Sự kiện

Tổng công ty Điện lực miền Bắc: 43 năm xây dựng và phát triển

Thứ tư, 17/10/2012 | 10:23 GMT+7
Tiền thân là Công ty Điện lực I, được thành lập ngày 6/10/1969 trên cơ sở chuyển giao nhiệm vụ từ Cục Điện lực - Bộ Điện và Than, đến nay, sau 43 năm xây dựng và phát triển, Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) đã không ngừng lớn mạnh và khẳng định vai trò, vị trí nòng cốt của mình trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước nói chung và sự phát triển ngành Điện lực Việt Nam nói riêng.
 
 

Anh hùng trong chiến đấu

Ra đời trong cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, các cơ sở của Công ty Điện lực I là một trong những mục tiêu đánh phá của máy bay địch. Khi đó, nhiều cơ sở đã bị bom mìn của Mỹ phá hủy hoàn toàn, nhưng nhờ phát huy cao độ trí thông minh, tinh thần quả cảm, kiên cường bám máy, bám trận địa, sẵn sàng xả thân vì dòng điện thân yêu của Tổ quốc. Nhiều tập thể và cá nhân đã nêu cao khí phách anh hùng, dũng cảm lao vào lửa đạn cứu lò, cứu người, vận chuyển hàng ngàn tấn vật tư, thiết bị quý, hiếm đi sơ tán kịp thời, với phương châm “Địch phá hỏng ta lập tức xây dựng”. Công ty còn lắp đặt các tổ máy điêzen làm nguồn dự phòng, vừa phục vụ tại chỗ, vừa ứng cứu mỗi khi rã lưới, đặc biệt là ở các vùng công nghiệp quan trọng và đông dân cư, như Hà Nội, Hải Phòng, Vinh, Thanh Hóa, Quảng Ninh... Nhiều trạm biến thế, nhiều đoạn đường dây bị đánh hỏng, lập tức công nhân của EVN đến sửa chữa, phục hồi. Ngoài chiến công trong sản xuất - chiến đấu của toàn thể cán bộ công nhân viên trong Công ty, chiến công của các đội tự vệ trực chiến cũng rất đáng tự hào: Đại đội pháo 14,5 mm của Nhà máy điện Yên Phụ đã bắn rơi một máy bay F4 trên vùng trời Hà Nội ngày 10/5/1972, bảo về Nhà máy Thuỷ điện Thác Bà, phối hợp với các lực lượng phòng không quốc gia bắn rơi 2 máy bay F105... và bảo vệ nhiều mục tiêu quan trọng của ngành Điện.

Đất nước thống nhất, cùng với nhân dân cả nước thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, EVNlại bước vào trận chiến đấu mới: Khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng kinh tế, xã hội, với truyền thống đoàn kết, sáng tạo, vượt khó, EVN đã mạnh dạn đổi mới cơ chế quản lý, tăng quyền chủ động cho cơ sở, kết hợp hài hoà ba lợi ích, khuyến khích người lao động quan tâm đến năng suất, chất lượng, hiệu quả, tìm mọi biện pháp đưa các hoạt động sản xuất, kinh doanh vượt qua những mất cân đối của hai miền Nam – Bắc, bước vào thời kỳ đổi mới với tốc độ tăng trưởng ngày càng cao, người lao động có việc làm, đời sống và tinh thần được cải thiện rõ rệt.

Xứng danh Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới

Năm 1975, miền Nam được giải phóng, non sông về một mối, đất nước bước sang giai đoạn mới xây dựng chủ nghĩa xã hội, ngành Điện đã bắt tay ngay vào củng cố, hoàn thiện và từng bước thống nhất hệ thống điện trong cả nước. EVN đã cử cán bộ công nhân viên giúp khôi phục đường dây 220 kV Đa Nhim - Sài Gòn; sửa chữa đường ống thủy áp của thủy điện Đa Nhim; điều phối lực lượng cán bộ, công nhân trong các cơ sở điện lực miền Bắc, chuyển vùng, chuyển nhiệm vụ, bổ sung kịp thời cho miền Nam…
 
Chỉ trong thời gian ngắn, lưới điện miền Bắc đã được khôi phục căn bản. Năm 1975, tổng sản lượng điện đạt 1,264 tỷ kWh. Trong giai đoạn này, vẫn còn một vấn đề lớn là nguồn và lưới chưa thật cân đối vững chắc, giữa nguồn nhiệt điện và thuỷ điện cũng vậy, nhiều đường dây và trạm biến áp quá cũ và lạc hậu… Để đảm bảo cho hệ thống vận hành an toàn, ổn định, vững chắc, chưa có một nhà máy nào làm nhiệm vụ điều tần và xung kích tối ưu. Đây là một tồn tại lớn mà Công ty Điện lực I khi đó phải xây dựng thành nội dung của kế hoạch 5 năm 1976-1980 mà mấu chốt là đầu tư và xây dựng cơ bản.

