Sự kiện

Cụm Thủy điện An Khê-Ka Nak: Phát huy vai trò cắt giảm lũ và chống hạn

Thứ sáu, 15/4/2016 | 09:55 GMT+7
Trong những ngày qua, đề tài thủy điện An Khê - Kanak đã bất ngờ nóng trở lại khi ông Huỳnh Thành - Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai - gọi đây là "sai lầm thế kỷ". Để có thông tin cho bạn đọc, chúng tôi đã tìm hiểu toàn bộ quá trình lập và triển khai Dự án cũng như vận hành trong suốt 5 năm qua.


Nước xả thường xuyên cung cấp cho hạ du sông Ba từ hồ thủy điện An Khê theo quy trình liên hồ chứa với lưu lượng 5,17m3/giây. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Tính toán kỹ lưỡng
 
Theo hồ sơ còn lưu trữ, Dự án thủy điện An Khê-Ka Nak nằm trong Tổng sơ đồ V hiệu chỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 40/2003/QĐ-TTg ngày 21-3-2003. Trước đó, tại văn bản số 214/CP-CN ngày 27-2-2002 của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công nghiệp duyệt Quy hoạch bậc thang thủy điện sông Ba, theo đó, Bộ Công nghiệp đã tổ chức thẩm định, lấy ý kiến các Bộ, Ngành, các tỉnh liên quan như Gia Lai, Bình Định và Phú Yên về nội dung quy hoạch. Trên cơ sở kết quả thẩm định và hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch, Bộ Công nghiệp phê duyệt Sơ đồ quy hoạch bậc thang Sông Ba tại Quyết định số 1470/QĐ-KHĐT ngày 23-6-2003.
 
Các Báo cáo Nghiên cứu khả thi, Chủ trương đầu tư, Thiết kế cơ sở, Thiết kế kỹ thuật của Dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt phù hợp với các quyết định, quy định hiện hành. Báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án đầu tư xây dựng công trình thủy điện An Khê-Ka Nak được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt theo Quyết định số 108/QĐ-BTNMT ngày 29-1-2007.
 
Các nghiên cứu về sử dụng nguồn nước sông Ba đã được Viện Quy hoạch thủy lợi thực hiện trước thời điểm duyệt Quy hoạch bậc thang thủy điện sông Ba, như: Tổng quan sông Ba lập năm 1993; Cân bằng nước các lưu vực sông miền Trung và Tây Nguyên lập năm 1998; Quy hoạch thủy lợi tỉnh Gia Lai lập năm 1999 và Quy hoạch sử dụng tổng hợp nguồn nước sông Bàn Thạch và sau thủy điện sông Hinh lập năm 2001.
 

Mực nước tại hồ Kanak lúc 7 giờ ngày 14/4/2016 là 500,87m thấp nhất từ khi công trình đi vào vận hành. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Tại Quyết định số 2994/QĐ-BNN-KH ngày 10-10-2007 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phê duyệt “Quy hoạch sử dụng tổng hợp và bảo vệ nguồn nước lưu vực sông Ba” cũng nêu rõ, toàn bộ lưu vực sông Ba gồm 20 huyện thị và 1 thành phố thuộc 4 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk và Phú Yên với tổng diện tích tự nhiên vùng nghiên cứu là 1.413.204ha, trong đó, có khoảng 425.334ha đất nông nghiệp. 
 
Các công trình trên dòng chính và dòng nhánh lớn sông Ba gồm 13 công trình có nhiệm vụ cấp nước, phát điện, chống lũ, điều tiết nước cho hạ du trong mùa kiệt và cải thiện môi trường. Duy trì 2 công trình đã vận hành, khai thác là hồ Auyn hạ và thủy điện sông Hinh, theo đó, hồ Auyn hạ có nhiệm vụ tưới cho 13.500ha, cắt giảm lũ hạ du, kết hợp phát điện với công suất lắp máy 3MW; Thủy điện sông Hinh phát điện với công suất lắp máy 70MW, tham gia cắt giảm lũ cho vùng hạ du sông Ba và bổ sung cho sông Bàn Thạch đáp ứng yêu cầu nước tưới, nuôi trồng thủy sản, cấp nước cho khu công nghiệp Nam Phú Yên và duy trì dòng chảy vào mùa kiệt cho sông Bàn Thạch.
 

Quý I/2016, hồ  thủy điện An Khê đã cung cấp cho hạ du sông Ba 40,6 triệu m3 nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Cụm thủy điện An Khê-Ka Nak phát điện với tổng công suất 173MW và chuyển nước sang lưu vực sông Côn (tỉnh Bình Định) để tưới và bổ sung nước cho vùng hạ du sông Côn. Lưu lượng nước, thủy điện An Khê-Ka Nak phải trả lại sông Ba đáp ứng yêu cầu tưới, cấp nước dân sinh, công nghiệp, môi trường sau đập An Khê và vùng hạ du sông Ba với lưu lượng theo thứ tự từ tháng 1 đến tháng 8 hàng năm là: 3,14m3/s-3,37m3/s-3,55m3/s-3,56m3/s-3,08m3/s-2,78m3/s-2,77m3/s và 2,23m3/s.
 
