trong ký ức của những người công nhân đã từng lao động, gắn bó, chiến đấu và sẵn sàng hy sinh để bảo vệ nhà máy, bảo vệ nguồn điện trong những cuộc đánh phá ác liệt của quân đội Mỹ trong chiến tranh phá hoại miền Bắc.
Nhà máy điện Cửa Cấm xưa.
Ông Nguyễn Trọng Duyên – Nguyên PGĐ Sở phân phối Điện II, lúc đó là trưởng ca vận hành trực tiếp nhà máy điện Cửa Cấm đã kể lại những ký ức sâu đậm của mình về ngày lịch sử ấy của nhà máy điện Cửa Cấm:
“Theo sự phân công của nhà máy thì tôi làm trưởng ca của nhà máy sản xuất trong ca ngày 20/4/1967. Theo quy trình, tất cả những người vận hành phải bám vào vị trí đã được phân công. Tổng số cán bộ nhân viên là 32 người, gồm 4 kíp, sau 11h có báo động thì máy bay Mỹ đã đánh phá nhà máy. Sau khi cuộc đánh phá xong thì nhà máy bị thiệt hại, tổn thất mất 10 người. Sau đó, khoảng 15h thì máy bay Mỹ lại quay lại đánh phá nhà máy, gây tổn thất rất lớn cho nhân dân, toàn bộ cán bộ nhà máy phải tập trung để giải quyết hậu quả và khôi phục lại nhà máy. Khoảng 2 tháng sau, nhà máy điện chạy thử nhưng công việc này rất hạn chế. Nhà máy điện Cửa Cẩm kể từ ngày 20/4/1967, sau khi bị máy bay Mỹ hủy diệt thì coi như đã ngừng hoạt động”.
Trước sự đánh phá ác liệt của máy bay Mỹ, tinh thần quyết tâm bảo vệ nhà máy của cán bộ, công nhân viên nhà máy điện Cửa Cấm nói riêng được đặt lên cao hơn bao giờ hết. Ông Nguyễn Trọng Duyên tự hào khi nhắc đến tinh thần ấy.
“Ngoài giờ làm việc, công nhân nhà máy đã đắp 1 hàng rào bằng xỉ như cái đê bao quanh nhà máy để bảo vệ nhà máy. Qua gần 2 năm, tự lực cán bộ nhân viên nhà máy tự xây dựng lấy và được giáo dục về việc bảo vệ đến dòng điện cuối cùng của ngành điện. Cái tinh thần này đã được thấm nhuần trong cán bộ nhân viên và đã được diễn tập rất nhiều, chuẩn bị cho chiến tranh cả về vật chất và tinh thần để bảo vệ đến cùng nguồn điện, quyết tâm chiến thắng giặc Mỹ. Toàn bộ vị trí khi giặc Mỹ đánh đều bám vị trí của mình, thể hiện tinh thần của giai cấp công nhân ngành điện, 1 tinh thần rất quyết tâm của cán bộ nhân viên trong thời gian ấy. Mặc dù đã bị hy sinh 1/3 lực lượng nhưng sau khi vừa hết trận oanh tạc, cán bộ lại lao ra khôi phục lại và giải quyết, khắc phục hậu quả một cách bình tĩnh”.
Mặc dù đã nghỉ công tác nhiều năm qua, song ông Nguyễn Trọng Duyên vẫn dõi theo từng bước phát triển của ngành điện lực và vô cùng tự hào khi thấy truyền thống của ngành vẫn được giữ vững trên cả mặt trận bảo vệ và xây dựng đất nước:
“Cán bộ nhân viên ngành điện vẫn duy trì được tinh thần rất sáng tạo, gan dạ để bảo vệ ngành điện. Cho đến bây giờ, so sánh về quy mô, sản lượng điện thì phải gấp hàng nghìn lần trước kia, và ngành điện đã có những sáng tạo mà thế giới phải khâm phục, ví dụ như đường dây 500KV nối liền từ Bắc tới Nam và ngành điện đã đảm đương được việc này. Trong lúc Thái Lan chỉ có 1 đường dây 500KV thôi chỉ được khoảng mấy cây số thôi nhưng của VN làm được hàng nghìn cây số từ Bắc tới Nam. Tất nhiên, trong quá trình quản lý vẫn còn những thiếu sót này kia, nhưng phải nói cho đến bây giờ ngành điện là ngành chấp hành rất nghiêm chỉnh các đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, luôn là những người rất dũng cảm, đầu sóng ngọn gió và giữ vững vị trí hàng đầu của ngành điện. Vì điện phải đi trước 1 bước nên khẩu hiệu ấy thấm nhuần trong từng cán bộ, công nhân viên ngành điện.”
Nhà máy điện Cửa Cấm xưa được xây dựng ngay bên bờ sông Cấm, thành phố Hải Phòng. Sau trận ném bom của máy bay Mỹ ngày 20/4/1967, nhà máy điện Cửa Cấm bị đánh sập hoàn toàn. Ngày nay, nơi đây đã trở thành trụ sở của Công ty cổ phần vận tải và dịch vụ điện lực. Tuy nhiên, trên nền móng Nhà máy điện Cửa Cấm tại địa chỉ 112 Ngô Quyền, phường Máy Chai, quận Ngô Quyền, Hải Phòng vẫn còn lại dấu tích từ một số tảng đá ong và một tháp nước cổ được xây dựng từ thời Pháp thuộc có bề dày lịch sử 120 năm. Nơi đây chính là điểm khởi đầu, đặt nền móng cho sự phát triển của ngành điện lực VN và gắn bó mật thiết với lịch sử của đất nước, lịch sử đấu tranh của dân tộc, phong trào công nhân và cả lịch sử văn minh Việt Nam thời kỳ hiện đại.