Phố Wall lại chịu áp lực bán tháo

Thứ tư, 30/9/2009 | 16:19 GMT+7
Thất vọng từ việc chỉ số lòng tin người tiêu dùng giảm, đồng đôla mạnh lên, cùng giá cổ phiếu ngành công nghệ đang ở mức cao nhất trong vòng 1 năm, nhà đầu tư lại đua nhau bán tháo cổ phiếu.
Sau phiên thăng hoa liền trước với biên độ theo ngày tốt nhất kể từ đầu mua hè, sàn chứng khoán Mỹ lại quay đầu giảm điểm. Nhà đầu tư tỏ ra thận trọng khi các số liệu về sức khỏe kinh tế Mỹ được công bố trong thời gian qua mang những thông điệp trái chiều.

Báo cáo của Conference Board cho biết, chỉ số lòng tin của người tiêu dùng Mỹ bất ngờ giảm xuống 53,1 điểm trong tháng 9, so với mốc 54,5 điểm trong tháng 8, khi trước đó phố Wall kỳ vọng chỉ số này sẽ phá ngưỡng 57 điểm. Trong khi đó, mặt bằng giá nhà đất tại Mỹ được hãng Standard & Poor thu thập và phân tích, tiếp tục phục hồi tháng thứ ba liên tiếp trong tháng 7, với đà tăng tốt nhất trong gần 4 năm qua.

Áp lực chốt lời đè giá hầu khắp các mã cổ phiếu, tuy nhiên, lực cầu vững tại nhóm ngân hàng và dược phẩm giúp thu hẹp biên độ điều chỉnh của thị trường vào cuối ngày. Đóng cửa ngày giao dịch, chỉ số Dow Jones Industrial hạ 47,16 điểm, tương ứng 0,5%, xuống ngưỡng 9.742,2 điểm. Standard & Poor 500 thoái lui 0,2%, đóng cửa tại 1.060,61 điểm. Cổ phiếu ngành bật động sản thu hút được sự chú ý của nhà đầu tư trong số 10 nhóm ngành thuộc chỉ số này.

Trên sàn công nghệ, sự đuối sức của các tên tuổi lớn trong ngành sản xuất máy tính, chip, như Dell, Intel hay Microsoft, đẩy chỉ số tổng hợp Nasdaq Composite xuống 0,3%, lùi về mốc 2.124,04 điểm. Trên thị trường New York, cứ 8 mã cổ phiếu xuống giá thì có 7 mã tăng, thanh khoản tiếp tục duy trì ở mức thấp.

Trong khi đó, chứng khoán châu Á bứt phá khỏi vùng đáy 2 tuần. Cổ phiếu các doanh nghiệp xuất khẩu đóng vai trò đầu tàu dẫn dắt thị trường sau khi đồng đôla lên giá so với các đồng nội tệ khác trong khu vực. Tâm lý nhà đầu tư ổn định trở lại sau phiên bán tháo trước đó một ngày, tín hiệu bắt đáy cũng bắt đầu xuất hiện khi mặt bằng giá cổ phiếu đã xuống những ngưỡng hấp dẫn.

Chốt phiên, chỉ số tổng hợp 23 hàn thử biểu khu vực MSCI tăng 1%, lên 117,07 điểm, chấm dứt chuỗi 3 phiên mất điểm liên tiếp với 2,4% giá trị bốc hơi. Tính từ mức đáy được thiết lập ngày 9/3, chỉ số này đã phục hồi 66%.

Tại Tokyo, cổ phiếu các doanh nghiệp sản xuất ôtô được nhà đầu tư tích cực thu gom do dự báo doanh số bán xe quý III khả quan tại các thị trường mới nổi khu vực châu Á. Phong vũ biểu Nikkei 225 phục hồi 0,9%, đóng cửa tại 10.100,2 điểm, khối lượng giao dịch giảm khoảng 20% so với mức trung bình của tuần trước. Cổ phiếu nhà môi giới chứng khoán lớn nhất Nhật Bản Nomura Holdings tăng 4,4% - lần đầu tiên trong 10 phiên gần đây.

Bầu không khí lạc quan bao trùm trên hầu hết các sàn cổ phiếu trong khu vực. Hàn thử biểu Hang Seng của Hong Kong dẫn đầu đà thăng hoa trong nhóm 8 chỉ số có mức vốn hóa lớn nhất châu Á, khi đóng cửa dương 2,1%. Các kim chỉ nam chứng khoán từ Australia sang Singapore, Hàn Quốc, và Ấn Độ cùng lần lượt ghi điểm trong khoảng từ 1,5% đến 0,9%. Riêng phong vũ biểu Shanghai Composite của Trung Quốc đi xuống 0,3% vào chung cuộc, làn sóng chốt lời trước kỳ nghỉ lễ dài ngày tiếp tục là nguyên chính kéo chậm đà phục hồi của sàn chứng khoán Thượng Hải.

Chứng khoán châu Âu cũng gắng gượng đi lên phiên thứ hai liên tiếp. Có 11 trong số 18 hàn thử biểu thuộc khu vực Eurozone bật xanh, theo đó, giúp chỉ số tổng hợp DJ Stoxx 600 nhích thêm 0,2%, leo lên 243,59 điểm. Cổ phiếu các ngân hàng vẫn giữ được vai trò chủ đạo dẫn dắt đà phục hồi chung toàn thị trường, nhờ hiệu ứng từ việc, đại bộ phận nhà đầu tư tán thành với kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu nhằm huy động mới 6,3 tỷ đôla của ngân hàng lớn nhất nước Pháp BNP Paribas để trả các khoản vay từ chính phủ.

Đi ngược với diễn biến chung của khu vực, nhóm 3 sàn chứng khoán chủ chốt gồm Anh, Pháp, Đức lại quay đầu mất điểm nhẹ vào chung cuộc. Tại London, chỉ số FTSE 100 thoái lui 0,1%, trong khi đó, tại Paris và Berlin, CAC 40 và DAX 30 lần lượt xuống 0,3% và 0,4%.
Theo: VnExpress