Phối cảnh Trạm biến áp 220kV Tam Điệp và đường dây đấu nối.
Nhà đầu tư được tỉnh Ninh Bình lựa chọn là Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) có trụ sở số 18 Trần Nguyên Hãn, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Địa điểm thực hiện dự án thuộc phường Tân Bình, thành phố Tam Điệp và xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình.
Dự án có quy mô công suất 500MVA, trong đó giai đoạn này lắp đặt 250MVA. Trạm biến áp 220 kV Tam Điệp bao gồm các hạng mục: Nhà điểu khiển trạm, Nhà nghỉ ca vận hành, Sân thiết bị phân phối 220kV, Sân thiết bị phân phối 110kV, Đường vào trạm biến áp, cổng, hàng rào, sân đường giao thông nội bộ và các hạng mục phụ trợ khác. Đường dây 220kV đấu nối, chiều dài khoảng 0,86 km. Tổng vốn đầu tư của dự án hơn 466 tỷ đồng.
Mục tiêu của Dự án nhằm đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định cho khu vực tỉnh Ninh Bình nói riêng và hệ thống điện miền Bắc nói chung; Hỗ trợ các trạm biến áp 220 kV hiện có của khu vực; Tạo ra mối liên kết mạch giữa các khu vực trong hệ thống điện, tăng khả năng vận hành an toàn và ổn định cho hệ thống điện Quốc gia; Tăng cường độ ổn định cung cấp điện, giảm tổn thất công suất, tổn thất điện năng trong hệ thống, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của EVN, EVNNPT.
Tiến độ thực hiện các mục tiêu hoạt động chủ yếu của dự án đầu tư: Từ nay đến quý IV năm 2025: Hoàn thiện các thủ tục về đầu tư, đất đai, xây dựng và thủ tục pháp lý khác có liên quan và khởi công công trình. Từ quý IV năm 2025 đến quý IV năm 2026 xây dựng các hạng mục công trình và đóng điện đưa dự án vào hoạt động.
Dự án được hưởng các ưu đãi, hỗ trợ theo quy định của pháp luật hiện hành và của tỉnh Ninh Bình.
UBND tỉnh Ninh Bình yêu cầu Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia triển khai các bước tiếp theo của dự án theo đúng các quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai, bảo vệ môi trường, phòng cháy chữa cháy, điện lực và các quy định hiện hành khác của pháp luật Việt Nam.
Thực hiện việc ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án theo đúng quy định; Triển khai thực hiện theo đúng tiến độ được ghi trong Quyết định chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Dự án sẽ được xem xét xử lý theo quy định pháp luật trong trường hợp Nhà đầu tư không thực hiện theo đúng các nội dung Quyết định chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đã được cấp. Chỉ được phép hoạt động khi đáp ứng đầy đủ các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam. Chịu sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Lập hồ sơ trình thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường theo đúng quy định. Trong quá trình hoạt động phải tuân thủ, chấp hành nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường. Chỉ đạo đơn vị tư vấn nghiên cứu, tính toán các giải pháp khi thi công không ảnh hưởng đến môi trường và khu vực canh tác gần vị trí thi công, không ảnh hưởng đến việc lưu thông, đi lại của nhân dân và các doanh nghiệp. Thực hiện nghiêm túc, đầy đủ chế độ lập và báo cáo định kỳ về tình hình thực hiện và hoạt động của dự án theo quy định.
UBND tỉnh Ninh Bình yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan hướng dẫn nhà đầu tư hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục đăng ký đầu tư và các thủ tục khác trước khi triển khai thực hiện dự án theo đúng quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư và các quy định hiện hành, đảm bảo tiến độ dự án; Chủ trì, phối hợp với UBND thành phố Tam Điệp, UBND huyện Hoa Lư và các đơn vị có liên quan thường xuyên kiểm tra, giám sát về quy mô, tiến độ thực hiện dự án; kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc (nếu có) trong quá trình thực hiện.
Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với UBND thành phố Tam Điệp, UBND huyện Hoa Lư và các đơn vị có liên quan hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện các thủ tục, nghĩa vụ về đất đai đảm bảo tiến độ dự án và tuân thủ theo các quy định hiện hành.
UBND thành phố Tam Điệp, UBND huyện Hoa Lư căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, phạm vi quản lý phối hợp với các đơn vị có liên quan hướng dẫn Nhà đầu tư thực hiện các thủ tục, nghĩa vụ về đất đai, xây dựng, môi trường, phòng, chống cháy, nổ... đảm bảo tuân thủ theo các quy định hiện hành; thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của cấp chính quyền địa phương, có trách nhiệm kiểm tra, giám sát và nắm bắt về tình hình, tiến độ thực hiện dự án; kịp thời xử lý hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý dự án triển khai chậm tiến độ hoặc có sai phạm trong quá trình xây dựng, hoạt động.
Các sở, ban, ngành liên quan trong phạm vi chức năng nhiệm vụ, quyền hạn, lĩnh vực quản lý có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, địa phương được giao nhiệm vụ trên trong quá trình thực hiện, đáp ứng yêu cầu Ủy ban nhân dân tỉnh và tuân thủ đúng quy định pháp luật.