Ông Cường giới thiệu về các thành tựu trong sáng tạo công nghệ.
Sẽ có rất nhiều câu chuyện về cống hiến, sáng tạo và cả hy sinh để có được thành công này. Trong số đó đến chuyện Anh hùng lao động Nguyễn Tăng Cường chế tạo chiếc cần cẩu 1.200 tấn.
Câu chuyện ấy giống như một “ván bài khoa học” mà sự rủi ro lắm khi lại nhiều hơn may mắn, cái được- mất, thắng - thua thường không thể nói trước cho đến khi kết quả cuối cùng có thể sờ được, mắt thấy, tai nghe.
Gặp Nguyễn Tăng Cường bốn năm sau ngày quyết định “đánh cược” làm cẩu 1200 tấn ở thủy điện Sơn La, anh tâm tư: “Ngày ấy, mình chỉ có duy nhất suy nghĩ, nếu không quyết tâm làm thì bao giờ mới có cơ hội chứng minh Việt Nam có thể làm được cần cẩu hạng nặng, làm chủ công nghệ chế tạo những máy móc nâng hạ thiết bị siêu trường, siêu trọng?”
Anh nói: “Nếu như thủy điện Sơn La đưa ra đấu thấu thiết bị cần cẩu hạng nặng, chắc chắn Trung Quốc sẽ trúng thầu, vì giá rẻ. Nhưng công nghệ, chất lượng là một câu hỏi. Còn nếu mua đồ ngoại, chúng ta sẽ phải trả tới 25-26 triệu USD cho chiếc cần cẩu châu Âu. Còn tôi, tôi chỉ bán với cái giá 8,5 triệu USD và tôi tin là mình sẽ đáp ứng được mọi điều kiện về chất lượng!”
Bài toán giá thành nghe rất hấp dẫn. Nhưng ông Cường và DN của mình ngày ấy đã có gì để chứng minh cho EVN, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học công nghệ… về lời nói của mình?.
Thực tế, lúc đó dù đã khá nổi tiếng nhưng người ta chỉ biết ông Cường đã được cẩu 500 tấn ở thủy điện Sê - San 3 trong vòng 2 tháng 15 ngày. Nhờ đó, đã cứu cánh cho công trình trước bàn thua trông thấy khi có thể phải trả lãi vay quá hạn 250 tỷ đồng vì bị đối tác nước ngoài giao chậm hàng hơn 1 năm rưỡi. Chuyện này khiến cho ngành điện bất ngờ, “không tưởng tượng nổi” là “ ông Cường nói được, làm được”.
Ông cường cũng đã được mệnh danh là “vua thép” khi cung cấp hàng loạt thiết bị phụ tùng chế tạo bằng thép đặc chủng trong các nhà máy xi măng, hóa chất, đóng tàu… Ông đã được phong danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, được Huân chương lao động hạng Nhất…
Nhưng dường như tất cả đó cũng vẫn chưa đủ phá tan định kiến “DN Việt Nam không thể chế tạo được chiếc cần cẩu tới 1.200 tấn!” Đây gần như là một thách thức, một ván bài khoa học và kinh tế đầy mạo hiểm, vì chưa có ai ở Việt Nam, kể cả anh Cường, làm cần cẩn 1.200 tấn. Tất cả đều đứng trước lựa chọn: Đây là công trình trọng điểm quốc gia, nếu thành công thì không sao, nếu thất bại thì tai họa rất lớn. Vì thế, có thể, có những người ủng hộ anh nhưng lại chẳng dám nói ra!
Hồi ấy, trong một hội thảo về thủy điện Sơn La, người ta gay gắt phản đối Nguyễn Tăng Cường vì “nếu không may chiếc cần cẩu bị trục trặc kỹ thuật, làm vỡ đập, 28 triệu dân ở hạ lưu, trong đó có Tp Hà Nội sẽ bị chìm trong biển nước, ai sẽ chịu trách nhiệm?”
Nguyễn Tăng Cường cũng gay gắt không kém: “ Ở hạ lưu, tôi còn anh em ruột thịt, còn đồng nghiệp, đồng chí, không lẽ tôi không có trách nhiệm sao? Tôi làm còn vì lòng tự tôn dân tộc Việt Nam! Tôi đánh cược với toàn bộ tính mạng, tài sản và danh hiệu Anh hùng Lao động để khẳng định là tôi làm được!”