Như vậy cho thấy, việc xây dựng Cụm thủy điện An Khê-Ka Nak đã được các Bộ, Ngành nghiên cứu và tính toán kỹ lưỡng trong các quy hoạch tổng thể chung của lưu lực sông Ba và có sự chỉ đạo của Chính phủ.
 
Phát huy vai trò cắt giảm lũ và chống hạn
 

Lượng nước từ hồ thủy điện An Khê-Kanak trả lại sông Ba đáp ứng nhu cầu tưới cho 2.750 ha ở hạ lưu An Khê. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Dự án Thủy điện An Khê-Ka Nak được xây dựng với nhiệm vụ chính là sản xuất điện năng với tổng công suất lắp máy 173MW, có sản lượng điện trung bình 701.5 triệu kWh/năm, đồng thời, bổ sung nguồn nước tưới cho vùng đồng bằng hạ lưu sông Côn phía Nam tỉnh Bình Định và đảm bảo nguồn nước cho hạ lưu sông Ba. Cụm Thủy điện An Khê-Ka Nak đi vào vận hành tháng 6-2001 và tháng 3-2012, tính chung hai công trình đã khai thác được khoảng 5 năm, cung cấp cho lưới điện quốc gia với sản lượng 2.430 triệu kWh.
 
Khi công trình đi vào vận hành được hơn 1 năm thì trên lưu vực sông Ba xuất hiện trận lũ lịch sử với lưu lượng 2.200m3/s, do có hồ thủy điện nên lưu lượng nước xả về hạ du chỉ còn 1.800m3/s, giảm được lưu lượng 400m3/s cho hạ du sông Ba.
 
Trong năm 2015 và những tháng đầu năm 2016, hiện tượng El Nino diễn ra khốc liệt nhất trong nhiều năm trở lại đây đã tác động xấu đến tình hình thủy văn của các hồ thủy điện trên phạm vi cả nước. Hầu hết các hồ chứa từ Thanh Hóa trở vào không xuất hiện lũ trong cả mùa lũ năm 2015, vì vậy, tổng lượng nước về thiếu hụt từ 40%-60% so với trung bình nhiều năm. Những tháng đầu năm 2016, lượng nước về tiếp tục giảm thấp, đặc biệt là khu vực miền Trung và miền Nam (trong tháng 3-2016, lượng nước về của hầu hết các hồ chưa đến 30% so với trung bình nhiều năm). Lưu lượng dòng chảy tự nhiên về các hồ chứa An Khê, Ka Nak thấp hơn nhiều so với trung bình nhiều năm, theo đó, lưu lượng trung bình về hồ Ka Nak ở mức 4,02m3/s và mức thấp nhất tính đến ngày 13-4 là 1,68m3/s.
Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn

Để đảm bảo nhiệm vụ chống hạn, cung cấp nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt cho vùng hạ du sông Ba và sông Côn, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã chỉ đạo ngừng phát điện Nhà máy thủy điện An Khê từ tháng 10-2015 để ưu tiên giữ nước chống hạn, đồng thời, xả nước từ hồ thủy điện An Khê theo quy trình, tức liên tục với lưu lượng 5,17m3/s để cung cấp nước cho hạ du sông Ba. Với lưu lượng này, 3 tháng đầu năm 2016, tổng lượng nước từ hồ thủy điện An Khê-Ka Nak cung cấp cho hạ du sông Ba khoảng 40,6 triệu m3. Nếu không có hồ thủy điện cung cấp nước thì lưu lượng dòng chảy tự nhiên trên sông Ba chỉ có 1,68m3/s thay vì đó, vùng hạ du sông Ba đang được cung cấp từ hồ thủy điện lưu lượng trên 5m3/s, đảm bảo tưới cho 2.750ha ở hạ lưu An Khê.
 
Cũng trong quí I-2016, tổng lượng nước qua chạy máy phát điện thủy điện Ka Nak cung cấp tưới cho 4.703ha lúa ở lưu vực sông Côn là 5,5 triệu m3.
 
Như vậy cho thấy, hồ thủy điện An Khê-Ka Nak đã phát huy tốt vai trò cắt giảm lũ và chống hạn cho vùng hạ du sông Ba và sông Côn.
 
Lũ lụt, hạn hán là thiên tai khó lường, những tính toán của các công trình thủy điện chỉ với tư cách tham gia góp phần giảm thiểu những hậu quả do thiên tai mang lại. 
 
Vì vậy, về lâu dài, các địa phương và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần triển khai và phê duyệt Quy hoạch phát triển các hệ thống thủy lợi sau tuyến đập An Khê, để tham gia vào việc lưu giữ nước cho mùa khô, đồng thời, xây dựng các dự án tưới tiêu tiên tiến tiết kiệm nước phục vụ lâu dài cho phát triển nông nghiệp, công nghiệp, môi trường làm cơ sở cho việc điều hành nguồn nước chung ở khu vực hồ An Khê-Ka Nak thêm hiệu quả.
 
Thanh Mai/Icon.com.vn