Nhân viên tổ TTLĐ đang kiểm tra định kỳ hệ thống Rơle giám sát.
Do đó, việc đưa các thiết bị số và các phần mềm số hóa vào quản lý vận hành đã giúp phát hiện và ngăn ngừa được sự cố, xử lý sự cố nhanh chóng, rút ngắn về khoảng cách di chuyển, khôi phục lại điện một cách nhanh nhất cho khách hàng.
Công ty Điện lực Thái Nguyên hiện đang quản lý vận hành 329,87 km đường dây và 13 trạm biến áp 110kV có tổng công suất lắp đặt 1786MVA. Để phục vụ tốt công tác quản lý, vận hành lưới điện 110kV thì hiện tại, Đội QLVHLĐ cao thế đang sử dụng các chương trình số hoá như: Ứng dụng chữ ký số trong văn bản điện tử phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của Đội; Tăng cường họp, hội nghị qua Zoom, truyền hình trực tuyến; Ghi thông số và theo dõi vận hành thiết bị trên máy tính điều khiển xa; Đóng cắt thiết bị từ xa và theo dõi sự cố trên rơle giám sát; Sử dụng nhật ký vận hành điện tử trên Pmis....
Đặc biệt, hệ thống giám sát đóng cắt thiết bị và điều khiển từ xa thông qua các rơle kỹ thuật số đã mang lại những đột phá lớn trong quá trình quản lý và vận hành, đưa các trạm biến áp không người trực vào vận hành sớm, đẩy nhanh tiến trình hiện đại hóa ngành điện, giảm số lượng nhân viên trực ca tại các trạm 110kV; Giảm thời gian thao tác mà vẫn đảm bảo cung cấp điện ổn định, an toàn cho người lao động trong khi làm nhiệm vụ.
Trước đây, việc thao tác đóng cắt thiết bị được thực hiện bởi công nhân trực vận hành tại các trạm biến áp 110kV, chủ yếu thực hiện bằng tay thông qua các nút ấn đặt tại các tủ điều khiển. Khi có rơle giám sát và điều khiển từ xa, việc thao tác được thực hiện trên Trung tâm điều khiểu thông qua giám sát của nhân viên trực điều độ đương ca. Các thao tác được thực hiện qua Rơle điều khiển và giám sát trạng thái thiết bị thông qua tín hiệu Scada. Nếu việc thao tác gặp trục trặc, nhân viên điều độ sẽ ra lệnh và giám sát nhân viên trực ca dự phòng tại các tổ thao tác lưu động (TTLĐ) thao tác thông qua camera đặt tại phòng phân phối 22kV/35kV.
Khi chưa đưa giám sát từ xa vào vận hành, tại các TBA 110kV có chế độ trực 3 ca, mỗi TBA 110kV truyền thống đòi hỏi phải có ít nhất 7-10 nhân viên vận hành thay phiên nhau trực. Khi chuyển đổi mô hình thành tổ TTLĐ, số lượng nhân viên trực ca giảm xuống còn 4-5 người trên một trạm. Các công nhân đã được đào tạo, cập nhập các quy trình vận hành theo mô hình mới, thường xuyên được bồi huấn chuyên môn và nâng cao tay nghề để đáp ứng được công việc, việc giảm được nhân lực mà vẫn đảm bảo được cung cấp điện ổn định là nhờ một phần không nhỏ của các rơle giám sát điều khiển.
Bên cạnh đó, việc sử dụng các thiết bị mang lại hiệu quả cao nhằm ngăn ngừa sự cố như thiết bị đo phóng điện cục bộ và camera nhiệt cũng được trang bị để phát hiện kịp thời hiện tượng phóng điện bên trong lớp cách điện và phát nhiệt tại các mối nối dây dẫn. Thiết bị giúp công nhân phân tích bất thường thông qua tần số phóng điện mà thiết bị ghi nhận được khi đo, ngăn ngừa kịp thời sự cố xảy ra trong vận hành nhất là sự cố tại các đầu cáp tổng trung thế.
