Sự kiện

Phát triển lưới điện thông minh- xu hướng tất yếu

Thứ sáu, 4/1/2013 | 08:25 GMT+7
Phát triển lưới điện thông minh là xu hướng tất yếu. Bởi về lâu dài sẽ giúp làm giảm áp lực về vốn đầu tư cho ngành điện thông qua việc nâng cao hiệu quả vận hành lưới, hỗ trợ cho các giải pháp kỹ thuật để giảm tổn thất điện năng, tăng cường tiết kiệm điện, giảm nhân công lao động.

. Sức ép về vốn

Để thực hiện Quy hoạch điện VII, ngành điện Việt Nam sẽ phải đối mặt với áp lực lớn nhất hiện nay là vốn đầu tư. Quy hoạch điện VII xác định trong giai đoạn 2011-2020, vốn đầu tư cho toàn ngành điện khoảng 929,7 nghìn tỷ đồng (tương đương 48,8 tỷ USD); giai đoạn 2021-2030, dự kiến là 1429,3 nghìn tỷ đồng (tương đương 75 tỷ USD). Với mức đầu tư đã huy động cho giai đoạn 2006-2010 của ngành điện là 208,6 nghìn tỷ đồng, chỉ bằng 44,9% bình quân đầu tư hàng năm của giai đoạn 2011-2020 và bằng 29,2% bình quân đầu tư hàng năm của giai đoạn 2021-2030. Điều này cho thấy, việc huy động lượng vốn lớn cho giai đoạn trước mắt và 10 năm tiếp theo là rất khó khăn.

Sức ép về vốn xuất phát từ những đòi hỏi thực tế về nhập khẩu năng lượng; yêu cầu ngày càng cao về độ tin cậy, chất lượng điện năng. Từ năm 2004, Việt Nam đã bắt đầu nhập khẩu điện năng trực tiếp từ Trung Quốc. Trong tương lai, Việt Nam sẽ tiếp tục nhập khẩu từ Trung Quốc và từ các nhà máy thủy điện của Lào, Campuchia. Theo Quy hoạch điện VII, Việt Nam bắt đầu nhập khẩu than từ năm 2015. Đến năm 2020, trong tổng số 75.000MW công suất đặt các nhà máy điện toàn hệ thống điện quốc gia, có 2,6% nhiệt điện khí đốt sử dụng khí hóa lỏng và 2,1% điện hạt nhân. Khí hóa lỏng và nhiên liệu hạt nhân là những nguồn năng lượng sơ cấp phải nhập do Việt Nam không có nguồn hoặc do công nghệ chưa đảm bảo để sản xuất.

. Nâng cao độ tin cậy

Bên cạnh yêu cầu về cung cấp điện, khách hàng dùng điện ngày càng quan tâm hơn về độ tin cậy cung cấp điện và chất lượng điện năng. Các khách hàng công nghiệp sản xuất mạch điện tử, luyện thép, xi măng đòi hỏi chất lượng điện năng cao về tần số, điện áp.

Một thách thức lớn khác mà ngành điện Việt Nam đang phải đối mặt là nguy cơ cắt điện do thiếu công suất trong một số thời điểm (chủ yếu vào thời gian cao điểm trong ngày) hoặc thiếu điện năng trong một số giai đoạn thường xảy ra vào mùa khô, từ tháng 3 đến tháng 6 hàng năm. Lưới điện thông minh và cơ chế đồng bộ có tác dụng giảm bớt phụ tải đỉnh trong giờ cao điểm hoặc trong các trường hợp khẩn cấp, do đó sẽ giảm tình trạng phải tiết giảm điện. Lưới điện thông minh sẽ hỗ trợ các công ty điện lực và khách hàng quản lý và kiểm soát được tình trạng mất điện, thống kê các loại mất điện, do đó, cung cấp khả năng dự báo, phát hiện, cách ly và phục hồi hệ thống điện, giảm bớt thiệt hại cho khách hàng và tăng độ tin cậy cung cấp điện.

