Hai giờ cùng “đại tổng quản” của công trình lớn nhất Đông Nam Á
Trong chuyến công tác ngắn ngủi và “ngợp” thông tin của mình, tôi không dưới ba lần có mặt trong phòng làm việc của ông Nguyễn Hồng Hà, Trưởng BQLDA Nhà máy Thủy điện Sơn La.
Ông Hà là “dân thủy điện” chính hiệu, mấy chục năm gắn bó ở Cty Tư vấn Xây dựng Điện 1, sau đó tham dự công trình Thủy điện Yaly, rồi tiếp theo là dự án Nhà máy thủy điện Sơn La, toàn những công trình, dự án trọng điểm Quốc gia.
Trưởng BQLDA Thủy điện Sơn La, ông Nguyễn Hồng Hà
Dự án đang ở giai đoạn nghiệm thu những hạng mục cuối cùng trước khi bàn giao, với vai trò của người đại diện cho chủ dự án trên công trường, anh ngợp trong ngồn ngộn công việc, nhưng vẫn phải “phân tán” sắp xếp, tổ chức, xây dựng nhà xưởng, văn phòng… trên công trường mới trên công trình thủy điện Lai Châu; vẫn phải như con thoi giữa hai địa điểm: Mường La (thủy điện Sơn La) và Nậm Háng (Mường Tè, Lai Châu) – nơi đang triển khai xây dựng thủy điện ở bậc thang thứ nhất trên sông Đà.
Ông Hà cởi mở cắt giải cho tôi nguyên cớ, một cách rất giản dị và khiêm tốn, rằng, việc “cán đích” trước thời hạn của công trình trọng điểm Nhà máy Thủy điện Sơn La, là kết quả của cả ba yếu tố: thiên thời, địa lợi, nhân hòa, trong đó, đặc biệt là sự quan tâm của các lãnh đạo Đảng, Chính phủ luôn rốt ráo chỉ đạo để Nhà máy Thủy điện Sơn La xứng đáng với kỳ vọng của cả nước, về một công trình kỳ vĩ mang lại hiệu quả kinh tế cho đất nước, thúc đẩy Tây Bắc phát triển.
Kỹ sư trẻ đang trong ca trực phòng kỹ thuật tại Nhà máy thủy điện Sơn La
Cái “lợi” của việc dự án hoàn thành trước tiến độ không chỉ ở việc, chúng ta được hưởng thành quả trước ba năm mà nhà máy mang lại, đấy là hàng tỷ kWh điện do 6 tổ máy sản xuất ra mỗi năm, mà quan trọng hơn, đấy là niềm tin, kinh nghiệm… và đội ngũ, tay nghề trình độ các kỹ sư, công nhân, các nhà quản lý của Việt Nam hoàn toàn có thể làm chủ công nghệ, tự tin xây dựng được những công trình quy mô lớn như thủy điện Sơn La.
Theo ông Hà, yếu tố đảm bảo dự án thi công đúng tiến độ ở dự án nhà máy thủy điện Sơn La, ấy là sự phối hợp ăn khớp ở tất cả các mặt.
Ở một dự án lớn như thế, để triển khai thực hiện, có cả một núi việc phải làm: công tác di dân tái định cư; đền bù giải phóng mặt bằng, thi công xây dựng đường giao thông, nâng cốt đường khi hồ thủy điện được tích nước…
Vì thế, thời điểm đó, cùng một lúc có hàng ngàn, hàng vạn công trường khác cùng diễn ra ở khắp Tây Bắc – những vùng liên quan đến lòng hồ, liên quan đến việc thi công dự án, chứ không chỉ riêng Mường La mới có công trường.
Rồi, như một viện dẫn rất sinh động, ông Hà cho hay: tiến độ của dự án có được, ấy là từ những việc rất nhỏ. Ngay như thời điểm vận chuyển thiết bị siêu trường siêu trọng nặng 280 tấn từ dưới cảng Hải Phòng lên, đó là cả một bài toán khó.
Giai đoạn đó vào khoảng tháng 3/2011, thiết bị được nhập về từ cảng Hải Phòng, vận chuyển bằng đường sông, sau đó đưa lên Mường La bằng hồ tích nước của thủy điện Hòa Bình.
Nếu như hồ thủy điện Hòa Bình nhiều nước, thiết bị siêu trường này sẽ được cập ở bến Mường La, cách địa điểm thi công vài km. Nếu nước kiệt, sẽ phải xuống ở bến Tả Hộc, cách công trường 50km.
Cầu Pá Uôn – cây cầu cao nhất Việt Nam tại xã Chiềng Ơn, huyện Quỳnh Nhai, Sơn La – một trong những huyện lị phải di dời để nhường đất cho lòng hồ tích nước thủy điện
Điều đáng nói khác, hệ thống đường tỉnh lộ, huyện lộ ở Mường La chỉ có tải trọng ở mức trung bình, nếu như không nói chất lượng kém.
