Sự kiện

Nữ kỹ sư vô tuyến điện bình dị, miệt mài bên hệ thống thông tin

Thứ hai, 22/10/2012 | 08:24 GMT+7
Để dòng điện luôn toả sáng đến khắp mọi nhà, cơ quan công sở, trường học, làng xóm, phố xá… ít ai biết rằng đã có sự đóng góp không nhỏ của lực lượng thông tin ngành Điện Thủ đô trong đó có nữ kỹ sư vô tuyến điện Phạm Kim Hạnh, một người bình dị, sống giản đơn luôn hy sinh tất cả vì công việc.
 
22 năm công tác tại Nhà Đèn Bờ Hồ, chị và đồng nghiệp luôn ở phía sau âm thầm quản lý vận hành thiết bị thông tin máy vô tuyến thu phát để các trưởng ca phòng Điều độ Tổng công ty và các Công ty Điện lực, Trạm biến áp 110kV, Công ty Lưới điện cao thế Hà Nội liên lạc để điều hành lưới điện Thủ đô vận hành an toàn, ổn định.
 


Chị Hạnh đang kiểm tra tín hiệu các kênh thu phát của tổng đài

Gặp chị vào một ngày giữa thu Hà Nội, được biết chị là một trong số 5 cá nhân tiêu biểu thuộc Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội được biểu dương tại Hội nghị biểu dương gương Người tốt - Việc tốt tiêu biểu năm 2012 do Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hà Nội tổ chức vào tháng 10 vừa qua tại Cung Hữu nghị Việt – Xô. Nhìn dáng vẻ nhỏ bé, bình dị của chị khó có thể hình dung chị - một người mẹ một mình nuôi con và nhiều lúc cùng con đi làm việc đã trải qua nhiều khó khăn, sóng gió trong cuộc sống, công tác mà vẫn vững tâm hết mình vì công việc cũng như nuôi dạy con ăn học thành tài. Nhiều năm liền, chị luôn đạt danh hiệu lao động tiên tiến, danh hiệu Giỏi việc nước đảm việc nhà cấp Tổng Công ty, giấy khen Gia đình nữ CNVCLĐ tiêu biểu xuất sắc…

Tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội khoa Vô tuyến điện, chị Hạnh về công tác tại nhà máy điện tử Z119 thuộc Tổng cục Kỹ thuật – Bộ Quốc phòng rồi chuyển công tác về tổ Thông tin trực thuộc phòng Điều độ Thông tin - Sở Điện lực Hà Nội với 5 nhân viên trong đó có 2 nữ. Công việc chính của tổ là quản lý hệ thống thông tin, thiết bị máy vô tuyến thu phát để các trưởng ca Trung tâm Điều độ Thông tin Điện lực Hà Nội, Công ty Điện lực, Trạm biến áp 110kV liên lạc điều hành lưới điện. Khi đó thiết bị phục vụ công tác vận hành rất đơn sơ chỉ là các máy bộ đàm đi thuê của Bộ nội vụ, một vài máy điện thoại. Chính vì vậy việc điều hành và xử lý sự cố lưới điện ở Hà Nội gặp không ít khó khăn. Năm 1993, được tổ chức SIDA của Thụy Điển tài trợ một hệ thống thông tin liên lạc hiện đại với một tổng đài chung kênh tự động Rohill và rất nhiều máy móc thiết bị kèm theo. Để làm chủ trong công việc, làm chủ được hệ thống thiết bị thông tin hiện đại, chị và các đồng nghiệp đã phải học hỏi rất nhiều từ các chuyên gia nước ngoài về cách cài đặt thiết bị, chương trình, cách lắp đặt máy móc… Các chị đã phải vừa học thêm tiếng Anh, vừa phải chia nhau đọc và dịch tài liệu để nắm bắt kỹ thuật mới, tổ chức đi lắp đặt máy móc, hướng dẫn cho các đơn vị vận hành, tự sửa chữa được các máy móc thiết bị hư hỏng, không phải gửi ra nước ngoài sửa chữa, tiết kiệm kinh phí cho Tổng công ty.

