Thời điểm đầu những năm 2000 trở về trước, để vào được Mường La phải mất cả ngày trời để vượt qua con đường độc đạo dài ngót 40km, với rất nhiều lần đi đò, đi phà vượt sông Đà.
“Thủ phủ Mường La”
Bây giờ, từ trung tâm hành chính Sơn La đi vào Nhà máy thủy điện, biển hiệu đặt ngay đầu ngã ba thành phố chỉ dẫn 41,5 km, chúng tôi mất chưa đầy một giờ đồng hồ để vượt qua con đường trải nhựa kiên cố, chạy thẳng một mạch, vượt qua vài cây cầu bắc ngang sông Đà ở mạn hạ du.
Xã Ít Ong đã phát triển sầm uát thành đơn vị hành chính mới - Thị trấn Mường La kể từ khi Thủy điện Sơn La được xây dựng tại đây.
Hai bên đường, nhà cửa san sát. Những khu chợ tấp nập với đủ loại nông phẩm của người dân bản địa, nhộn nhịp kẻ bán người mua.
Đường đi đến đâu, nhà cửa mọc lên tới đó, người người nô nức tìm về an cư lập nghiệp, đẩy cái hoang vu của rừng núi lùi về dĩ vãng. Những địa danh Chiềng Hoa, Tạ Bú, Chiềng Công, Nậm Chiến… lần lượt bị bỏ lại phía sau…
Nhà máy Thủy điện được đặt ở trung tâm của Mường La, cách thị tứ Ít Ong vài km. Nó được chọn ở vị trí thung lũng có độ cao trung bình 500 – 700m, bao xung quanh là những dãy núi cao ở phía Bắc và Đông Bắc.
“Hàng xóm” của Mường La là các huyện Quỳnh Nhai, Thuận Châu, thành phố Sơn La, Mai Sơn, Bắc Yên, Trạm Tấu – Mù Cang Chải (Yên Bái), Than Uyên (Lào Cai). Xét theo bình độ, Mường La là thung lũng rộng lớn nằm lọt thỏm và được bao bọc bởi những địa hình núi cao ở xung quanh.
Cái lợi nhãn tiền mà người dân bản địa được hưởng, ấy là sự thuận lợi về đường sá giao thông, cơ sở hạ tầng được nâng cấp. Khi mối lo ngại về quãng đường trung chuyển không còn, giao lưu thương mại sẽ bắt đầu nảy nở.
Xã Ít Ong chuyển thành thị tứ - trung tâm hành chính của huyện lị Mường La. Đường giao thông trong huyện được đầu tư xây dựng khang trang, những ngôi nhà cao tầng đua nhau mọc…
Những người nhanh nhạy nhất đã biết “đón đầu” dự án: hàng chục khách sạn được mọc lên; nhà hàng ăn uống; các dịch vụ “ăn theo” thông thường mà trước đó, phải đi cả cây số mới có… nay nhan nhản trong thị trấn.
Đối tượng mà họ phục vụ, không ai khác là hàng chục ngàn công nhân thi công công trình sẽ đổ về. Lực lượng hùng hậu ấy đã tạo nên một thị trường lớn, để Mường La xuất hiện những trung tâm thương mại.
Ngay cả những ông chủ kinh doanh vận tải khách tuyến Sơn La - Mường La cũng nhanh nhạy tăng chuyến, từ 2-3 chuyến vào-ra/ngày lên 6-7 chuyến, bởi số lượng hành khách gia tăng…
Sự khởi sắc, thay đổi trong chuyển dịch cơ cấu ngành nghề không chỉ Mường La mới có. Những vùng tiếp giáp với hồ chứa nước của thủy điện Sơn La cũng xuất hiện thêm những nghề mới: nhiều làng chài được hình thành để khai thác đánh bắt thủy sản trong lòng hồ - một nguồn lợi kinh tế lớn nếu như người dân đầu tư bài bản.
Dự án Thủy điện Sơn La đang được kỳ vọng sẽ là cú hích để phát triển kinh tế, xã hội vùng Tây Bắc.
Một tiềm năng khác chắc chắn cũng sẽ được khai thác trong tương lai không xa, đó là du lịch lòng hồ, với những khu du lịch sinh thái mọc lên ở một loạt các địa phương có lòng hồ liền kề…
Những tín hiệu vui ấy, chắc chắn sẽ làm náo nức những người yêu Tây Bắc, luôn đau đáu một khát vọng làm sao miền ngược tiến kịp miền xuôi, để những thông tin, bài viết về tình trạng đói nghèo, mù chữ, thiếu lương thực… tại những địa danh như Ngọc Chiến, Tả Bu… sẽ không bao giờ còn xuất hiện trên mặt báo.