Chưa kể đến, dọc 50km đường miền núi này còn có hơn 30 cây cầu lớn – nhỏ bắc qua sông suối, tải trọng của cầu lớn nhất cũng chỉ ở mức 30 tấn.
Thế nên, để vận chuyển được thiết bị nặng hàng trăm tấn này, sẽ mất thêm thời gian hàng năm trời để gia cố lại cầu – đường, nếu không hệ thống cầu, đường sẽ không chịu được nổi tải trọng.
Bài toán đau đầu ấy, cuối cùng, chủ đầu tư đã tìm ra phương án: đó là sử dụng phương thức vận chuyển trailer bằng hệ thống giảm tải trọng: thiết bị được đưa lên hệ thống “đệm nước” dài hàng trăm mét, được đỡ bằng hàng trăm lốp xe lớn.
Cách thức này nhằm chia nhỏ tải trọng khiến áp lực lên mặt cầu – đường nơi thiết bị chở qua không bị ảnh hưởng. Tùy thuộc vào từng địa hình hay “sức khỏe” của mỗi cây cầu, “độ dài” của thiết bị được nối thêm, có những đoạn, hàng bánh xe chuyên dụng lên tới 120 bánh xe, trông tựa như một con rết khổng lồ, và phải sử dụng hai đầu kéo mỗi khi lên dốc.
“Cảnh tượng tấp nập kéo dọc đoạn đường 50km mà xe chạy qua. Bà con hai bên kéo ra vô cùng háo hức. Còn anh em nín thở theo dõi, đến khi thiết bị siêu trọng này an toàn về đến công trường, lúc ấy mới thở phào.
Nếu như không sử dụng phương pháp ấy, có lẽ phải mất thêm rất nhiều thời gian, tốn thêm rất nhiều tiền để gia cố lại đường, sau đó mới dám vận chuyển thiết bị bằng phương pháp thông thường, và như thế, đương nhiên cũng sẽ “lạm” thêm vào thời gian tiến hành dự án” – ông Hà kể lại.
Đánh bắt thủy sản tự nhiên trong lòng hồ thủy điện Sơn La.
Còn rất nhiều, rất nhiều câu chuyện, tình huống khác mà anh Hà cởi mở: Những sáng kiến, quyết định táo bạo nhưng đầy hiệu quả của anh em, về quyết định nhà thầu Việt Nam gia công thiết kế hệ thống cẩu siêu trọng tải, những đơn vị thầu tham gia thiết kế cống dẫn dòng, thiết bị cửa van hạ lưu, thi công đường ống áp lực khổng lồ có đường kính 10,5m trong địa hình cực kỳ khó khăn…
Tất cả, bây giờ chỉ là những câu chuyện. Và, “đại tổng quản” của đại công trường lớn nhất Tây Bắc này lại bận rộn chuẩn bị để sang một công trường mới: nhà máy Thủy điện Lai Châu, cách Mường La vài trăm cây số.
Những người ở lại
Giám đốc nhà máy Thủy điện Sơn La, Phó BQLDA Hoàng Trọng Nam là mẫu người của công việc. Nhà anh ở ngoài thành phố, cách Mường La hơn 40km, thế nhưng anh ở lại luôn trong nhà máy, sống trong một căn phòng nhỏ như bao kỹ sư khác, và cũng ăn cơm nhà bếp cùng với anh em.
Hai ngày tôi lên với thủy điện Sơn La trùng với thời điểm nhà máy đang sát hạch đội ngũ kỹ sư sau đào tạo ứng các chức danh trưởng ca, kíp.
Đích thân GĐ Hoàng Trọng Nam, PGĐ Khương Thế Anh, đại diện của EVN cùng nhiều ban, ngành khác đảm nhận vai trò “giám khảo” sát hạch.
Ứng viên phải đứng lên thuyết trình, bảo vệ đề tài, phải xử lý những tình huống giả định mà ban giám khảo đặt ra… Một buổi, ban giám khảo chỉ sát hạch được 5 “thí sinh” – điều đó đã chứng tỏ sự nghiêm túc và chặt chẽ như thế nào.
Cuộc sống vùng lòng hồ ở huyện Quỳnh Nhai.
PGĐ Khương Thế Anh kể lại những ngày tháng đích thân anh xuống tận các trường ĐH để “tuyển quân” cho nhà máy: trường ĐHBK Hà Nội, ĐHBK Đà Nẵng, ĐH Thái Nguyên, ĐH Thủy lợi…
Anh trực tiếp tham dự các buổi bảo vệ luận án tốt nghiệp của sinh viên, sau đó trực tiếp phỏng vấn những sinh viên có chất lượng để chuẩn bị cho đội ngũ kỹ sư cho nhà máy.