Rồi anh nói: “Đảng và Nhà nước đặt mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam sẽ trở thành nước công nghiệp hóa, hiện đại. Nếu mình không làm gì thì chẳng có gì chứng minh rằng mục tiêu đó đạt được”.
“Bây giờ thành công rồi, cần cẩu hoạt động lắp rotor cho 6 tổ máy chưa bao giờ bị hỏng, mình mới tạm thở phào nhẹ nhõm”, anh tâm sự.
Những sáng tạo trên công trường thế kỷ
Ông Cường cùng các kỹ sư ngiên cứu các thiết kế kỹ thuật.
Đối với những người ngoài cuộc, thật khó để giải thích vì sao việc làm cẩu 1200 tấn lại đặc biệt đến thế. Nhưng chỉ cần biết rằng, mức độ an toàn, chính xác cho thiết bị này phải là tuyệt đối. Một chiếc cần cẩu thả rotor nặng cả nghìn tấn vào lỗ tổ máy, chỉ có “chừa” khoảng cách 8mm, nếu sai sót, cần cẩu thả chệnh đi, va vào một bên đi là coi như hỏng cả công trình, là tai họa. Trên thế giới, sự cố lắp đặt các rotor do cần cẩu đâu phải ít.
Khi nói chuyện thủy điện Sơn La đã đi sớm tiến độ 2 năm, Nguyễn Tăng Cường cho biết: “Công trình thủy điện nào cũng có 2 phần xây dựng và phần lắp máy. Muốn sử dụng công nghệ gì thì cũng phải bằng ấy năm mới xong được, theo quy trình rất rõ ràng”.
Nhưng vấn đề sớm 2 năm ở đây chính là sáng kiến thay đổi quy trình công nghệ lắp máy đó. Theo giải pháp đã được thẩm định, khi xây đập lên đỉnh cao là 228 m xong, mới bắt đầu lắp cần cẩu, thử các cửa van 17.000 tấn để xem có kín, khít không. Sau đó, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước mới cho tích nước mất khoảng 9 tháng, thử mất 11 tháng, lắp cần cẩu mất 3 tháng. Vậy là toàn bộ quy trình thông thường sẽ mất tới 23 tháng”.
Nhưng khi đó, một giải pháp khác được đề ra. Đó là khi lên đến cao trình có 162m, anh Cường đã cho lắp một “cẩu chân què” của cẩu, xây đến đâu, thử cửa van luôn đến đó, làm cuốn chiếu 2 trong 1. Nhờ đó mà rút ngắn thời gian 2 năm.
“Sáng kiến đó là của anh Nguyễn Bá Tân, một chuyên gia đầy kinh nghiệm của công ty Tư vấn xây dựng điện 1, rất giỏi và có nhiều đóng góp lớn cho thủy điện Sơn La. Mình chỉ là người thực thi dưới sự chấp thuận của Ban quản lý và bác Thái Phụng Nê”, anh Cường nhấn mạnh.
Lúc lắp rotor đầu tiên ở thủy điện Sơn La, Nguyễn Tăng Cường cũng hồi hộp nhưng anh bảo, vẫn không bằng vụ lắp cần cẩu đầu tiên ở thủy điện Sesan 3. Vì đó là lúc, anh chưa bao giờ làm cho công trình thủy điện.
Cũng bắt đầu từ đây, EVN đã hợp tác với xí nghiệp cơ khí Quang Trung trong việc cung cấp cần cẩu cho hàng loạt các dự án thủy điện khác như Đồng Nai 3, Đồng Nai 4, Sông Tranh, Huội Quảng, Bản Chát, Hủa Na. Tới đây, thủy điện Lai Châu cũng được sự chấp thuận của Thủ tướng tiếp tục cho xí nghiệp cơ khí Quang Trung làm cần cẩu hạng nặng.
Thương hiệu cơ khí chế tạo Việt
Nguyễn Tăng Cường đã làm cả giới cơ khí chế tạo máy nể phục! Vì anh nói được, làm được. Anh đã cho người ta thấy “sức mạnh” của 5 giải pháp chế tạo cần cẩu như nghiên cứu thiết kế chế tạo hộp số hành trình; chế tạo vành mâm xoay cho các cần cẩu chân đế; bộ điều khiển động cơ lồng sóc kiểu biến tần; dự ứng lực cho các sản phẩm kết cấu và công nghệ đúc chính xác trong chân không.
