Kỷ niệm 20 năm Đường dây 500kV Bắc Nam

Những dấu chân âm thầm

Thứ sáu, 9/5/2014 | 15:16 GMT+7
Tháng 1/1992, công trình ĐZ siêu cao áp 500 kV Bắc Nam mạch 1 được Bộ Chính trị thông qua với quyết định xây dựng trong 2 năm, phương thức thực hiện là vừa khảo sát, thiết kế, vừa nhập vật tư - thiết bị và thi công. Mục tiêu đặt ra là phải chọn con đường ngắn nhất, đi qua rừng núi để đỡ phải giải tỏa đền bù.



Ông Lê Nguyên Đính (ngoài cùng bên phải) tại buổi giao lưu “20 năm vận hành đường dây 500 kV Bắc Nam”. Ảnh: Ngọc Loan
 
Vì vậy, hướng tuyến  phải bám quốc lộ 14 A, dọc theo dãy Trường Sơn. Đây không chỉ là khó khăn cho lực lượng xây lắp mà còn là thử thách rất lớn cho lực lượng khảo sát thiết kế.

Ông Lê Nguyên Đính, nguyên giám đốc Phân viện Thiết kế điện Nha Trang cho biết: Phân viện Thiết kế điện Nha Trang (nay là Công ty CP Tư vấn Xây dựng điện 4) được giao cung đoạn từ Đà Nẵng đến Buôn Ma Thuột. Đây là đoạn tuyến khó khăn nhất, cam go nhất với chiều dài khoảng  417km, địa hình chủ yếu là rừng rậm vực sâu núi cao. Công ty Khảo sát Thiết kế điện 2 chịu trách nhiệm từ Buôn Ma Thuột đến Phú Lâm. Công ty Khảo sát Thiết kế điện 1 được giao tổng hợp thiết kế toàn tuyến, đồng thời trực tiếp khảo sát thiết  kế cung đoạn từ Hòa Bình đến Đà Nẵng.

Như một thước phim quay chậm, ông Đính chậm rãi kể : Ngày mùng 5 tết 1992, Phân viện tổ chức buổi liên hoan chia tay những người "ra trận", phát động chiến dịch "55 ngày đêm khảo sát thiết kế ĐZ 500 kV". Dù là mặt trận không có tiếng súng nhưng  không ít nguy hiểm vẫn đang chự chờ. Vì vậy, người đi mang theo niềm tự hào pha chút lo lắng, người ở lại vừa chia sẻ, vừa bịn rịn với những lời dặn dò, hứa hẹn, không khí cảm động chẳng khác nào chuẩn bị vào trận đánh thực sự. Cả Phân viện chia làm 3 nhóm  thực hiện khảo sát 3 cung đoạn (Đà nẵng- Phước Sơn, Phước Sơn- Kon Tum; Kon tum- Đắc Lắc). Ông Đính phụ trách đoạn Phước Sơn- Kon Tum, trong đó có đèo Lò Xo là khó khăn nguy hiểm nhất. Phương tiện mang theo là chiếc xe U oát, bản vẽ, bộ đàm, máy móc và chiếc máy phát điện để làm việc buổi tối. Công việc cứ theo lập trình: ngày mò mẫm trong rừng để đo vẽ, khảo sát (gọi là làm ngoại nghiệp), các thông tin số liệu sẽ được đem về lán trại để ban đêm thiết kế dưới ánh sáng của máy phát điện (gọi là làm nội nghiệp). Nhiệm vụ của khảo sát là xác định tuyến dựa trên bản đồ, sau đó tính toán chi tiết, chính xác các vị trí cột móng sao cho vừa đảm bảo yếu tố kỹ thuật, vừa đảm bảo cho việc kéo dây thuận lợi, thậm chí phải tính đến việc nếu sau này có sự cố thì cột không được đổ ra đường mà phải trong hành lang tuyến. Yêu cầu của Chính phủ là đường điện 500 kV sẽ là cơ sở của huyết mạch giao thông kinh tế sau này. Thiết kế đến đâu gửi ngay ra Hà Nội cho Công ty Khảo sát Thiết kế điện 1 tổng hợp, chắp nối thành tuyến chung để chuyển cho bên thi công.