Qua thống kê số liệu khi sử dụng thiết bị đo phóng điện cục bộ để phát hiện bất thường, năm 2020 đã ngăn ngừa được 05 vụ sự cố đầu cáp tổng tung thế, năm 2021 phát hiện và ngăn ngừa được 07 vụ sự cố, năm 2022 phát hiện và ngăn ngừa được 08 vụ sự cố. Các bất thường này đều được cắt điện và xử lý kịp thời, đảm bảo cho thiết bị vận hành an toàn.
Ngoài ra việc sử dụng camera nhiệt để đo nhiệt độ tại mối nối dây dẫn, đầu ghíp... đã giảm được nguy cơ sự cố do phát nhiệt tại đầu cực của các thiết bị ngoài trời. Năm 2021, nhờ có camera nhiệt mà phát hiện và ngăn ngừa được 15 vụ sự cố do phát nhiệt trong trạm biến áp. Năm 2022, phát hiện và xử lý kịp thời, ngăn ngừa được 10 vụ phát nhiệt do tiếp xúc không tốt tại các mối nối dây dẫn, đầu ghíp.
Đối với đường dây 110kV, ứng dụng số hóa để xây dựng “Lưới điện thông minh” trên phần mềm bản đồ địa lý GIS đã giúp việc quản lý vận hành đường dây 110kV hiệu quả, xác định vị trí, địa điểm các cột nhanh chóng hơn. Công nghệ GIS giúp phục vụ khảo sát trong đầu tư xây dựng sửa chữa lớn, xác định các cự ly trong công tác sửa chữa lưới điện, từ đó giúp chủ động xây dựng kế hoạch, huy động nhân lực ngay từ ban đầu. Đặc biệt, giúp xác định, khoanh vùng tìm kiếm nhanh nhất các sự cố do sét gây ra. Dựa vào bản đồ GIS, công nhân xác định được đường đi đến các vị trí có sự cố thông qua Rơle tín hiệu báo khoảng cách đặt tại đầu các trạm 110kV, giảm thiểu thời gian tìm điểm vị trí để tiếp cận khu vực có sự cố giúp tối ưu chi phí công tác và thời gian cắt điện của khách hàng.
Phần mềm bản đồ số được khai thác hiệu quả trong QLVH đường dây 110kV.
Năm 2021, Đội QLVHLĐ cao thế đã được trang bị thiết bị bay không người lái được điều khiển từ xa (flycam) và đã được Cục tác chiến - Bộ Tổng tham mưu đồng ý cho phép sử dụng thiết bị nhằm ghi hình kiểm tra sự cố công trình cột, đường dây cao thế, trung thế và các TBA. Việc sử dụng flycam mang lại nhiều lợi ích thiết thực đáp ứng yêu cầu trong việc kiểm tra, phát hiện sớm khiếm khuyết, nguy cơ xảy ra sự cố trên đường dây, TBA. Đặc biệt, hiệu quả trong công tác tuần tra diều và ngăn ngừa sự cố do diều gây nên, chủ động gỡ diều mắc trên dây dẫn 110kV mà không cần xin cắt điện đường dây như trước đây. Ngoài những đặc điểm của flycam như nhỏ gọn, trọng lượng nhẹ, vận chuyển dễ dàng, thời gian bay, tốc độ bay, độ cao hoạt động, nhiệt độ hoạt động, flycam còn có thêm chức năng kiểm tra phát hiện được nhiệt độ tại những điểm đấu nối tiếp xúc.
Có thể nói, Đội QLVH Cao thế Thái Nguyên đã triển khai ứng dụng sâu rộng các thành quả chuyển đổi số, công nghệ thông tin vào các hoạt động sản xuất kinh doanh, quản lý vận hành. Việc các thiết bị số được đưa vào sử dụng đã dần thay đổi phương pháp làm việc, quản lý các thiết bị trong các trạm biến áp 110kV, giúp công nhân vận hành được an toàn, đồng thời phát huy được khả năng tư duy, sáng tạo, sự chủ động và đạt hiệu quả cao trong công việc.