Chị Hạnh tâm sự: “Khi đó vất vả lắm. Toàn tranh thủ gửi con ông bà đón, cuối giờ ở lại cơ quan học tiếng Anh, rồi sấp sấp, ngửa ngửa vội vàng đạp xe về với con.”.


Sửa chữa, đo các thông số kỹ thuật của máy bộ đàm cố định là một trong chuỗi công việc của chị Hạnh thường ngày.

Có lẽ 13 năm công tác trong quân đội đã tôi luyện ý chí kiên cường, vượt khó vươn lên của chị. Để đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt phục vụ điều hành lưới điện, đặc biệt trong những ngày lễ, tết, chị cùng đồng nghiệp đã phải phân công nhau trực 2 ca trong ngày: ca sáng (từ 7h đến 15h), ca chiều (từ 15h đến 22h). Chị Hạnh tâm sự: “Bố mẹ già nên nhiều lúc đi trực phải cho con đi cùng kể cả ca chiều. Có hôm tối về cháu ngủ gà ngủ gật nên phải dắt xe đi bộ về nhà. Có hôm cháu ở nhà với ông bà, mẹ đi trực nó nhớ quá lôi áo mẹ ra ôm, thương lắm em à!”. 22 năm công tác trong ngành điện, ngoài nghiệp vụ chuyên môn có lúc chị kiêm luôn nhiệm vụ thủ kho, viết phiếu cấp phát xăng dầu cho xe công tác, làm công tác hành chính, kế toán, tổ trưởng, phó chủ tịch Công đoàn Trung tâm, tổ trưởng nữ công, tham gia ban nữ công khối phòng ban Tổng công ty… Trong công việc, chị luôn chủ động, sáng tạo, năm nào cũng có ít nhất 2 sáng kiến cải tiến kỹ thuật. Hỏi chị về sáng kiến, chị cười và nói: “Gọi là sáng kiến, chứ mình chỉ nghĩ là tìm cách nào đó để công việc đạt hiệu quả nhất mà thôi”. Được biết trong các sáng kiến, chị Hạnh tâm đắc nhất là sáng kiến “Quy hoạch đánh lại số máy bộ đàm” đã được thai nghén từ cuối năm 2008 khi Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội cho tới tận giữa năm 2011 mới được thực hiện khi phương án trang bị máy ghi âm, bộ đàm cho các đơn vị phía Tây Hà Nội được thực thi. Khi đó với quy luật đánh số trước đây từ năm 1993 không còn phù hợp với mô hình lớn mạnh của Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội. Chị cùng đồng nghiệp đã ngồi nạp chương trình cho máy, thay đi, đổi lại các thông số kỹ thuật có ngày làm việc đến tận 20, 21h đêm để đảm bảo có được một cuộc đàm thoại chuẩn theo yêu cầu, được quy hoạch rõ ràng chi tiết cho cả hiện tại lẫn tương lai.
 


Cài đặt các thông số kỹ thuật cho hệ thống thông tin liên lạc

Ngồi nói chuyện tâm sự với chị, tôi càng thán phục nghị lực của chị, một con người bình dị, nhỏ bé mà sao lại dẻo dai, kiên cường vậy! Được biết, năm vừa rồi con gái chị đã đỗ vào khoa Kinh tế năng lượng Đại học Bách khoa Hà Nội, cháu còn được chọn vào BCH Liên chi đoàn khoá 105 lớp K17. Không có niềm vui, niềm tự hào, niềm hạnh phúc nào sánh được dành tặng cho một bà mẹ như chị. Cầu chúc cho những người như chị sẽ vơi đi những vất vả, luôn mạnh khoẻ, hạnh phúc và bình an!
 
EVNHANOI