Sự kiện

Những dấu ấn thành công của Điện lực năm 2012

Thứ bảy, 5/1/2013 | 09:36 GMT+7
Rất nhiều những sự kiện ghi dấu ấn và tạo ra những bước ngoặt cho lịch sử ngành điện Việt Nam sau 58 năm hình thành và phát triển, song có lẽ, năm 2012 là một năm đáng tự hào khi ngành điện khánh thành thủy điện Sơn La.



Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)- Phạm Lê Thanh chia vui với công nhân trên công trường thủy điện Sơn La ngày khánh thành. Ảnh: Ngọc Hà/EVNNews

Năm 2012, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã đảm bảo đủ điện cho phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo đầu tư cho các mục tiêu trọng điểm và tái cơ cấu thị trường điện. Đây là những mục tiêu cơ bản mà EVN đã hoàn thành nhiệm vụ.

Năm nay, EVN đã không phải cắt điện ngay cả khi cao điểm của mùa khô, nhiều dự án điện được khởi công và hoàn thành  – bao gồm cả các công trình nguồn và lưới điện; Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Điện lực Việt Nam giai đoạn 2012 - 2015 cũng đã được ban hành. Cùng với đó là việc thành lập 3 tổng công ty phát điện - là cơ sở để giảm độc quyền, tạo ra sự cạnh tranh trong hoạt động điện lực.

Một sự kiện đánh dấu bước chuyển của ngành điện, đó là cũng trong năm 2012 này, Luật Điện lực (sửa đổi) đã được Quốc hội khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ 4 (từ ngày 22/10 - 22/11).

Thêm vào đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án phát triển lưới điện thông minh tại Việt Nam (văn bản số 1670/QĐ-TTg ngày 8/11/2012) nhằm “nâng cao chất lượng điện năng, độ tin cậy cung cấp điện, khuyến khích sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; tạo điều kiện nâng cao năng suất lao động, giảm nhu cầu đầu tư vào phát triển nguồn và lưới điện; tăng cường khai thác hợp lý các nguồn tài nguyên năng lượng, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia…”.

Sự kiện khánh thành công trình thủy điện Sơn La - một công trình cấp đặc biệt của quốc gia đã về đích trước tiến độ 3 năm. Với sản lượng điện trung bình 10,246 tỉ kWh/năm, công trình thủy điện Sơn La sẽ đem lại rất nhiều giá trị to lớn cho ngành điện trong tương lai: Bảo đảm cung cấp điện an toàn cho hệ thống; giá thành sản xuất của thủy điện rẻ hơn nhiều so với các nguồn điện khác, góp phần làm giảm giá thành sản xuất điện.

Nhưng quan trọng hơn, nhà máy thủy điện Sơn La công suất lớn nhưng lại có tính cơ động cao, nhà máy có thể đưa công suất phát điện lên rất nhanh nhưng cũng có thể tiết giảm ngay công suất khi cần thiết - điều này giúp cho công tác điều độ hệ thống điện sẽ tốt hơn. Công trình thủy điện Sơn La là công trình kết tinh sức mạnh trí tuệ nội lực Việt Nam, mang tầm cỡ quốc gia, là công trình lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Công trình được hoàn thành chủ yếu bằng chính công sức và trí tuệ của người dân Việt Nam, khi có tới 100% thiết bị cơ khí thủy công, cần trục, cẩu trục do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất. Công nghệ bê tông đầm lăn lần đầu tiên được thực nghiệm tại công trình thủy điện ở nước ta - nhưng lại do toàn bộ người Việt Nam làm chủ từ khâu chỉ đạo, thiết kế, thi công, quản lý đến vận hành, với sự trợ giúp của rất ít chuyên gia nước ngoài…
 
Phúc An/ Tinnganhdien.vn