Những sinh viên “lọt” qua vòng phỏng vấn này sẽ được “gửi” đi đào tạo thực tế tại các nhà máy thủy điện như Yaly, Hòa Bình, sau đó tiếp tục thử thách tại Nhà máy thủy điện Sơn La.
“Để làm chủ được hệ thống thiết bị hiện đại phải có đội ngũ cán bộ, kỹ sư có năng lực. Vì thế, chúng tôi rất chú trọng công tác tuyển dụng, đào tạo và quản lý để các bạn có thể tự tin, chủ động xử lý trong công việc của mình.
Lợi thế của tuổi trẻ, đó là nhiệt huyết và nhanh nhạy. Kinh nghiệm và độ “chín” về chuyên môn, các bạn sẽ có được khi làm việc tại thủy điện Sơn La. Với một dự án trọng điểm và quy mô như thế này, chúng tôi càng chú trọng hơn bao giờ hết việc đào tạo đội ngũ nhân lực – những người trực tiếp vận hành, điều hành sản xuất” – GĐ Hoàng Trọng Nam cho hay.
Làm một phép toán: nhà máy thủy điện Hòa Bình công suất 1.920MW có tới gần 800 cán bộ, kỹ sư vận hành, trong khi đó, nhà máy thủy điện Sơn La công suất thiết kế 2.400MW gấp hơn 2 lần về công suất hiện đang được vận hành bởi gần 400 cán bộ, kỹ sư trẻ.
Điều đó cho thấy, công nghệ, thiết bị tiên tiến, hiện đại là chìa khóa để “tinh giản” tối đa sức người, nhưng để làm chủ được máy móc, công nghệ hiện đại, chất lượng của người vận hành càng phải đòi hỏi cao.
Vận chuyển thiết bị siêu trường siêu trọng nặng 280 tấn từ bến Tả Hộc về công trường.
Mường La, mảnh đất gần chục năm trước gần như bị “cô lập” bởi dòng sông Đà. Muốn về Mường La phải mất 1 ngày đường, phải vượt đò, vượt phà, phải ngay ngáy lo có gặp mưa hay không, nếu trời mưa, nước dâng cao thì chỉ biết… đứng bên này mà nhìn Mường La qua màn nước trắng.
Nay, một Mường La với diện mạo mới, cùng với đó là hàng loạt những địa danh khác như Mường Lay, Quỳnh Nhai… cũng chộn rộn sang trang.
Tôi cứ vẩn vơ với ý nghĩ, bây giờ nếu gọi “thượng nguồn sông Đà” thì dường như đấy là một thói quen cũ, bởi sau những lần tích nước, thượng du sông Đà đã trở thành vùng hồ rộng mênh mông.
Suốt dọc tuyến đường dài gần 100km từ Quốc lộ 6 rẽ vào huyện lị Quỳnh Nhai mới, thỉnh thoảng, qua một nách núi thấy một vùng nước mênh mông ôm những eo núi, mềm mại và trữ tình.
Anh Nguyễn Đắc Cường, cán bộ nhà máy bảo: “Đấy là vùng lòng hồ!”. Vào đến Chiềng Ơn, điểm rộng nhất của vùng lòng hồ đã thấy sừng sững một cây cầu đứng trong mênh mông nước trắng – cầu Pá Uôn, cây cầu cao nhất Việt Nam tính từ “chân” lên đến đỉnh.
Một phút ngẫu hứng, chúng tôi chèo thuyền ra giữa lòng hồ, ra đến tận điểm có mấy mỏm núi nhô lên. Có lẽ, phải gọi là “biển hồ” ở Tây Bắc chứ không phải là “hồ tích nước thủy điện Sơn La” nữa, vì sự mênh mông của nó.
Lẫn trong sương sớm, những mỏm núi đá nhấp nhô lẩn khuất, như người chơi trốn tìm. Một vạt đồi vàng sẫm còn sót lại nhô lên mặt nước, mảnh lúa nương hiện hữu giữa biển hồ.
Vài chuyến đò xuôi ngược rẽ sóng qua con thuyền của chúng tôi, để lại một vạt nước hình chữ “V” cứ thế loang rộng. Ba, bốn chiếc thuyền khác bình thản, chậm chạp gỡ những nơm tôm được thả từ buổi đêm hôm trước...
Bến cá Chiềng Ơn, một buổi sáng có cả chục tấn cá, tôm được bà con đi đánh bắt tự nhiên cùng đổ về.
Đó là sự bình yên đến nào lòng mà không phải ở công trình thủy điện nào cũng có được...