Đoàn cựu lãnh đạo ngành điện đến thăm trạm biến áp 500kV Pleiku. Ảnh: Quỳnh Trang
Chính cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt là người đã đặt nền móng cho hệ thống truyền tải điện VN, với quyết sách mạnh bạo và tầm nhìn chiến lược. Từ 1.487km đường dây 500kV đầu tiên, đến nay, hệ thống truyền tải điện VN đã có hàng chục nghìn kilômét đường dây trung, cao áp, góp phần vào công cuộc CNH-HĐH đất nước.
Quyết tâm thần tốc
Một cuộc hội ngộ thật xúc động giữa những cán bộ lão thành ngành điện “Thăm lại chiến trường xưa” nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày đưa vào vận hành đường dây 500kV Bắc-Nam mạch 1. Người từng là chỉ huy trưởng công trường, người từng chỉ đạo những cung đoạn đường dây, nếm trải những gian khó tưởng chừng không thể vượt qua được đã cùng nhau ôn lại những năm tháng cam go.
Ông Trần Viết Ngãi - nguyên Phó TGĐ TCty Điện lực VN (EVN), Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng VN, nguyên Phó ban Chỉ đạo công trình đường dây 500kV Bắc-Nam - vẫn còn nguyên tác phong “thủ lĩnh” trận mạc. Với giọng xứ Nghệ sang sảng, quyết đoán, ông nói: “Lịch sử sẽ ghi dấu công trình đường dây 500kV Bắc- Nam là công trình vĩ đại bởi nó tập hợp sức lực, trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân. Đích thân cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt là người ra quyết định xây dựng đường dây 500kV Bắc - Nam, Thủ tướng trực tiếp xuống kiểm tra công trường, tháo gỡ các vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ dự án”.
Tuy nhiên, công trình không phải ngay từ đầu đã nhận được sự đồng thuận. Vào thời điểm đầu những năm 90 để đầu tư tới nửa tỉ USD cho công trình đường dây 500kV siêu cao áp không đơn giản, nhất là trong bối cảnh VN đang chắt chiu từng đồng ngoại tệ. Nhiều câu hỏi đặt ra về hiệu quả đầu tư công trình.
Khi đó, lưới điện VN chỉ vận hành cục bộ 3 miền riêng rẽ. Miền Bắc đã có thủy điện Hòa Bình vào hoạt động với 4 tổ máy, cùng các nhà máy điện đã hoạt động trước đó là nhiệt điện than Uông Bí, Ninh Bình, Phả Lại, cơ bản dư thừa công suất. Trong khi khu vực miền Nam và TPHCM với một nền kinh tế năng động, nhu cầu điện là rất lớn, luôn đối mặt với cung không đủ cầu, công suất lắp đặt các nhà máy của miền Nam chỉ đáp ứng được 89,73% nên phải hạn chế phụ tải bằng cách cắt điện luân phiên hoặc đột xuất hầu như tất cả các ngày trong tuần.
Lưới điện từ trước đến nay chỉ vận hành đường dây cao áp tới 220kV. Nhiều ý kiến hoài nghi về việc nếu xây dựng đường dây quá dài (dự kiến tới gần 1.500km), năng lực trong nước có đảm đương được không, xây xong vận hành thế nào, bảo vệ an toàn ra sao? Một số nhà khoa học còn khẳng định, công trình bị vướng vào khoảng dao động bởi ¼ bước sóng của dòng điện. Nếu không khắc phục được lỗi này, điện áp sẽ tăng ở cuối nguồn, nên đường dây không vận hành được.
GS-VS Trần Đình Long - nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Quản lý EVN - nhớ lại: “Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi đó đã gọi tôi lên và hỏi: Về yếu tố kỹ thuật, có cách nào xử lý được vấn đề 1/4 bước sóng?”. Tôi khẳng định với Thủ tướng là xử lý được bằng cách đặt tụ bù dọc, kháng bù ngang ở các trạm biến áp 500kV. Từ đó, điện áp đầu nguồn và cuối nguồn sẽ tương đương và hoàn toàn không còn lý do để lo ngại về bước sóng”. Thế là chỉ không đầy 1 tuần, Thủ tướng có quyết định VN tự xây dựng đường dây 500kV đầu tiên.
