Phố Wall phục hồi nhờ cổ phiếu năng lượng

Thứ năm, 5/3/2009 | 15:00 GMT+7

Ngày 4/3, cổ phiếu khối năng lượng, khai mỏ tăng mạnh nên đã giúp Phố Wall phục hồi trở lại.

Hôm thứ Tư, Viện Quản lý Nguồn cung (ISM) cho biết, chỉ số ngành dịch vụ trong tháng 2/2009 đã giảm xuống 41,6 điểm - cao hơn so với mức dự báo 41 điểm của giới phân tích, từ 42,9 điểm trong tháng 1/2009.
 
Chỉ số này nếu ở dưới ngưỡng 50 điểm thì được cho là tăng trưởng âm. Ngành dịch vụ vốn chiến 80% hoạt động kinh tế ở Mỹ, bao gồm các lĩnh vực kinh doanh như ngân hàng, hàng không, khách sạn và nhà hàng.
 
Cùng ngày, ADP Employer Services cho biết, giới chủ tư nhân ở Mỹ đã cắt giảm 697.000 việc làm trong tháng 2/2009 - mức cao nhất kể từ năm 2001. Trong tháng 1/2009, giới chủ tư nhân ở Mỹ đã cắt giảm 614.000 việc làm (số liệu đã được điều chỉnh).
 
Trong một diễn biến đáng chú ý trong ngày, chính quyền Tổng thống Obama đã khởi động chương trình nhằm giúp 9 triệu người vay tiền mua nhà đang gặp khó khăn có thể tiếp tục ở lại nhà của họ.
 
Theo đó, kế hoạch này sẽ giúp những người vay tiền mua nhà được đảo nợ khi đến hạn và bù lãi suất các khoản vay mua nhà, qua đó sẽ kéo dài thời gian trả nợ và giảm gánh nặng về mức lãi suất phải trả hàng tháng.
 
Kế hoạch này có giá trị 75 tỷ USD, đồng thời, hai tập đoàn đang được kiểm soát bởi Bộ Tài chính Mỹ - Fannie Mae và  Freddie Mac sẽ được nhận khoản hỗ trợ lên đến 200 tỷ USD/tập đoàn để có thể thực hiện kế hoạch giúp 9 triệu gia đình ở lại nhà của mình.
 
Cổ phiếu General Electric là tâm điểm
 
Ngày 4/3, tập đoàn bán sỷ lớn nhất ở Mỹ, Costco Wholesale công bố lợi nhuận ròng trong quý 2 năm tài khóa 2009 kết thúc ngày 15/2/2009 đạt 239,7 triệu USD, tương đương 55 cent/cổ phiếu, giảm 27% so với cùng kỳ năm trước.
 
Kết thúc ngày giao dịch, cổ phiếu Costco Wholesale (Nasdaq-COST) đã tăng 0,29% lên 40,81USD - giảm 22,26% so với đầu năm 2009.
 
Trong ngày, cổ phiếu của General Electric (GE) được xem là tâm điểm khi giới đầu tư, đặc biệt là quỹ đầu tư tiếp tục mất niềm tin vào cổ phiếu này sau khi hãng công bố cắt giảm cổ tức và những lo ngại về sự thua lỗ dẫn đến việc phải tăng vốn của công ty con GE Capital.
 
Thị giá cổ phiếu của GE có lúc đã xuống dưới 6 USD/cổ phiếu, nên càng thúc đẩy các quỹ đầu tư (vốn giữ cam kết với cổ đông không nẵm giữ cổ phiếu có thị giá dưới 5 USD/cổ phiếu) bán tháo cổ phiếu.
 
Nhiều năm trước đó, thị giá cổ phiếu GE luôn suy trì trong biên độ từ 30 đến hơn 40 USD/cổ phiếu, giá trị vốn hóa thị trường luôn ở vị trí thứ hai trên sàn chứng khoán Mỹ, sau Exxon Mobil.
 
