Những người ở lại Như Xuân
Thứ ba, 1/11/2011 | 11:21 GMT+7
<p style="text-align: justify;">Suốt chặng đường 60 cây số từ thành phố Thanh Hóa đến nơi “đóng quân” của Đội Quản lý vận hành đường dây Yên Cát (huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa) , tôi cứ thắc mắc: Điều gì khiến những người cán bộ truyền tải ấy “bỏ phố lên rừng”?</p>
<p> </p>
<p style="text-align: justify;"><strong><span style="font-size: small;">Tuổi trẻ xông pha…</span></strong></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><br />
Trong ký ức của Phó trưởng Truyền tải điện Thanh Hóa - Lữ Thanh Hải, cách đây gần 20 năm, huyện Như Xuân giống như một hòn đảo trên cạn. “Hồi đó, để đến được đây, chúng tôi phải cơm đùm cơm nắm, trèo đèo, lội suối mất cả ngày trời”. Còn bây giờ, con đường chúng tôi đang đi phẳng lì, êm ái. Những bãi mía, bãi sắn bạt ngàn hai bên đường xanh ngăn ngắt, làm dịu hẳn cái nắng nóng oi ả 40 độ C.</span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><br />
Năm 1994 là thời điểm đường dây siêu cao áp 500 kV Bắc-Nam mạch 1 bắt đầu vận hành. “Những cán bộ trẻ của Truyền tải điện Thanh Hóa hồi ấy đang tràn đầy nhiệt huyết, muốn được xông pha và cống hiến, góp phần bảo vệ đường dây huyết mạch quốc gia. Các anh em lên đây khi mới ngoài 20 tuổi…” – anh Nguyễn Sơn Hà, Đội Quản lý vận hành đường dây Yên Cát , một trong những người lính truyền tải đầu tiên đến đây, hào hứng kể lại: Đường dây 500 kV đi qua khu rừng hoang vu, rậm rạp của huyện Như Xuân. Các anh tự ví mình như “bầy chim chích lọt thỏm trong bụi rậm” bởi họ không thể nhìn thấy nhau trong tầng tầng lớp lớp cây cối dầy đặc, chỉ có tiếng í ới gọi nhau vang lên giữa rừng xanh. Công việc phát quang hành lang tuyến thật cực khổ trăm bề, ngước lên là những cây cổ thụ người ôm không xuể, những bụi nứa, bụi gai dày ri rít cào đến rách cả da thịt, nhìn xuống lại thấy vắt rừng nhảy tanh tách như tôm tươi. Lúc nghỉ giải lao, các anh chỉ cần khều nhẹ là từng chú vắt đã no căng tròn máu, tự động lăn kềnh xuống đất rừng ẩm ướt…</span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><br />
Buổi chuyện trò hôm ấy “nổ như pháo rang” bởi “kho truyện” thật như… đùa của các anh. Hồi đầu mới lên, nhiều người chưa quen tuyến, nên đi tuần tra xảy ra lắm chuyện cười ra nước mắt. Có anh mới sáng sớm đã khăn gói lên đường tuần tra. Ở lán, đồng nghiệp chờ mỏi mắt mà không thấy anh quay lại. Đến quá nửa đêm, anh này mới mò về, hổn hển báo cáo “Em vẫn chưa kiểm tra được cột nào”. Hỏi ra mới biết, trên đường đi tuyến anh ta bị lạc, nhưng đã nhanh trí trèo lên cây cao nhất để tìm hướng đi. Hiềm nỗi, lối ra thì chẳng thấy mà chỉ thấy… cây khác to hơn, cao hơn. Leo trèo suốt buổi, cuối ngày may mắn gặp người dân đi rừng chỉ lối, anh mới tìm được đường quay về.</span></p>
<p style="text-align: justify;"> </p>
<p style="text-align: center;"><span style="font-size: small;"><img width="480" height="386" alt="" src="/UserFile/Files/ICON2021/CMSUpload/2011/11/nhungnguoiolainhuxuan2_1.jpg" /></span></p>
<p style="text-align: center;"><span style="font-size: small;"><br />
</span><em><span style="color: rgb(0, 0, 128);"><span style="font-size: x-small;">Đưa điện lên non cao</span></span></em></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><br />
</span><strong><span style="font-size: small;">Và “một ngàn lẻ một” lý do</span></strong></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><br />
Tôi đã bị hút hồn bởi vẻ đẹp nguyên sơ của Như Xuân. Song, còn bị mê hoặc hơn khi đọc những câu thơ đầy cảm xúc của một cán bộ truyền tải cũng thuộc thế hệ “đời đầu” (anh đã mất vì bạo bệnh năm 2006):</span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><br />
<em>… “Sáng Ba Mái có bướm đậu tách trà<br />
<br />
Trưa lặng gió nghe tiếng gà cục tác<br />
<br />
Chiều sương tỏa lá rừng rơi xào xạc<br />
<br />
Đón đêm về nai hát phía đồi xa<br />
<br />
Giữa ngàn xanh ta ngồi lại với ta<br />
<br />
Suy và ngẫm cuộc đời buông chảy<br />
<br />
Điều gì nhỉ, khiến cho ta ở lại?”…<br />
<br />
Với câu hỏi ấy, mỗi người sẽ có một câu trả lời riêng…</em></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><br />
Giọng nói người Quảng Ngãi trong Lê Thế Hoài vẫn còn vẹn nguyên. Coi Như Xuân là quê hương thứ hai, nên anh không muốn rời xa. Trong mỗi câu chuyện của mình, anh đều cảm nhận nơi đây là mảnh đất hiền hòa, ấm áp tình người. Anh tâm sự: “Tôi sẽ không bao giờ quên tấm lòng của người dân bản xứ đối với các cán bộ truyền tải”. Trên mỗi chặng đường băng rừng, tuần tra bảo vệ cột, các anh có thể thoải mái ghé vào lều trại của người dân để nghỉ ngơi nếu mệt, tự lục gạo nấu cơm ăn với muối trắng (“thức ăn” phổ biến của người dân đi rừng – PV).</span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><br />
Còn anh Nguyễn Sơn Hà, đích thực là “trai miền biển” Tĩnh Gia (Thanh Hóa). Hỏi vì sao anh “không chịu” về xuôi, anh cười hiền lành “duyên phận cho gặp một cô gái đẹp người đẹp nết”. Bây giờ 2 “báu vật” của anh, đứa lớn vừa hết lớp 10, đứa bé cũng sắp lên lớp 9.</span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><br />
Chia tay Đội Quản lý vận hành đường dây Yên Cát trong buổi chiều muộn, khi hoàng hôn đang dần buông xuống phía sau rừng, tôi đã tìm được câu trả lời hết sức thú vị, lý do níu chân các anh ở lại. Đó là… “Tình yêu” - Một tình yêu rất vẹn nguyên - Tình yêu ngành, yêu nghề, sự gắn bó kéo sơn giữa những người đồng nghiệp và hơn nữa, nơi đó có gia đình - những tổ ấm khiến lòng người luôn ấm áp, để ngày mai các anh lại tiếp tục lên tuyến, dù khó khăn vẫn còn ở phía trước...<br />
<br />
</span></p>
Theo: Tạp chí Điện lực chuyên đề Quản lý và Hội nhập