Lễ khánh thành công trình cấp điện cho xã đảo Thiềng Liềng.
Đó là ước mong không chỉ của lãnh đạo UBND TPHCM mà là tâm nguyện của bà con ấp đảo Thiềng Liềng trong suốt thời gian qua.
Là ấp đảo cuối cùng của TPHCM chưa có điện lưới quốc gia, trước năm 2011, đời sống của bà con gặp rất nhiều khó khăn bởi tất cả nguồn ánh sáng sinh hoạt chỉ từ những ngọn đèn dầu. Từ tháng 1/2011, được sự quan tâm của lãnh đạo UBND Thành phố cùng với Tổng Công ty Điện lực TPHCM, ấp đảo Thiềng Liềng đã được thắp sáng bởi công trình Điện năng lượng mặt trời với dự án 15 tỷ đồng đủ lượng điện cho sinh hoạt tối thiểu cho các hộ dân nơi đây.
Tuy nhiên theo chị Đinh Thị Mỹ Dung, tổ 41, ấp đảo Thiềng Liềng, mặc dù nguồn sáng từ điện năng lượng mặt trời đã đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt của các hộ dân nhưng lại phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Trong những ngày nắng lượng điện có thể đủ cho sinh hoạt, còn những ngày mưa gần như bà con không thể sử dụng được những thiết bị sinh hoạt tối thiểu như ti vi, tủ lạnh và thậm chí ánh sáng cũng rất chập chờn.
Chính từ những yêu cầu bức thiết đó của bà con cũng như để thực hiện mục tiêu phủ kín lưới điện quốc gia 100% trên địa bàn TPHCM, tạo điều kiện thuận lợi để cộng đồng dân cư phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, Tổng Công ty Điện lực TPHCM đã quyết tâm thực hiện công trình xây dựng mới lưới điện 24 kV xuyên rừng và vượt biển với kinh phí 51 tỷ đồng nhằm cung cấp điện cho toàn bộ ấp đảo Thiềng Liềng.
Ông Nguyễn Ngọc Ẩn, Giám đốc Công ty điện lực Duyên Hải cho biết, công trình được Tổng Công ty Điện lực TPHCM phê duyệt từ tháng 11/2015, chỉ sau 4 tháng thực hiện với khối lượng công việc rất lớn: Kéo 6.646 mét đường cáp ngầm trung thế; 3.000 mét đường dây nối trung thế; 5.000 mét đường dây hạ thế cáp ACB và cấp điện qua 4 trạm biến thế (4X150 kVA) với tổng công suất 600 kVA; lắp đặt 200 điện kế cho bà con đúng vào dịp cả nước tưng bừng kỷ niệm 41 năm ngày thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2016).
Chia sẻ niềm vui có điện phục vụ cho đời sống sinh hoạt và sản xuất, ông Nguyễn Hồng Quỳnh, chủ vựa muối (một trong những nghề chính của bà con nông dân tại ấp đảo Thiềng Liềng) cho rằng "Tất cả như một giấc mơ. Ánh sáng của điện lưới quốc gia đã thay đổi cuộc sống của bà con chúng tôi. Từ nay, không những chúng tôi có đủ công suốt điện để phục vụ cuộc sống mà cao hơn, thiết thực hơn là bà con nông dân chúng tôi đã có điều kiện để phát triển sản xuất".
“Đơn cử như vựa muối của gia đình tôi, trước đây với 3 ha sản xuất muối cho hơn 70 tấn muối, tiền mua máy phát điện, xăng dầu chạy máy phát để bơm nước biển vào ruộng muối chiếm từ 15-20% chi phí nên lợi nhuận sau một vụ chẳng còn là bao. Từ nay, với nguồn điện có sẵn, dự kiến chỉ tốn 5-7% chi phí bơm nước. Như vậy, vụ muối tới chắc chắn sẽ lãi hơn nhiều so với trước đây. Đặc biệt, tôi có thể tính đến phương án mở rộng thêm 1-2 ha sản xuất muối và dự kiến sẽ nuôi thêm thủy sản”, ông Quỳnh hồ hởi nói.
Phát biểu tại lễ đóng điện cho bà con ngày 29/4, ông Lê Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho rằng, công trình đưa vào sử dụng không chỉ đem ánh sáng đến cho bà con, góp phần bảo đảm nguồn điện cung cấp ổn định, liên tục, tạo điều kiện thuận lợi để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, mà mục tiêu lâu dài hơn là phải sử dụng nguồn điện đó để phát triển kinh tế của các hộ dân nơi đây.
“Không xem đã xong nhiệm vụ, các cấp ủy Đảng, chính quyền Thành phố, huyện Cần Giờ và xã Thạnh An càng phải trăn trở nhiều hơn nữa, phát huy nguồn điện đó cho bà con hướng sản xuất mới. Nuôi con gì, sản xuất cái gì để đem lại hiệu quả, thu nhập cao hơn cho bà con nông dân, từ đó nâng cao thu nhập và chất lượng sống cho bà con, đó mới chính là mục đích mà chính quyền Thành phố mong đợi”, ông Khoa nhấn mạnh.