Những chiếc cần cẩu anh chế tạo có tỷ lệ tới 90% nội địa hóa. Và giờ, không chỉ là 1.200 tấn, ông “vua” cần cẩu này có thể cho ra đời những chiếc cần cẩu 5.000-6.000 tấn “made in Vietnam” với giá còn cạnh tranh hơn giá của nước láng giềng.
Nhìn vào những công trình chế tạo máy hoành tráng đó, ít ai ngờ rằng, vị Anh hùng Lao động – nhà khoa học này chẳng hề mang danh bằng cấp học hàm học vị lớn nào. Anh học cơ khí từ các cụ ở nhà, trải qua 3 đời làm nghề sửa chữa máy móc. Thuở thanh niên, anh từng mở hiệu sửa chữa xe đạp. Rồi sau đó, anh bước vào làm nghề vật liệu, nấu gang luyện thép.
Nhà khoa học vừa mới được trao giải thưởng Hồ Chí Minh này, khi đó, đọc sách hướng dẫn của Nga về cách nấu thép, còn chẳng hiểu “thép khác gang ở hàm lượng cac -bon thì các- bon tính chất là gì?” và chẳng nấu ra được “mác thép gì”. Cứ thế anh Cường mày mò, tự học mà đi lên. Nhiều lúc, anh thất bại thê thảm. Day dứt nhất là vụ cung cấp thiết bị cho nhà máy xi măng Bỉm Sơn. Vừa đưa vào hoạt động thì tấm thiết bị này đã bị vỡ. Vậy là 2 vị cán bộ kỹ sư, phụ trách kỹ thuật ở nhà máy vì anh mà bị kỷ luật nặng.
Đã một thời, có bao nhiêu tài sản tích lũy được, anh ném hết vào nghề. Cho đến khi, anh nấu được tất cả các loại mác thép đặc chủng chế tạo chi tiết trong môi trường khắc nghiệt cho nhà máy xi măng, hóa chất… lợi nhuận gặt hái được nhiều, trình độ tay nghề lên cao thì cũng là lúc, anh nhận thấy “cái áo này quá chật!” Phải đi vào sản phẩm cơ khí đồng bộ và mang thương hiệu Việt!
Với hoài bão lớn lao đó, anh Cường mới bắt đầu lao đầu vào nghiên cứu làm cần cẩu, nội địa hóa, modun hóa dần dần toàn bộ và đến nay, doanh nghiệp của anh có thể làm được tới 50 chủng loại cẩu khác nhau.
Thuở ban đầu, trước khi chế tạo thành công được những sản phẩm cơ khí thương mại, bán được, giá rẻ, chất lượng tốt thì Nguyễn Tăng Cường mất tới 10 năm để chỉ “tiêu” tiền là chính, nghiên cứu và chế tạo rồi… thất bại. Một Nguyễn Tăng Cường từng bị coi là “dở hơi” vì lao đầu vào đá giờ đã chứng minh rằng, chỉ cần có hoài bão, có đam mê, có kiên trì là có thể thành công.
Bấy lâu, đi hội thảo nhiều về ngành cơ khí ở Bộ Công Thương, có không ít những ông chủ đầu tư các dự án công nghiệp than thở rằng: Tỷ lệ nội địa hóa thấp, rồi sản phẩm Việt Nam chưa đạt chứng nhận quốc tế, rồi giá thành còn cao, DN Việt thiếu chuyên nghiệp… nên khó chọn hàng nội, “buộc” phải “cắn răng” nhập ngoại.
Vì thế, Nguyễn Tăng Cường vẫn đau đáu vì sao cơ khí Việt Nam, sao cứ mãi ỳ ạch, đì đẹt đến thế dù cho chính sách về cơ khí trọng điểm đã ban hành rồi. Anh cho rằng, Nhà nước còn thiếu hoạch định chiến lược dài hạn cho ngành này, thiếu những sự đầu tư bài bản, chuyên nghiệp bằng cơ chế chính sách cụ thể và vốn ưu đãi. Tiềm lực công nghiệp, công nghệ không nằm ở các bộ ngành Chính phủ mà nằm ở chính các doanh nghiệp.
Bởi “nếu không làm gì thì biết bao giờ, Việt Nam mới trở thành nước công nghiệp hiện đại vào năm 2020.