PTC4: Tiên phong trong ứng dụng công nghệ

Thứ năm, 15/11/2018 | 08:34 GMT+7
Là một trong 4 công ty truyền tải điện thuộc Tổng Công ty Truyền tải Điện Quốc gia (EVNNPT), Công ty Truyền tải Điện 4 (PTC4) đã thực hiện nhiều giải pháp đẩy mạnh ứng dụng KHCN vào sản xuất.

Image result for PTC4: Tiên phong trong ứng dụng công nghệ
PTC4: Tiên phong trong ứng dụng công nghệ

Với nhiệm vụ đảm bảo cấp điện ổn định, an toàn liên tục cho 22 tỉnh phía Nam, từ Ninh Thuận đến Cà Mau. Tính đến ngày 30/6/2018 PTC4 quản lý vận hành 1.689,38 km đường dây 500kV và 4.941,66 km đường dây 220kV, 48 trạm biến áp với tổng công suất 32.415 MVA. Sản lượng điện truyền tải năm 2018 theo kế hoạch của Công ty là 89 tỷ 700 triệu kWh, 6 tháng đầu năm 2018 sản lượng  truyền tải điện Công ty  là 43 tỷ 758 triệu kWh, bằng 48,78% kế hoạch năm và tăng 9,97% so với cùng kỳ năm 2017, cao hơn mức tăng sản lượng kế hoạch cả năm khoảng 0,94%; Tỷ lệ tổn thất chung là 1,05%; thấp hơn 0,06% so với cùng kỳ năm 2017, thấp hơn 0,08% so với kế hoạch theo từng tháng của Công ty và thấp hơn 0,09% so với chỉ tiêu Tổng công ty giao.
 
Để nâng cao năng suất lao động, hiệu quả trong sản xuất kinh doanh, phát triển bền vững, PTC4 luôn đề cao và thực hiện việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào quản lý, sản xuất. PTC4 là đơn vị tiên phong trong việc ứng dụng khoa học công nghệ vào điều khiển các trạm biến áp, tạo nền tảng cho tự động hóa và đưa công nghệ điều khiển xa, trạm không người trực vào thực tiễn…

Ngay từ năm 2001, PTC4 đã tiến hành nghiên cứu, triển khai áp dụng công nghệ điều khiển TBA bằng máy tính. Đồng thời, thành lập tổ công tác thường trực để nghiên cứu, biên soạn quy trình quản lý kỹ thuật, vận hành hệ thống điện từ xa. Thực hiện chủ trương hiện đại hóa lưới điện, PTC4 tiếp tục nghiên cứu, cải tạo nâng cấp và mở rộng trạm biến áp 220kV Thủ Đức theo hướng điều khiển xa. Đến cuối năm 2014, PTC4 đã lắp đặt thử nghiệm hệ thống Trung tâm giám sát, điều khiển xa đặt tại TBA 220kV Thủ Đức, có nhiệm vụ giám sát, điều khiển trên lưới truyền tải tại các trạm biến áp 220kV Bến Tre và Mỹ Phước. Đây là công trình đầu tiên của ngành Điện áp dụng công nghệ điều khiển tích hợp hoàn toàn, tạo bước ngoặt quan trọng trong việc chuyển đổi sang tự động hoá cao.
 
Ngoài việc đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng tự động hóa, PTC4 còn ứng dụng thành công nhiều đề tài, sáng kiến cải tiến kỹ thuật như: Cáp ngầm 220kV; thiết bị chuẩn đoán sự cố online; trụ dự phòng xử lý sự cố khẩn cấp; công nghệ hotline…. Năm 2017 với chủ đề năm “Đẩy mạnh khoa học công nghệ”, PTC4 đã tập trung nghiên cứu và ứng dụng các máy móc thí nghiệm, thiết bị đo công nghệ như thiết bị thí nghiệm hàm lượng khí hòa tan & khí cháy trong dầu tại phòng thí nghiệm hoặc trực tuyến (online) giúp chẩn đoán chính xác tình trạng máy biến áp để có biện pháp ngăn ngừa xử lý tránh sự cố MBA. Hay Công ty đã tự thiết lập và ứng dụng IRIG-B đồng bộ thời gian, ứng dụng Flycam trong quản lý vận hành, ứng dụng dây tổn thất thấp Low Loss, ứng dụng trung tâm điều khiển xa, thử nghiệm sơn phủ cách điện thiết bị 500kV, ứng dụng thiết bị định vị điểm sự cố…
 
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực luôn được PTC4 xác định là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt, đáp ứng yêu cầu phát triển của Công ty thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0. Công ty đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp đổi mới và đồng bộ công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực theo hướng coi trọng phát triển năng lực và phẩm chất của người lao động. Chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ quản lý kỹ thuật - vận hành, công nhân lành nghề. Với tổng số cán bộ, công nhân viên, lao động là 1.832 người, trong đó có 01 tiến sỹ, 43 thạc sỹ, 812 kỹ sư/cử nhân.

Hàng năm, Công ty đã phối hợp với các đối tác, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước mở các lớp đào tạo chuyên sâu về kỹ thuật, quản lý, vận hành, sửa chữa, công nghệ mới. Đồng thời, không ngừng cập nhật và ứng dụng công nghệ tiên tiến trong vận hành, thí nghiệm chuẩn đoán, bảo dưỡng, sửa chữa lưới điện. Công ty đang có chương trình liên kết với trường ĐH Bách khoa TP.HCM và một số đơn vị cùng ngành để nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực và sản xuất. Đi liền với đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng nguồn nhân lực, lãnh đạo PTC4 còn chú ý sắp xếp công việc phù hợp với trình độ nghiệp vụ chuyên môn của họ nhằm nâng cao năng suất lao động, hiệu quả công tác và ổn định thu nhập cho cán bộ, công nhân lao động.
Theo: Tạp chí Công Thương