Trả lời câu hỏi khó khăn nhất của công việc khảo sát lúc đó, ông nói ngay: Vất vả nhất là mùa mưa, lũ. Thời gian không cho phép có ngày nghỉ ngơi. Chỗ nào ô tô không đi được thì lội bộ. Có lần đi dưới mưa thấy nhiều xe con đang lừ đừ trôi. Đường ngập tỏm, chỉ càn sơ sảy xe lao xuống vực là hết. Thế nhưng nếu dừng lại chờ hết lũ thì mất mấy ngày, thiết kế dừng là xây lắp sẽ phải dừng theo. Tiến độ lại đang đuổi sau lưng, ai cũng sợ nhưng không ai bàn chuyện dừng xe. Chiếc  xe Uoát vẫn băng qua lũ. Gần như lúc đó tất cả mọi người chỉ có một ý chí: phải hoàn thành nhiệm vụ đúng tiến độ. Đó không chỉ là nhiệm vụ, là danh dự của bản thân, của đơn vị mà còn là cái gì đó lớn lao hơn rất nhiều.
 
Cũng theo ông Đính, thời kỳ khảo sát ở khu vực đèo Lò Xo làm ông nhớ nhất. Nơi đây nổi tiếng vì địa hình hiểm trở với rất nhiều chiếc ngầm mà chỉ cần sảy chân là mất mạng. Chả thế mà có lần thuê xe của Trường Mỏ - Địa chất Tuy Hòa chở đoàn khảo sát. Đi  được 1 ngày họ lắc đầu quầy quậy xin rút vì sợ nguy hiểm. Cánh xây dựng vất vả nhưng dù sao còn đông người. Còn cánh thiết kế là người đầu tiên mở lối, lại chỉ mang theo dao, rựa và máy móc đo đạc. Nhiều khi phải leo trèo qua bãi cây mây, cây song rất nguy hiểm. Gặp cây phải chặt, qua suối phải làm bè, không lo cho người, chỉ sợ ướt máy. Bản thân ông  đã từng  bị lạc rừng ngay đoạn đèo Lò Xo. Cứ tưởng mình là dân khảo sát thì không có gì phải lo, thế mà loanh quanh mãi vẫn cứ trong rừng, hồi đó là bom mìn chiến tranh sót lại rất nhiều. Nghĩ lại chuyện mấy hôm trước có 3 cô gái dân tộc đi đào măng rừng đã bị chết chùm vì đạp phải mìn mà toát cả mồ hôi. Lần mò mãi, ông phát hiện ra vết đường trâu bò đi, thế là ông quyết định cứ  lần theo dấu chân trâu, cuối cùng cũng tìm ra đường.

Thế nhưng, điều ông ấn tượng nhất lại là "ruồi vàng, bọ chó, gió Đắc Lây". Lần đầu tiên lên Đắc Lây, ngồi trong xe cứ tưởng đã yên tâm, ai ngờ cúi xuống gãi chân bỗng hết hồn khi thấy một con vắt no căng to bằng ngón tay lăn ra dưới sàn xe. Đi trong rừng cứ thấy nháy một cái là biết đã bị ruồi vàng lẻn vào tấn công. Ruồi vàng đốt rất nhanh, rất đau và rất độc, ai máu độc thì vết cắn đó còn làm mủ, làm sẹo. Mỗi lần đi khảo sát về lại cởi áo ra gỡ vắt cho nhau, máu chảy đỏ lưng. Ai không có sẹo không phải dân khảo sát đèo Lò Xo. Có anh bỗng nhiên thấy mắt sưng húp, lật mí mắt lên đã thấy một chú ve đen xì nằm dưới mí, phải dùng kẹp để gắp ra, nhỏ nước muối là khỏi, hôm sau lại làm việc bình thường  (tất cả đều là chuyện thường ngày ở rừng ấy mà- ông hài hước). Thời gian đó người ít việc nhiều nên không kịp có thời gian nghỉ ngơi, Ai ốm đau thì ở lại lán  phục vụ cơm nước. Ăn uống kham khổ nhưng không ai nản chí. Có lẽ lúc đó mọi người đều làm việc bằng tinh thần và ý chí.

Với cương vị phụ trách trực tiếp đội khảo sát ở vị trí gian khổ nhất, điều ông quan tâm nhất là sức khỏe và tinh thần của cấp dưới. Bởi vì, chỉ cần một người nản chí thối lui thì không chỉ ảnh hưởng đến công việc mà còn ảnh hưởng đến tư tưởng anh em. Vì vậy, chia ngọt sẻ bùi, coi nhau như anh em một nhà chính là phương châm sống của đội khảo sát thiết kế.

Vất vả, gian khổ là vậy nhưng khi tôi hỏi, kết thúc công trình, điều gì còn đọng lại trong ông?  Ông Đính trả lời không chút đắn đo:  "Khi Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi lên vị trí 852 trên đỉnh núi, ngắm nhìn hàng cột 500 kV thẳng tắp đã thốt lên: chỉ có dao, rựa mà sao thẳng, đẹp thế này. Với tôi, lời khen đó là phần thưởng cao quý nhất trong đời làm thiết kế khảo sát của mình".
 
Ngọc Loan