PC Thanh Hóa: Tập trung phát triển lưới điện thông minh

Thứ ba, 20/12/2022 | 10:57 GMT+7
Trong những năm gần đây Công ty Điện lực (PC) Thanh Hoá đã và đang tích cực triển khai công tác số hoá, chuyển đổi số, áp dụng công nghệ, kỹ thuật số vào quản lý vận hành lưới điện 110 kV, nhằm nâng cao chất lượng quản lý, đảm bảo cung cấp điện được an toàn, ổn định và tin cậy trên địa bàn toàn tỉnh.
Trung tâm điều khiển xa PC Thanh Hóa - Bộ não của hệ thống lưới điện
 
PC Thanh Hoá hiện đang quản lý hơn 707 km đường dây 110 kV và 21 TBA 110 kV (thuộc các tỉnh có khối lượng quản lý cao nhất cả nước). 
 
Hướng đến phát triển lưới điện thông minh 
 
Lưới điện thông minh là tập hợp các thiết bị phần cứng và các công cụ phần mềm nhằm truyền tải điện hiệu quả hơn, giảm công suất dư thừa, quản lý thông tin tức thời theo nhu cầu thực tế. Lưới điện thông minh đạt hiệu quả cao trong giám sát điện năng, truyền và thu thập dữ liệu ngay trên đường truyền tải.
 
PC Thanh Hóa hiện đang quản lý hơn 707 km đường dây 110 kV và 21 TBA 110 kV (thuộc các tỉnh có khối lượng quản lý cao nhất cả nước). Tuy khối lượng quản lý lớn, nhưng trong những năm gần đây, Công ty đã và đang tích cực triển khai công tác số hoá, chuyển đổi số, áp dụng công nghệ, kỹ thuật số vào quản lý vận hành lưới điện 110 kV, nhằm nâng cao chất lượng quản lý, đảm bảo cung cấp điện được an toàn, ổn định và tin cậy trên địa bàn toàn tỉnh.
 
Trước đây, chức năng điều khiển từ xa, giám sát các TBA chỉ giới hạn ở khả năng thao tác đơn giản như đóng cắt máy, còn lại các thao tác vận hành khác đều thực hiện thủ công trên thiết bị. Nghĩa là thiết bị không đồng bộ, không có hệ thống tích hợp thông tin và xử lý cảnh báo chung đặt ra sự cần thiết phải kịp thời nâng cao năng lực vận hành bằng các hệ thống điều khiển tích hợp máy tính, nâng cao năng lực của các vận hành viên về chuyên môn và nghiệp vụ, kỹ năng thao tác xử lý trên máy tính….
 
Với 21 TBA 110 kV có tổng công suất đặt là 1.599 MVA, trong đó 20 trạm đã kết nối về Trung tâm điều khiển xa (TTĐKX), 17 TBA đã điều khiển xa theo tiêu chí không người trực và 03 TBA đang thực hiện điều khiển xa có người giám sát tại chỗ; còn lại 01 TBA chưa đưa vào vận hành. Các Trạm được thiết kế và xây dựng theo tiêu chí không người trực, gồm nhiều tính năng hiện đại như: Hệ thống điều khiển, hệ thống camera giám sát an ninh, giám sát thao tác và hệ thống báo cháy, giám sát ắc quy online…
 
Việc đưa các TBA vào điều khiển xa không người trực đã đáp ứng tối ưu hoá chi phí, giảm số lượng cán bộ, nhân viên trực vận hành tại trạm điện, là bước tiến quan trọng để hiện thực hoá mục tiêu xây dựng lưới điện thông minh trên địa bàn tỉnh.Các TBA 110 kV trước đây thường phải vận hành với chế độ trực 3 ca 4 kíp, đòi hỏi phải có ít nhất 6-8 nhân viên vận hành thay nhau trực.
 
Vì vậy việc áp dụng các thiết bị công nghệ hiện đại sẽ giảm số lượng nhân viên trực, giảm thiểu sự cố do thao tác nhầm của người vận hành, giảm thiểu đầu tư cáp và các thiết bị trung gian. Từ đó nâng cao độ tin cậy, đảm bảo tính chính xác của thiết bị, cung cấp điện an toàn liên tục, giải quyết được vấn đề quá tải. 
 
Trung tâm điều khiển xa PC Thanh Hóa có nhiệm đặc biệt quan trọng đó là theo dõi, giám sát quản lý vận hành, phân tích dữ liệu, chẩn đoán sự cố, hỏng hóc, điều độ công suất lưới điện truyền tải, phân phối, hạn chế lỗi thao tác do con người gây ra. Đội ngũ nhân lực và các kỹ sư của Trung tâm được đào tạo, kiểm tra, cấp chứng nhận vận hành, đáp ứng đủ yêu cầu thao tác và xử lý nhanh sự cố, kể cả trường hợp sự cố mất điện diện rộng, mất điện nhiều trạm biến áp.
 
