Nghiệm thu tĩnh hệ thống dự án Smart Grid tại TBA 500kV Pleiku.
Ông Phùng Vinh – Trưởng phòng Kỹ thuật Truyền tải điện Gia Lai trực thuộc PTC3 cho biết: Hiện tại trên lưới điện do Truyền tải điện Gia Lai quản lý vận hành đang triển khai đồng thời 06 dự án đầu tư xây dựng do Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) làm chủ đầu tư, bao gồm: Dự án Trang bị đồng bộ các thiết bị trên lưới điện để đảm bảo vận hành an toàn và tin cậy tại TBA 500kV Pleiku; Dự án Nâng cấp hệ thống điều khiển bảo vệ các TBA 500kV và 220kV khu vực miền Trung (Smart Grid) tại TBA 500kV Pleiku; Dự án Nâng công suất TBA 500kV Pleiku 2 (giai đoạn 2); Dự án đường dây 220kV Pleiku 2 – Krông Buk (mạch 2); Dự án lắp máy biến áp số 2 tại TBA 220kV Chư Sê và dự án TBA 220kV An Khê và đấu nối.
Theo kế hoạch các dự án này sẽ hoàn thành nghiệm thu đưa vào vận hành cuối năm 2023 và trong năm 2024. Dự kiến đến cuối năm 2024 quy mô lưới điện Truyền tải điện Gia Lai bao gồm: 02 Trạm biến áp 500kV; 02 TBA 220kV với tổng dung lượng MBA 220/500kV là 3900MVA (tăng 01 TBA và dung lượng MBA tăng 21,8%); 334,198 km đường dây 500kV và 506,459 km đường dây 220km (đường dây 220kV tăng 14,5%).
Công trường thi công dự án TBA 220kV An Khê và đấu nối.
Hiện nay song song với nhiệm vụ quản lý vận hành lưới điện truyền tải, Truyền tải điện Gia Lai đồng thời triển khai tăng cường nhân lực để phối hợp các đơn vị thi công thực hiện công tác theo dõi, giám sát, nghiệm thu để đảm bảo chất lượng công trình, tiếp nhận đưa vào vận hành theo đúng quy định.
Việc giám sát nghiệm thu để tiếp nhận vận hành các công trình đầu tư xây dựng là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Đặc biệt là các dự án đầu tư mở rộng ngăn lộ, thay thế thiết bị trong Trạm biến áp, dự án cải tạo nâng cấp có liên quan đến các mạch nhị thứ hiện hữu đang vận hành tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây sự cố lưới điện. Do đó quá trình triển khai Truyền tải điện Gia Lai thường xuyên cử cán bộ kỹ thuật, nhân viên có chuyên môn tay nghề để phối hợp với các đơn vị thi công từ khâu khảo sát lập biên bản hiện trường, góp ý phê duyệt phương án thi công và giám sát nghiệm thu đảm bảo chất lượng trước khi đưa vào vận hành.
Hiện tại dự án “Nâng cấp hệ thống điều khiển bảo vệ các Trạm biến áp 500kV và 220kV khu vực miền Trung (Smart Grid)” đang triển khai tại Trạm biến áp 500kV Pleiku sẽ chuyển đổi phương thức điều khiển từ trạm truyền thống sang điều khiển tích hợp hoàn toàn. Thay thế toàn bộ các tủ điều khiển, bảo vệ, cáp nhị thứ hiện hữu bằng thiết bị mới lắp đặt tại nhà BayHousing, trong đó sử dụng lại các rơle bảo vệ đáp ứng được kết nối truyền thông, thay thế các rơle không đảm bảo tiêu chuẩn IEC61850 và bổ sung BCU cho các ngăn lộ theo quy định.
Tăng cường kiểm tra, vệ sinh bảo dưỡng thiết bị đảm bảo vận hành.
Dự án Smart Grid hiện tại đã cơ bản hoàn thành công tác xây dựng hệ thống phòng cháy chữa cháy, các nhà Bayhousing và hệ thống mương cáp. Công tác kéo rải cáp nhị thứ, lắp đặt tủ bảng tại 13 nhà BAY và thí nghiệm, nghiệm thu tĩnh không điện phần 220, 110kV đã hoàn thành. Từ đầu tháng 9.2023 đã triển khai cắt điện thi công chuyển hệ thống phân phối 110kV sang vận hành trên hệ thống điều khiển tích hợp.
