Sự kiện

Phát triển lưới điện thông minh: Tiềm năng mới về dịch vụ cung ứng điện

Thứ ba, 23/4/2013 | 08:36 GMT+7
Hạn chế lớn nhất của lưới điện truyền thống hiện nay là quá trình truyền tải điện chỉ đi 1 chiều từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ, vì vậy, người dùng không biết được lượng điện đã tiêu thụ để điều chỉnh hành vi sử dụng điện của mình.



Khó khăn nhất trong việc triển khai LĐTM là thiếu vốn. Ảnh minh họa: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Bên cạnh đó, lưới điện truyền thống kém linh hoạt với thay đổi của khí hậu, khó đáp ứng tình trạng quá tải. Khi xảy ra sự cố, phải mất khá nhiều thời gian để tìm nguyên nhân và xử lý. Điều này  gây tổn thất và phiền hà không ít cho khách hàng.

Vì vậy, việc xây dựng lưới điện thông minh (LĐTM) là vô cùng cần thiết.

Kỳ 1: Triển vọng và thách thức

Tiện lợi, tiết kiệm

Xét về bản chất, LĐTM là lưới điện truyền thống được hiện đại hóa trên nền tảng công nghệ thông tin với hệ thống quản lý và cách sử dụng tiên tiến. Nhờ đó, giảm chi phí sản xuất truyền tải nhờ nâng cao hiệu suất sử dụng lưới điện và khai thác các nguồn điện thay thế, tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường. “Nhà điện” có thể trực tiếp kết nối với khách hàng một cách chặt chẽ và cung cấp cho khách hàng các thông tin thời gian thực chuyên sâu hơn, điều mà cả ngành công nghiệp còn đang thiếu.

Yêu cầu của LĐTM là phải tận dụng tốt cơ sở hạ tầng, tích hợp hiệu quả với thiết bị điện, giảm chi phí vận hành, tăng cường hiệu suất và khả năng bảo trì, tự phục hồi khi có sự cố. Giúp khách hàng cập nhật thông tin chính xác giá điện từ nhiều nhà cung cấp và tỷ lệ tiêu thụ điện của thiết bị để chủ động kiểm soát năng lượng và lựa chọn nhà cung cấp. Thông báo kịp thời cho nhà sản xuất về chất lượng điện, thiết bị, tình trạng và vị trí hư hỏng, nhiệt độ, tình hình tiêu thụ... Vào giờ cao điểm, nhà sản xuất có thể phát tín hiệu giảm tải khẩn cấp để khách hàng giảm bớt một số ứng dụng không cần thiết. LĐTM còn giúp ngành  điện tiết kiệm hàng ngàn tỉ đồng mỗi năm nhờ vận hành lưới một cách tối ưu, cung cấp dữ liệu để đánh giá tốt hơn tình trạng tổn thất điện năng, từ đó xác định giải pháp để giảm tổn thất hiệu quả, nhất là tổn thất phi kỹ thuật.

Còn nhiều rào cản

 Theo ông Nguyễn Tấn Lộc – Phó Tổng Giám đốc EVN, khó khăn nhất trong việc triển khai LĐTM là thiếu vốn. Quy hoạch Ðiện VII, giai đoạn 2011-2020 cũng dự kiến vốn đầu tư cho toàn ngành điện cần khoảng 930 nghìn tỷ đồng (48,8 tỷ USD), giai đoạn 2021-2030 cần 75 tỷ USD. Đây là bài toán rất nan giải hiện nay.

Mặt khác, cần phải có hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh như hệ thống đo đếm, hệ thống thông tin điện lực, phần mềm điều khiển. Khó là ở chỗ, muốn hoàn thiện hệ thống điều khiển phụ tải tự động, trước hết phải hoàn thiện hệ thống phân phối điện quốc gia, nhất là các lưới phân phối điện từ 0,4 - 35kV.  Tuy nhiên, lưới điện này hầu hết cũ nát, chưa đồng bộ, không đáp ứng nhu cầu.

Đặc biệt, hai thách thức lớn nhất của hệ thống điện Việt Nam hiện nay là thiếu hụt điện trong mùa hè và nghẽn điện trong giờ cao điểm. Giải pháp duy nhất hiện nay là xây dựng thêm nhà máy điện nhưng rất tốn kém và lại đẩy chi phí điện cao thêm.

Bên cạnh đó, công tác dự báo nguồn điện còn kém, hạ tầng công nghệ chưa đồng bộ, năng lực quản lý và thiết bị vận hành kém khiến các công ty điện lực khó có thể lập ra được một kế hoạch cung cấp điện theo khả năng cung/cầu trong một khoảng thời gian cụ thể. Cơ sở pháp lý cho việc triển khai các ứng dụng lưới điện thông minh còn thiếu; mối quan hệ giữa nhà máy điện, đơn vị phân phối và người sử dụng còn thiếu bình đẳng và chưa được gắn kết.

LÐTM với công nghệ tự động điều chỉnh phụ tải có thể tiết kiệm được từ 20-25% nguồn năng lượng. Đây cũng là công cụ cơ bản để vận hành thị trường điện trong tương lai.

(Còn nữa)

 
Khánh Chi/Icon.com.vn