Tuy nhiên, kết thúc phiên giao dịch, cổ phiếu GE giảm 4,6% xuống còn 6,69 USD/cổ phiếu – giảm 79% so với cùng kỳ năm ngoái, giá trị vốn hóa thị trường còn 70,65 tỷ USD.
 
Từng xếp vị trí thứ hai với giá trị vốn hóa thị trường xấp xỉ 400 tỷ USD, sau hơn 1 năm, giá trị vốn hóa thị trường của GE xuống dưới 100 tỷ USD, xếp sau Exxon Mobil (326 tỷ USD), Wal Mart Stores (190 tỷ USD), Microsoft (143 tỷ USD)...
 
Chứng khoán Mỹ đã tăng điểm trở lại, kết thúc chuỗi 5 phiên giảm điểm trước đó. Thị trường tăng điểm nhờ kế hoạch hỗ trợ thị trường bất động sản của chính quyền tổng thống Obama.
 
Bên cạnh đó, kế hoạch kích thích kinh tế của Trung Quốc đã giúp giá hàng hóa cơ bản tăng vọt nên đã thúc đẩy giới đầu tư mua cổ phiếu khối năng lượng và khai mỏ.
 
Cổ phiếu của nhà xuất khẩu máy móc, thiết bị cho ngành khai mỏ, Caterpillar đã tăng vọt 13,2%, qua đó góp phần giúp chỉ số Dow Jones tăng mạnh.
 
Cổ phiếu khối năng lượng, khai mỏ đã tăng mạnh, trong đó cổ phiếu Chevron (NYSE-CVX) tăng 2,7%, cổ phiếu Exxon Mobil tăng 2%; cổ phiếu nhà sản xuất nhôm lớn nhất ở Mỹ, Alcoa tăng 12,84%, cổ phiếu Freeport-McMoRan Copper & Gold (NYSE-FCX) tiến thêm 13,4%.
 
Điểm đáng chú ý, cổ phiếu ngành tài chính là khối duy nhất giảm điểm trong 10 nhóm ngành trong chỉ số S&P khi giảm 0,8%, trong đó cổ phiếu JPMorgan Chase hạ 8,1%, cổ phiếu Citigroup mất 7,38%, cổ phiếu Bank of America giảm 1,64%...
 
Điểm qua kết quả giao dịch ngày 4/3: chỉ số Dow Jones tăng 149,82 điểm, tương đương 2,23%, chốt ở mức 6.875,84.
 
Chỉ số Nasdaq phiên này lên 32,73 điểm, tương đương 2,48%, chốt ở mức 1.353,74.
 
Cuối cùng, chỉ số S&P 500 tiến thêm 16,54 điểm, tương đương 2,38%, đóng cửa ở mức 712,87.
 
Khối lượng giao dịch trên sàn New York đạt 1,8 tỷ cổ phiếu, thị trường cứ có 4 cổ phiếu tăng điểm thì có 1 cổ phiếu giảm điểm. Khối lượng giao dịch thành công trên sàn Nasdaq đạt 2,36 tỷ cổ phiếu, thị trường cứ có 2 cổ phiếu lên điểm thì có 1 cổ phiếu mất điểm.
 
Chứng khoán châu Âu khởi sắc sau 4 phiên giảm điểm

 
Chứng khoán châu Âu đã lên điểm nhờ hy vọng về kế hoạch kích thích kinh tế của Trung Quốc, nhà đầu tư đã tăng mạnh lượng mua cổ phiếu khối khai mỏ, xây dựng và năng lượng.
 
Cổ phiếu khối khai mỏ đã dẫn đầu về biên độ tăng điểm, trong đó cổ phiếu Rio Tinto tăng 14%, cổ phiếu BHP Billiton lên 12,9%, cổ phiếu ArcelorMitta tiến thêm 12,4%.
 