Công tác thi công chịu áp lực lớn về thời gian cắt điện các ngăn lộ hạn hẹp, quá trình thi công phải tách các phần mạch nhị thứ ra khỏi hệ thống hiện hữu và chuyển đấu nối sang hệ thống mới, cũng như cải tạo, bổ sung thêm một số mạch để tăng độ tin cậy trong thời gian thi công chuyển đấu nối. Nhận thấy được các khó khăn này, Ban Giám đốc Truyền tải điện Gia Lai, Phòng kỹ thuật đã cùng với Trạm tăng cường công tác chỉ đạo, trực tiếp kiểm tra, rà soát và đề ra phương án thi công đảm bảo an toàn.
Trưởng phòng Kỹ thuật Truyền tải điện Gia Lai cho biết thêm: Về phần đường dây hiện đang triển khai dự án đường dây 220kV Pleiku 2 – Krông Búk (mạch 2) ngoài phần thi công ngăn lộ trong Trạm biến áp 500kV Pleiku 2 đã hoàn tất công tác xây dựng và chuyển sang lắp đặt thiết bị nhất thứ, nhị thứ.
Phần đường dây từ Trạm biến áp 500kV Pleiku 2 đến Trạm biến áp 220kV Krông Buk có tổng chiều dài 119,93km trong đó chiều dài tuyến đi trên địa bàn tỉnh Gia Lai là 64,15km từ vị trí cột cổng - 220kV Trạm biến áp 500kV Pleiku 2 đến vị trí G14-01 (có 148 vị trí) qua 4 huyện, thành phố (TP.Pleiku; huyện Chư Prông, Chư Sê, Chư Pưh) trải dài qua 11 xã (thị trấn).
Thi công móng trụ đường dây 220kV Pleiku 2 - Krông Buk (mạch 2).
Để đảm bảo đóng điện thông tuyến vào quý II/2024 theo kế hoạch, hiện tại chủ đầu tư, đơn vị thi công gấp rút thực hiện giải phóng, bàn giao mặt bằng song song với công tác thi công. Đối với đường dây này có 39 vị trí với chiều dài 18,77km trùng tim tuyến với đường dây 220kV Pleiku 2 – Krông Búk (mạch 1). Trong thực tế, vận hành đường dây 220kV Pleiku 2 – Krông Búk (mạch 1) có ý nghĩa hết sức quan trọng trong liên kết lưới điện 220kV Gia Lai – Đăk Lăk và đảm nhận vai trò giải phóng công suất của các cụm điện gió Nhơn Hòa 1 – Iale – Cư Né cũng như tiếp nhận công suất từ lưới 110kV lên lưới 220kV thông qua Trạm biến áp 220kV Chư Sê.
Việc cắt điện dài ngày đường dây 220kV Pleiku 2 – Krông Búk (mạch 1) để thi công cải tạo 39 vị trí trùng tim tuyến đường dây mạch 1 thành đoạn tuyến 2 mạch là một thách thức lớn cần sự phối hợp giữa chủ đầu tư, đơn vị quản lý vận hành, đơn vị thi công và các Trung tâm điều độ hệ thống điện, để có thể lập kế hoạch thi công tối ưu, đảm bảo vận hành lưới điện an toàn. Ngay từ khi triển khai Truyền tải điện Gia Lai đã cử đội ngũ cán bộ, nhân viên, có kinh nghiệm trong công tác giám sát thi công, ngày đêm bám sát công trường, theo dõi chặt chẽ các công đoạn như đào đúc móng trụ, thi công tiếp địa,… đảm bảo chất lượng. Kịp thời phát hiện những khó khăn, bất cập để báo cáo với cấp trên và cùng với chủ đầu tư, đơn vị thi công bàn giải pháp tháo gỡ, xử lý.
Với vai trò là đơn vị tiếp nhận vận hành sau khi hoàn thành đầu tư xây dựng, Truyền tải điện Gia Lai luôn phối hợp, hỗ trợ cùng với chủ đầu tư để giải quyết các vấn đề phát sinh nhằm đảm bảo công trình được triển khai thi công với tiến độ và chất lượng cao nhất. Trong thời gian tới Truyền tải điện Gia Lai tiếp tục nỗ lực cùng với chủ đầu tư để thực hiện công tác góp ý thi công, giám sát tiếp nhận đưa vào vận hành.
Việc đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư xây dựng đang triển khai trên địa bàn tỉnh Gia Lai có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc giải phóng công suất các nguồn năng lượng tái tạo khu vực Gia Lai – Đăk Lăk khi các nhà máy chính thức phát điện thương mại, đảm bảo lưới điện truyền tải vận hành tin cậy, đáp ứng được nhu cầu huy động công suất Bắc - Nam.