Giới thiệu đơn vị

PC Vĩnh Long đóng góp tích cực phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà

Thứ sáu, 6/5/2022 | 16:04 GMT+7
Sau 30 năm tái lập tỉnh, ngành điện lực Vĩnh Long có nhiều nỗ lực và đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, góp phần vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội tỉnh nhà.

Bảo dưỡng trạm biến áp cho doanh nghiệp.

Quá trình hình thành và phát triển
 
Được thành lập từ 1/5/1975 trên cơ sở tiếp quản toàn bộ cơ sở vật chất của Trung tâm Điện lực Vĩnh Long (cũ), với nhiều tên gọi: Sở Quản lý và phân phối điện Cửu Long, Sở Điện lực Vĩnh Long, Công ty Điện lực 2 và từ 1/7/2010 đến nay là Công ty Điện lực Vĩnh Long.
 
Qua 30 năm xây dựng và phát triển, Công ty Điện lực Vĩnh Long không ngừng nghiên cứu đổi mới, huy động nguồn lực đầu tư phát triển lưới điện nhằm đảm bảo cấp đủ điện cho phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn tỉnh nhà. Sản lượng điện thương phẩm tăng trưởng liên tục qua các năm với tốc độ cao, bình quân hàng năm từ 7- 11%/năm.
 
Một trong những dấu ấn mạnh mẽ là công ty đã triển khai và thực hiện thành công chương trình điện khí hóa nông thôn, đưa điện đến các xã vùng sâu, vùng xa, góp phần thúc đẩy kinh tế- xã hội phát triển; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
 
Những năm 1990, Công ty Điện lực Vĩnh Long đã thực hiện chương trình điện khí hóa nông thôn với hàng loạt dự án, công trình đưa điện đến các xã chưa có điện. Đến năm 2015, công ty đã tiếp nhận xong tài sản lưới điện hạ áp nông thôn do Công ty CP Xây dựng và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long quản lý.
 
Từ đó, công ty tổ chức cải tạo sửa chữa lưới điện, đảm bảo cung cấp điện an toàn liên tục cho 11.876 khách hàng, tạo điều kiện cho người dân được hưởng giá bán điện theo quy định của Chính phủ và được cung cấp đầy đủ các dịch vụ của ngành điện.
 
Song song với cải tạo lưới điện, công ty còn thực hiện nhiều dự án, đã và đang hoàn thành nhiều công trình đầu tư xây dựng trọng điểm, góp phần đảm bảo quốc phòng an ninh, an sinh xã hội ở địa phương. Một số công trình trọng điểm mang dấu ấn tại địa phương đó là: công trình cấp điện trên địa bàn tỉnh bằng nguồn vốn vay Ngân hàng Tái Thiết Đức (KFW) 121 tỷ đồng, cấp điện cho 11.700 hộ dân; công trình đường dây trung thế 22kV vượt sông Cổ Chiên bằng tuyến cáp điện ngầm 22kV được nối từ khu vực Phường 5 (TP Vĩnh Long) qua xã An Bình (huyện Long Hồ), với tổng kinh phí trên 8,5 tỷ đồng; tuyến điện ngầm kết vòng vào lưới điện Bến Tre phục vụ trên 11.000 hộ ở 4 xã cù lao của huyện Long Hồ.
 
Ông Lê Tấn Tài (ngụ ấp Bình Lương, xã An Bình- Long Hồ) kể: “Năm 1994, điện kéo về cù lao nhưng chỉ sử dụng điện thắp sáng, vì lưới điện kéo từ Bến Tre nên thường xuyên bị cúp điện và cứ “chập chờn” do ở cuối nguồn. Năm 2014, khi có điện vượt sông từ Vĩnh Long qua, từ đó điện ổn định, dần dần bà con sử dụng điện phục vụ sản xuất, tưới tiêu vườn cây, chăn nuôi… Đến nay, nhà nhà đều sử dụng thiết bị điện gia dụng, rồi đến điện thắp sáng đường quê, làm cho bộ mặt nông thôn thay đổi…”.
 
Nhiều đột phá…
 
Hiện, toàn tỉnh có 143,6km đường dây cao thế; 2.215km đường dây trung thế, 3.670km đường dây hạ thế; so với năm 1992, đường dây trung thế gấp 69,2 lần, đường dây hạ thế gấp 193 lần. Số hộ dân được sử dụng điện cũng không ngừng tăng, từ 39% năm 1992 lên 99,95% vào năm 2021.
 
Về tự động hóa lưới điện, công ty đã đưa vào vận hành ổn định hệ thống điều khiển xa các trạm 110kV. Trên lưới điện trung thế 22kV hiện có 37/56 Recloser đã kết nối vận hành điều khiển thao tác đóng/cắt xa.
 
Công ty triển khai lưới điện thông minh và áp dụng hiệu quả các chức năng vận hành của LBS trên tuyến trục/nhánh rẽ phối hợp với Recloser trên tuyến trục và đầu tuyến để cô lập vùng sự cố nhằm tái lập điện cho phụ tải thuộc vùng bị ảnh hưởng trong thời gian sớm nhất, giảm thiểu phạm vi mất điện nhằm nâng cao độ tin cậy cung cấp điện.
 
Bên cạnh đó, công ty triển khai công tác chăm sóc khách hàng, hoạt động 24/24h, sẵn sàng giải đáp mọi thắc mắc của khách hàng sử dụng điện. Công ty hợp tác với các ngân hàng và tổ chức trung gian triển khai dịch vụ thu hộ tiền điện, khách hàng sử dụng điện có thể thanh toán mọi lúc mọi nơi, qua nhiều kênh…
 
Sử dụng công nghệ đo ghi từ xa để ghi chỉ số điện, lắp đặt, khảo sát cho khách hàng lắp công tơ mới bằng máy tính bảng. Để nâng cao hơn nữa sự thuận lợi, minh bạch trong việc cung cấp các dịch vụ điện đến khách hàng, công ty đã cung cấp dịch vụ điện trực tuyến...
 
Chị Trần Thanh Thùy- Nhà máy xay xát Song Hồ (ấp Phước Lộc Thọ, xã Bình Phước- Mang Thít) chia sẻ: “Trước kia xay lúa bằng động cơ máy nổ kéo cối xay, năng suất rất kém, chi phí lại cao. Từ khi có nguồn điện ổn định, gia đình đầu tư máy xay xát hiện đại, sử dụng điện, tăng công suất từ đó năng suất tăng lên 10 lần, bình quân mỗi giờ xay được 40 tấn lúa.
 
Ngành điện rất quan tâm chăm sóc khách hàng, thường kiểm tra an toàn và vệ sinh bình hạ thế điện theo định kỳ cho doanh nghiệp, miễn phí. Khi có sự cố điện, ngành điện đến khắc phục ngay, hạn chế gián đoạn việc sản xuất…”.
 
Ông Cù Tấn Tài- Phó Giám đốc Công ty Điện lực Vĩnh Long, cho biết: “Giai đoạn 2021- 2025, tổng nguồn vốn cho đầu tư phát triển lưới điện trên 1.830 tỷ đồng, trong đó đầu tư cho lưới điện 110kV và lưới phân phối 22kV. Các công trình nâng công suất các trạm biến áp 110kV nhằm đáp ứng phụ tải các khu, cụm tuyến công nghiệp của tỉnh, như: khu công nghiệp Hòa Phú (giai đoạn 3); khu công nghiệp Bình Minh (giai đoạn 2); các cụm tuyến công nghiệp cũng đang xây dựng...”.

Link gốc
Theo: Báo Vĩnh Long