Tất nhiên, để có được điều đó, sẽ còn một chặng đường phía trước, và cũng đã có nhiều ngày tháng người dân bản địa phải sống chung với không khí khẩn trương, vội vã, mù mịt khói bụi… khi thủy điện Sơn La còn là đại công trường.
Kỹ sư Bùi Phương Nam, Trưởng phòng Kỹ thuật (BQLDA Thủy điện Sơn La) thông tin: ngoài thủy điện Sơn La, còn nhiều nhà máy thủy điện khác quy mô nhỏ hơn đang được xây dựng như Nậm Chiến 1, Nậm Chiến 2, Bản Trác, Huổi Quảng, Bá Chiến…
Khi tất cả các nhà máy này cùng vận hành, Mường La sẽ là “thủ phủ thủy điện” của Tây Bắc. Điều đó sẽ nâng vị thế Mường La trở thành một trung tâm kinh tế, chính trị văn hóa quan trọng và quy mô của tỉnh Sơn La, là “cú hích” quan trọng để Mường La phát triển.
Những công dân mới
Để có mặt bằng cho dự án nhà máy thủy điện Sơn La, hơn 13.000 hộ dân (khoảng 9 vạn dân bản địa) thuộc ba tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu đã phải di dời chỗ ở.
Có thể nói, đây là một trong những cuộc “thiên di” lớn trong lịch sử chuyển cư ở Tây Bắc. Từ bỏ mảnh đất gắn bó với mình qua bao thế hệ, chắc chắn những người rời bỏ nó sẽ có những nỗi niềm, thế nhưng, trên hết, đấy là phục vụ cho mục đích chung của đất nước…
Cán bộ Nhà máy Thủy điện Sơn La làm chủ công nghệ hiện đại.
Thế nhưng, bên cạnh những người ra đi nhường đất cho dự án, Mường La lại có thêm nhiều công dân mới. Đó là những cán bộ, kỹ sư, công nhân… thi công dự án, “bắt rễ”, bén duyên nơi đất này, trở thành công dân mới của Mường La.
Phạm Tuấn Anh (SN 1980), Trưởng phòng Kế hoạch Vật tư của Nhà máy Thủy điện Sơn La, là “thanh niên Hà thành” chính hiệu, lên công trường từ năm 2004.
Đây là trường hợp “nhanh nhất” của công ty, khi anh “bén duyên” cùng đồng nghiệp. PGĐ nhà máy Thủy điện Sơn La Khương Thế Anh trước khi về dự án đã có gia đình ở Bình Thuận, thế nhưng, đất Mường La “kêu gọi” mạnh tới mức, vợ con anh đã theo chồng rời bỏ phố thị về phố núi.
Giám đốc nhà máy Thủy điện Sơn La, ông Hoàng Trọng Nam cùng các lãnh đạo dự án đã rất nhiều lần đứng ra làm chủ hôn cho cán bộ công nhân viên trong công ty.
Anh Nam thân tình: “Bây giờ, nếu hỏi tớ cũng chẳng nhớ hết đã có bao nhiêu đám cưới được tổ chức tại công trường, vì một năm có tới hàng chục đám. Anh em lên Mường La thi công, rồi họ bén duyên với đất mới, sinh cơ lập nghiệp, gắn bó hẳn với đất Mường La".
Người anh cả của Nhà máy Thủy điện Sơn La cũng không giấu sự xúc động: “Cái đấy là duyên số, nhưng không phải tiệc cưới nào cũng “xôm” như mình vẫn mong đợi. Có anh em nhà dưới xuôi, ngày cưới đúng vào ngày tổ máy phát điện, toàn thể cán bộ, anh em phải ở lại trực, chỉ một mình chú rể về quê cưới vợ. Thương lắm, nhưng nhiệm vụ ở nhà máy quan trọng hơn, mình chỉ biết động viên anh em cố gắng…”.
Đó là câu chuyện của kỹ sư Nguyễn Ngọc Duy (SN 1982, quê Tiền Hải, Thái Bình). Duy yêu người bạn đồng nghiệp quê Yên Bái, và tổ chức kết hôn đúng ngày tổ máy số 1 phát điện (vận hành vào tháng 12/2010).
Vì đó là sự kiện trọng đại của nhà máy, đồng nghiệp trong công ty không về dự đám cưới của Duy ở quê được, mỗi mình Duy “lủi thủi” bắt xe khách về Thái Bình làm đám cưới.