Bước vào kế hoạch 5 năm lần thứ II (1976 - 1980), EVNNPC đã chủ trương khôi phục, củng cố hoàn chỉnh, mở rộng các cơ sở điện sẵn có, trong đó có phần cao áp của Nhà máy điện Uông Bí. Chỉ đạo sát sao việc khảo sát thi công nhiệt điện Phả Lại, thủy điện Hoà Bình, phục hồi, hoàn chỉnh các trạm 110 kV, xây dựng mới đường dây 220 kV đầu tiên ở miền Bắc, tiếp tục mở rộng lưới điện phân phối, cải tạo lưới điện hạ thế của các thành phố lớn, đặc biệt là thủ đô Hà Nội. Đến cuối năm 1980, tổng công suất nguồn đạt 590,4 MW. Phương hướng phát triển ngành điện lực giai đoạn 1981-1985 cũng đã được Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ V chỉ ra: Xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển điện lực trong cả nước khoảng 15 - 20 năm và vạch kế hoạch cụ thể thực hiện quy hoạch đó trong 5 năm 1981 - 1985 theo hướng kết hợp thủy điện với nhiệt điện, đẩy mạnh phát triển thuỷ điện. Kết hợp quy mô lớn, vừa và nhỏ. Bảo đảm cân đối giữa nguồn, lưới và các công trình phục vụ cho ngành điện; giữa nguồn với các cơ sở tiêu thụ điện để khai thác năng lượng có hiệu quả nhất. Phấn đấu đưa sản tượng điện toàn quốc đến năm 1985 đạt 5,5 đến 6 tỷ kWh. Quán triệt tinh thần đó, từ năm 1981, EVNNPC đã thực hiện quy hoạch Tổng sơ đồ phát triển điện giai đoạn I (1981 - 1985), trong đó những công trình lớn có tầm cỡ quốc gia, chiến lược được coi trọng hàng đầu. Xúc tiến xây dựng Nhà máy Thủy điện Hoà Bình, nâng cao chất lượng thiết bị của các nhà máy điện Ninh Bình, Thái Nguyên... Lưới truyền tải được tăng cường đưa vào hoạt động, trong đó có nhiều đường dây 110 kV và trạm 110 kV ở các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ… Nhờ đó đã dần giảm bớt khó khăn trong việc cung cấp điện, cuối năm 1984, sản lượng điện đạt 2,6 tỷ kWh (bằng 139,05% so với năm 1980). Cuối năm 1985, công suất và sản lượng điện của Công ty đạt 800 MW và 3 tỷ kWh (bằng 50% lượng điện toàn quốc).

Bước sang những năm 90 của thế kỷ trước, vấn đề tổn thất điện năng trong sản xuất và sinh hoạt của EVNNPC đang được đặt lên hàng đầu. Khi đó, tại các thành phố Nam Định, Hải Phòng, “đoàn công tác đặc biệt” của EVNNPC đã được thành lập để giúp các thành phố củng cố lại công tác kinh doanh điện năng, giảm tỷ lệ tổn thất, kết quả: nếu như năm 1991, tỷ lệ tổn thất của Điện lực miền Bắc là 27%, đến năm 2001 chỉ còn 8,99%. Như vậy, trong mười năm đầu giai đoạn đổi mới, tổn thất giảm 1,8% mỗi năm, từ đó doanh thu tăng, lợi nhuận tăng, Điện lực miền Bắc đã từng bước ổn định và phát triển. EVNNPC là đơn vị luôn đi đầu trong công tác chống quá tải các trạm biến áp 110 kV tại các khu vực lưới điện cũ nát như Nghệ An, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc....