Việc cập nhật các thành tựu khoa học công nghệ tự động hóa, nắm bắt xu hướng phát triển trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để áp dụng vào nâng cao độ tin cậy và hiệu quả vận hành lưới điện quốc gia trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
 
Thời gian tới, PC Thanh Hoá sẽ tiếp tục nghiên cứu, đưa vào quy hoạch, phát triển và ứng dụng lưới điện thông minh vào công tác quản lý vận hành, đây chính là chìa khóa giúp vận hành lưới điện hiệu quả, tiết kiệm chi phí và giúp Công ty khai thác điện, quản lý phân phối điện năng chính xác và phù hợp nhất, góp phần vào sự phát triển của ngành điện nói riêng và cả nước nói chung. 
 
Triển khai, mở rộng mạng lưới điện hiện đại, thông minh trong toàn tỉnh
 
Phát triển mạng lưới điện đồng bộ, hiện đại Hiện nay, lưới điện do đơn vị quản lý có 21 trạm biến áp 110 kV, 8772 trạm biến áp phân phối với tổng dung lượng 2.899MVA, cùng với 7275 km đường dây trung thế và 11.645 km đường dây hạ thế… đảm bảo cấp điện cho hơn 827 nghìn khách hàng sử dụng điện trên địa bàn. Hệ thống điện được đầu tư đồng bộ, hiện đại và thường xuyên được nâng cấp, đội ngũ cán bộ công nhân viên, lao động được đào tạo bài bản, liên tục bổ sung cập nhật các kiến thức mới để thích ứng với yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao từ trong nội tại đến ra ngoài xã hội. Từ đó PC Thanh Hóa đã cơ bản đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu về điện phục vụ phát triển sản xuất và sinh hoạt của nhân dân trong tỉnh.  
 
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 03 nhà máy Nhiệt điện, trong đó: Nhiệt điện Nghi Sơn 1 và 2 đã đi vào vận hành; dự án Nhiệt điện Công Thanh đang báo cáo Bộ Công Thương, Chính phủ chuyển sang điện khí LNG. Ngoài ra, còn có 05 hệ thống phát điện tận dụng nhiệt dư với tổng công suất 99,2MW. 
 
Về thủy điện, trên địa bàn tỉnh có 22 dự án thủy điện được Bộ Công Thương phê duyệt quy hoạch với tổng công suất khoảng 832,9MW, trong đó có 11 dự án thủy điện đã đi vào vận hành; 2 dự án đang triển khai đầu tư; 7 dự án có trong quy hoạch nhưng chưa được chấp thuận chủ trương Trên địa bàn tỉnh cũng có 03 dự án điện mặt trời đã được phê duyệt quy hoạch với tổng công suất 235MW; 3 dự án điện sinh khối đi vào vận hành, tổng công suất 47,7MW. 
 
Về hiện trạng lưới điện, trên địa bàn tỉnh hiện có tổng chiều dài đường dây 220kV là 391,6km; 04 Trạm biến áp 220kV (Bỉm Sơn, Nông Cống, Ba Chè, Nghi Sơn) với tổng công suất 1.625 MVA. Đường dây 110kV có tổng chiều dài là 812,81km…Hiện nay, Tổng Công ty điện lực Miền Bắc đang triển khai đầu tư xây dựng 24 dự án, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. 
 
Ngay từ đầu năm 2022, Công ty Diện lực Thanh Hoá đã tiếp tục phối hợp với các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền sử dụng điện tiết kiệm, bảo đảm hành lang an toàn lưới điện; đẩy mạnh các hình thức thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt; thực hiện số hóa hợp đồng mua bán điện phục vụ quản lý, khai thác thông tin khách hàng; công tác kỹ thuật, đầu tư xây dựng, chỉnh trang hệ thống lưới điện, kiểm tra giám sát, an toàn hành lang lưới điện cao áp, phòng chống cháy nổ luôn được quan tâm chú trọng.  
 
Đến nay, Công ty đã thực hiện ký kết và quản lý 819.057 hợp đồng cung cấp điện, tăng 11.347 hợp đồng so với năm 2021. Các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật được giao cơ bản đã hoàn thành; tình hình việc làm, thu nhập, đời sống của người lao động trong Công ty được đảm bảo.

Trong sự phát triển của tỉnh Thanh Hóa Công ty Điện lực Thanh Hóa và Tổng Công ty Điện lực miền Bắc có vai trò quan trọng đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh; trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Ánh sáng của điện lực đi đến đâu, đời sống dân sinh, trình độ dân trí, kinh tế - xã hội phát triển đến đó, quốc phòng – an ninh được bảo đảm. Sự phát triển của tỉnh Thanh Hóa trong những năm vừa qua luôn gắn liền với sự phát triển của ngành điện lực.           
Theo: Báo Dân sinh