Sau “sự kiện” ấy, Giám đốc Hoàng Trọng Nam “tư vấn” cho những cặp uyên ương về sau: nếu anh em nhà ở xa, công ty sẽ đứng lên làm “chủ hôn” đám cưới tại công trường, mời đại diện gia đình nhà trai, nhà gái lên chứng kiến…, vừa đỡ vất vả đi lại, lại được gần gũi anh em, cán bộ trong công ty – những người gắn bó với nhau như người thân trong gia đình…
“Đám cưới dã chiến” đầu tiên được tổ chức tại công trường theo “tư vấn” của giám đốc Nam, là lễ thành hôn giữa chú rể Ngô Mạnh Hùng (trưởng kíp vận hành nhà máy, SN 1979, quê Tân Phú, Phổ Yên, Thái Nguyên) và chị Nguyễn Thị Phượng (quê Bình Phước).
Hàng trăm khách mời là những đồng nghiệp cùng công ty đã có mặt tại khu sinh hoạt tập thể ngoài trời, được dựng rạp, kê bàn, có cả sân khấu hôn lễ… để chung vui với đôi bạn trẻ.
Giám đốc Hoàng Trọng Nam “kiêm” một lúc hai “chức danh”: vừa đại diện nhà trai, vừa đại diện nhà gái… Sau ngày cưới, đôi bạn trẻ đã ở lại, trở thành công dân của Tây Bắc.
Cuộc sống mới khởi sắc tại xã Chiềng Ơn, huyện Quỳnh Nhai từ khi hồ dự trữ thủy điện Sơn La tích nước.
“May mắn” hơn đồng nghiệp của mình, đám cưới của kỹ sư Đỗ Quốc Yên (SN 1983, quê Phú Thọ, làm việc ở Tổ Tự động) kết hôn với chị Văn Thị Thúy Thảo (quê Mỹ Đức, Hà Nội) tổ chức tại công trường vào tháng 10/2010 được đạo diễn Bá Thước (hãng phim Tài liệu VN) lên tận nơi ghi hình làm tư liệu cho bộ phim tài liệu “Từ Thác Bà đến Thủy điện Sơn La”…
Những cặp đôi hạnh phúc ấy, bây giờ đã sinh con đẻ cái, và những đứa trẻ được sinh ra trên đất Mương La, là kết quả của những cuộc “bén duyên” trên công trường, sẽ trở thành những chủ nhân tương lai của nhà máy do chính bố mẹ mình xây dựng.
“Trong đội ngũ cán bộ, kỹ sư của nhà máy, có rất nhiều người dưới xuôi lên, nhiều người ở các thành phố lớn… nhưng vẫn về vùng sâu, vùng xa này gắn bó với nhà máy, gần chục năm rồi mà không ai rời bỏ công việc cả.
Đến khi nhà máy đi vào hoạt động, họ lại ở lại làm công tác vận hành, thành người Mường La…” – giám đốc Nam cho biết.
Những hạnh phúc giản dị, đời thường ấy, chính là những mạch sống đang được Nhà máy Thủy điện Sơn La khơi nguồn trên đất Mường La…
Theo ông Hoàng Trọng Nam, GĐ Nhà máy Thủy điện Sơn La: “Giá trị hồ chứa nước Thủy điện Sơn La không chỉ phục vụ riêng mục đích của công trình, nó còn có ý nghĩa quan trọng đối với Nhà máy Thủy điện Hòa Bình ở bậc thang phía dưới.
Lượng nước ổn định của hồ chưa thủy điện Sơn La sẽ giúp Thủy điện Hòa Bình không lo chuyện thiếu nước về mùa khô, giúp thủy điện Hòa Bình sản xuất thêm gần 1 triệu kWh/năm.
Hiện tại, Trường Đại học Tây Bắc đang kết hợp với Hiệp hội Nghề cá Việt Nam (VASEP) xây dựng đề án nuôi cá tầm tại hồ chứa nước thủy điện Sơn La, biến vùng lòng hồ trở thành trung tâm nuôi cá tầm lớn nhất Việt Nam.
Đây là loại thủy sản có giá trị kinh tế cao, và là một tiềm năng kinh tế rất lớn. Trước đó, tại thị trấn Phiêng Lanh (huyện Quỳnh Nhai), một vài cơ sở tư nhân đã tiến hành đầu tư nuôi cá tầm, đang thu nguồn lợi kinh tế lớn từ việc khai thác lòng hồ.
“Dự án Nhà máy Thủy điện Sơn La ngoài hai nhiệm vụ lớn là phát điện hòa lưới điện Quốc gia; đảm bảo nguồn nước tưới cho vùng lân cận còn có nhiệm vụ chính trị quan trọng, đó là góp phần thúc đẩy kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, an ninh quốc phòng của vùng Tây Bắc” – GĐ Hoàng Trọng Nam nhấn mạnh. |