2 năm bằng 10 năm
Bắt tay vào thi công là cả một cuộc trường chinh đầy gian khó. Ông Trần Viết Ngãi kể lại: “Khi đó, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đưa ra yêu cầu phải đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình là 2 mục tiêu quan trọng nhất. Để đưa ra được tiến độ sau 2 năm phải đưa công trình vào vận hành, Thủ tướng cho phép công trình thực hiện theo phương thức vừa khảo sát, thiết kế, nhập vật tư - thiết bị, vừa thi công”.
Ngày 21.1.1993, tại TBA Phú Lâm (TPHCM), Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã phát lệnh khởi công xây dựng công trình. Công trình đã chọn tuyến men theo đường 14 - xẻ dọc dãy Trường Sơn để thi công. Đây là phương án tối ưu vừa tiết kiệm thời gian thi công, khối lượng thi công, ít đền bù và giải phóng mặt bằng. Việc thi công cũng không theo phương pháp “cuốn chiếu” mà triển khai đồng loạt trên toàn tuyến với 4 đơn vị thi công chủ lực là các Cty xây lắp điện 1, 2, 3, 4 thuộc Bộ Năng lượng và TCty Xây dựng thủy điện Sông Đà phân chia đường dây thành 4 cung đoạn thi công gồm: TCty Sông Đà thi công đúc móng, dựng cột đoạn tại Hòa Bình dài 24km; Cty xây lắp điện 1 đoạn từ Hòa Bình đến trạm bù Hà Tĩnh dài 341,68km; Xây lắp điện 3 thi công từ Đắc Lây đến Kon Tum) dài 523,35km; Xây lắp điện 4 từ Buôn Ma Thuột – Đắc Lắc dài 308km và Xây lắp điện 2 từ Gia Lai đến Phú Lâm (TPHCM) dài 320,67km.
Trong đó, cung đoạn gian truân nhất là đoạn Đắc Lây đi Kon Tum do Cty xây lắp điện 3 đảm nhận. Đây là cung đoạn phải thi công trong khu vực nhiều rừng già nguyên sinh, một bên vực sâu, bên kia núi cao. Để đúc được một móng cột có khi mất hằng tháng trời. Việc vận chuyển, tập kết vật tư, thiết bị phải huy động toàn bộ bằng sức người, từ quân đội, dân quân, thậm chí đồng bào dân tộc.
Anh hùng Lao động Đậu Đức Khởi - nguyên Phó TGĐ EVN, nguyên PGĐ Cty Xây lắp điện 3 trực tiếp thi công cung đoạn Đắc Lây kể: “Thời tiết Đắc Lây cực kỳ khắc nghiệt, mưa tuôn xối xả, đường dốc trơn trượt. Đặc biệt cung đoạn qua đèo Lò Xo là gian truân nhất, có khi hằng tháng trời không đào xong một móng cột vì cứ đào xong lại sạt lở. Riêng cung đoạn này máu của người thợ đường dây đã đổ. Hàng trăm người đã anh dũng hy sinh trong khi thi công đường dây. Với khối lượng công việc đồ sộ, tổng số nhân lực được huy động trên công trường của các đơn vị xây lắp lên tới 12.000 người, chưa kể các lực lượng phụ trợ như quân đội gần 4.000 người; các đơn vị xây lắp tại 14 tỉnh, thành đường dây đi qua gần 7.000 người... đã góp phần vào kỷ lục chỉ sau 2 năm, công trình đã đóng điện thành công. Điều mà không ít tư vấn nước ngoài khẳng định, công trình phải mất tới 10 năm mới hoàn thành.
Sau công trình đường dây 500kV Bắc – Nam mạch 1, ngành điện VN đã tiếp tục đầu tư xây dựng hàng loạt công trình đường dây 500kV. Đến hết 31.12.2013, khối lượng lưới điện truyền tải đã có bước tăng trưởng vượt bậc với quy mô 20 trạm biến áp 500kV, 75 trạm 220kV, khối lượng đường dây 500kV tăng 3,72 lần, đường dây 220kV tăng 6,18 lần, dung lượng TBA 500kV tăng 14,3 lần và dung lượng TBA 220kV tăng 11,8 lần. Nhưng đường dây 500kV Bắc- Nam mạch 1 vẫn là công trình ghi dấu ấn to lớn, phát huy tác dụng trong toàn xã hội khi ngay sau khi đóng điện vận hành.