Giá bán điện hiện nay trên thực tế vẫn chưa phản ánh đúng giá thành sản xuất, kinh doanh điện. Việc bán điện với giá còn thấp hơn giá thành sẽ cản trở lớn để ngành điện đáp ứng các yêu cầu về chất lượng dịch vụ, tạo ra những khoản lỗ chính sách cho ngành điện nói chung và cho các các công ty điện lực. Với việc áp dụng lưới điện  thông minh sẽ giúp cho các công ty điện lực có chiến lược kinh doanh thích hợp nhằm khuyến khích khách hàng sử dụng điện tiết kiệm, đặc biệt tại các khu vực kinh doanh không thuận lợi do cơ chế giá, qua đó sẽ giúp giảm bớt khó khăn tài chính cho các công ty điện lực, đồng thời giảm bớt gánh nặng đầu tư lưới điện để đáp ứng nhu cầu phụ tải.

Phát triển lưới điện thông minh để triển khai các ứng dụng quản lý thu thập, xử lý thông tin để đảm bảo tính kịp thời và minh bạch trong giao dịch, mua bán và thanh toán tiền điện trên thị trường phát điện cạnh tranh và thị trường bán buôn điện cạnh tranh.

. Nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh

Theo số liệu của EVN, năm 2011, tổn thất điện năng toàn hệ thống điện Việt Nam khoảng 9,23% (chưa tính điện năng tự dùng và tổn thất tăng áp tại các nhà máy), trong đó tổn thất chủ yếu ở lưới điện phân phối từ 110kV trở xuống. Bằng việc sử dụng các công nghệ mới về tự động hóa lưới phân phối, Lưới điện thông  minh sẽ hỗ trợ các công ty điện lực quản lý, vận hành lưới điện một cách tối ưu và hiệu quả, cung cấp dữ liệu để đánh giá tốt hơn tổn thất điện năng, từ đó xác định các giải pháp để giảm tổn thất điện năng hiệu quả, đặc biệt là tổn thất phi kỹ thuật. Đồng thời, xử lý thông tin kịp thời, minh bạch trong giao dịch, mua bán và thanh toán tiền điện trên thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.

Hiện nay, ở nước ta, nguồn cung lao động với chi phí thấp vẫn còn dồi dào, nên nhu cầu áp dụng các công nghệ tự động để giảm bớt chi phí nhân công chưa cao. Tuy nhiên, trong dài hạn, cần hướng tới việc áp dụng công nghệ tiên tiến trong quản lý, vận hành lưới điện thông qua các ứng dụng lưới điện thông minh để tiết kiệm nhân công lao động.

. Lộ trình

Lộ trình phát triển Lưới điện thông minh ở nước ta có ba giai đoạn. Giai đoạn 1  được triển khai từ năm 2012-2016 tập trung vào việc phát triển hệ thống SCADA cho các Trung tâm Điều độ hệ thống điện, các đơn vị quản lý điện nhằm thực hiện được các chức năng quản lý năng lượng, tự động hóa trạm biến áp, điều khiển từ xa, các ứng dụng tăng cường độ tin cậy, tối ưu vận hành của lưới điện truyền tải và bắt đầu triển khai cho lưới điện phân phối; xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; cơ chế khuyến khích khách hàng tham gia vào các chương trình quản lý phụ tải (DSM); cơ chế tài chính và truyền thông cho việc phát triển lưới điện thông minh.

Giai đoạn 2 (2017-2022), tiếp tục tăng cường hiệu quả vận hành lưới điện, tập trung vào lưới điện phân phối và giai đoạn 3 (từ sau năm 2022), triển khai cơ sở hạ tầng đo đếm cho khách hàng dân dụng, tạo điều kiện cho khách hàng tham gia thị trường bán lẻ điện cạnh tranh./
 
Thanh Mai