Giá dầu đã tăng thêm 6% nên đã giúp cổ phiếu khối năng lượng phục hồi trở lại, trong đó cổ phiếu Total lên 8,9%, cổ phiếu StatoilHydro tăng 7,7%, cổ phiếu Royal Dutch Shell lên 6,3%.
 
Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số FTSE 100 của Anh tăng 133,78 điểm, tương đương 3,81%, chốt ở mức 3.645,87. Khối lượng giao dịch đạt 2 tỷ cổ phiếu.
 
Chỉ số DAX của Đức lên 5,42%, khối lượng giao dịch đạt 35 triệu cổ phiếu. Chỉ số CAC 40 của Pháp tiến thêm 4,74%, khối lượng giao dịch đạt 219 triệu cổ phiếu.
 
Trung Quốc giúp chứng khoán châu Á khởi sắc
 
Một quan chức cao cấp của Trung Quốc đã cho biết, chính phủ nước này sẽ tăng thêm nguồn quỹ cho gói kích thích kinh tế trị giá 584,7 tỷ USD (được thông qua hồi tháng 10/2008), cho hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng, sản xuất công nghiệp...
 
Ngay sau khi thông tin được phát đi, thị trường chứng khoán Trung Quốc đã tăng vọt. Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Shanghai Composite tăng 126,68 điểm, tương đương 6,12%, chốt ở mức 2.198,11.
 
Ngày 4/3, Ngân hàng Trung ương Nhật thông báo chào mua trái phiếu doanh nghiệp trị giá 150 tỷ Yên (1,5 tỷ USD) nhằm tăng nguồn quỹ cho nhiều công ty để đối phó với suy thoái kinh tế.
 
Trước đó, ngày 19/2, Ngân hàng Trung ương Nhật đã lên kế hoạch chào mua số trái phiếu doanh nghiệp trị giá có 1.000 tỷ Yên từ các định chế tài chính.
 
Chứng khoán Nhật đã tăng trở lại sau hai ngày giảm điểm đầu tuần. Thị trường Nhật được hỗ trợ khi có tin Trung Quốc sắp công bố nâng nguồn quỹ dành cho gói kích thích kinh tế. Cổ phiếu của các hãng sản xuất máy móc cho xây dựng cơ sở hạ tầng đã đồng loạt tăng điểm, qua đó góp phần kéo thị trường đi lên.
 
Cổ phiếu Hitachi Construction tăng 7,4%, cổ phiếu Komatsu tiến thêm 3,1%, cổ phiếu Kubota lên 4,7%...
 
Trong ngày giao dịch, đồng Yên đã giảm 0,3% giá trị so với USD xuống 98,44 Yên/1 USD, nên đã giúp cổ phiếu của nhiều hãng xuất khẩu lớn lên điểm, trong đó cổ phiếu Honda tăng 3,5%, cổ phiếu Toyota tiến thêm 2,5%...
 
Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Nikkei 225 tăng 61,24 điểm, tương đương 0,85%, chốt ở mức 7.290,96. Khối lượng giao dịch đạt 2,1 tỷ cổ phiếu, thị trường cứ có 3 cổ phiếu tăng điểm thì có 1 cổ phiếu giảm điểm.
 
Chuyển qua thị trường khác, cơ quan thống kê Australia vừa thông báo GDP của nước này trong quý 4/2008 đã giảm 0,5% so với quý 3/3008. Đây là lần đầu tiên trong 8 năm qua, kinh tế Australia bị suy giảm, do xuất khẩu và giá nhà sụt giảm.
 
Trên thị trường chứng khoán, chỉ số ASX đã giảm 45,5 điểm, tương đương --1,43%, chốt ở mức 3.125,9.
 
Điểm qua các thị trường khác: chỉ số Taiwan Weighted của Đài Loan tăng 2,39%. Chỉ số Straits Times của Singapore lên 0,67%. Chỉ số BSE của Ấn Độ tiến thêm 0,17%. Chỉ số KOSPI của Hàn Quốc tăng 3,29%. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông lên 2,47%.
Theo: VnEconomy