Năm 2010, cùng với các Tổng công ty quản lý và phân phối điện năng là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, miền Trung và miền Nam, Tổng công ty Điện lực miền Bắc được thành lập nhằm thực hiện minh bạch trong chi phí giá thành, từng bước tiến tới thị trường điện cạnh tranh theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Công ty mẹ - EVNNPC trực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã được thành lập trên cơ sở Công ty Điện lực I và tiếp nhận đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước của EVN tại các Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Phòng, Hải Dương, Ninh Bình. Do đó, cùng với sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước và chuyển đổi mô hình của EVN từ Tổng Công ty nhà nước sang tập đoàn kinh tế, quy mô các Công ty Điện lực và đơn vị trực thuộc cũng phải thực sự đổi mới, tránh tình trạng “bình mới rượu cũ”. Xác định được điều này, Ban Tổng Giám đốc Tổng công ty đã có những chỉ đạo sát sao trong quản lý và điều hành mọi mặt công tác. Cụ thể, về tổ chức quản lý, tại 27 Công ty Điện lực trực thuộc EVNNPC, các Giám đốc Công ty phải nỗ lực hết mình, phát huy trí tuệ, trình độ, năng lực và là người chịu trách nhiệm cao nhất về kinh doanh điện, trực tiếp quản lý, điều hành các hoạt động kinh doanh bán điện của đơn vị trên địa bàn miền Bắc nhằm đảm bảo thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu SXKD điện năng; Về quản lý tổn thất, các đơn vị phải nỗ lực thực hiện mọi giải pháp quyết liệt để đưa tỷ lệ tổn thất điện năng toàn EVNNPC về mức 7,5% trong 6 tháng cuối năm 2012; Về công tác điện nông thôn, Tổng công ty đã giao các Công ty Điện lực xây dựng đề án, đưa ra lộ trình xóa bỏ các tổ chức kinh doanh điện nông thôn ngoài ngành nhằm mục tiêu từ nay đến hết năm 2014, EVNNPC sẽ thực hiện bán điện trực tiếp đến toàn bộ hộ dân nông thôn.

Mục tiêu vì sự phát triển cộng đồng

Những năm gần đây, để đáp ứng sự tăng trưởng nhanh của sản xuất và đời sống xã hội, EVNNPC luôn nỗ lực phấn đấu “vì sự phát triển cộng đồng”, tích cực đẩy mạnh chương trình chống quá tải lưới điện, thực hiện chương trình giảm tổn thất điện năng, các dự án phát triển năng lượng nông thôn, đưa điện về vùng sâu vùng xa, địa bàn khó khăn thuộc các tỉnh Trung du và miền núi.

Năm 2011 vừa qua, sản lượng điện thương phẩm của toàn EVNNPC đạt 27.082 triệu kWh, tỷ lệ tổn thất ở mức hơn 8%. Tổng công ty đã thực hiện tốt việc thay đổi giá bán điện, tổ chức tuyên truyền chính sách giá điện của Nhà nước đến các khách hàng, tiếp nhận đăng ký bán điện giá thấp cho 2,77 triệu hộ nghèo. Trong năm 2012, EVNNPC đã triển khai các dự án đưa điện về các xã vùng sâu, vùng xa thuộc một số tỉnh Tây Bắc như Lai Châu, Sơn La, góp phần đưa ánh sáng điện quốc gia đến với đông đảo bà con nông thôn, góp phần cùng EVN thực hiện quản lý và bán điện trực tiếp đến 100% xã và hộ dân có điện của các tỉnh; hỗ trợ và bù đắp các khoản chi phí cho việc quản lý vận hành bán điện sau đầu tư để người dân được hưởng giá điện ưu đãi của Chính phủ, góp phần giúp các tỉnh nông thôn vùng sâu vùng xa thoát nghèo và phát triển bền vững. Ngoài ra, Tổng công ty cũng đã tích cực thực hiện các mặt công tác xã hội, đền ơn đáp nghĩa tại các xã, phường trên địa bàn nhằm khẳng định một hình ảnh EVNNPC thân thiện, gần gũi, luôn phấn đấu vì sự phát triển cộng đồng.

Với những thành tích đã đạt được trong 43 năm xây dựng và phát triển, Tổng công ty Điện lực miền Bắc đã được Đảng, Nhà nước, các Bộ ngành Trung ương và địa phương ghi nhận qua rất nhiều Huân chương và Bằng khen tặng thưởng cho hàng ngàn CBCNV của Tổng công ty qua các thời kỳ, trong đó nổi bật là danh hiệu Đơn vị Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.
 
Ông Nguyễn Phúc Vinh
Tổng Giám đốc - Tổng Công ty Điện lực miền Bắc
Tạp chí Công nghiệp