Một ống khói thoát hơi nước tại nhà máy nhiệt điện Reuter ở Berlin.
Các ống và bình bạc của nó chứa một chất mà Vattenfall, công ty điều hành nhà máy cho biết có thể trở thành một thành phần quan trọng khi không còn sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Cùng với một công ty khởi nghiệp ở Thụy Điển, Vattenfall đang thử nghiệm việc sử dụng muối - mặc dù khác với loại sử dụng trên bàn ăn - để giữ nhiệt, thứ đóng góp cho phân nửa số năng lượng tiêu thụ ở Đức. Nếu nó hoạt động tốt, hệ thống cũng có thể giúp giải quyết vấn đề chung của các nguồn năng lượng tái tạo như gió và mặt trời trên thế giới.
“Đức hiện có đủ nguồn năng lượng tái tạo được lắp đặt để sản xuất gấp đôi so với nhu cầu nhưng không ở mức thường xuyên”, ông Hendrik Roeglin, người giám sát dự án lưu trữ muối cho Vattenfall trao đổi. Đối thủ tiện ích E.ON gần đây đã tính toán rằng năng lượng mặt trời và gió tạo ra tới 52 gigawatt giờ điện trong giờ nắng cao điểm vào ngày thứ hai Phục sinh. Mức tiêu thụ năng lượng của Đức tại thời điểm đó chỉ lên tới 49,5 gigawatt giờ.
Roeglin cho biết: “Với nhiều cơ sở như thế này, theo lý thuyết, bạn sẽ không cần khí đốt hay các dự phòng nhiên liệu hóa thạch khác”.
Loại bỏ hạt nhân, than và khí đốt là một cam kết đầy tham vọng đối với một quốc gia công nghiệp hóa mạnh như Đức. Chính phủ đã đặt ra thời hạn đóng cửa tất cả các nhà máy hạt nhân của đất nước là vào năm 2022 và ngừng đốt than vào năm 2038; khí đốt sẽ là công nghệ sử dụng tạm thời cho đến khi tìm ra cách có thể hoàn toàn dựa vào công nghệ tái tạo trong khoảng giữa thế kỷ này.
Kế hoạch Energiewende (hay còn được hiểu là chuyển đổi năng lượng) đang được các quốc gia khác quan tâm khi cố gắng tìm ra cách kiềm chế khí thải nhà kính và đáp ứng Hiệp định Khí hậu Paris với mục tiêu giữ mức nóng lên toàn cầu dưới 2 độ C (3,6 Fahrenheit). Các chuyên gia đồng ý rằng một loạt giải pháp công nghệ là cần thiết để thay thế nhiên liệu hóa thạch, một số đã tồn tại và một số vẫn còn đang ở giai đoạn thử nghiệm. Nhà sản xuất ô tô Tesla đã chỉ ra ở
Australia rằng, họ có thể cung cấp các hệ thống pin lithium-ion lớn để ổn định lưới điện. Tại nhà máy điện Reuter ở Berlin, nơi cung cấp nhiệt cho 600.000 hộ gia đình, giải pháp hiện nay bao gồm canxi oxit, hay còn được gọi là vôi sống.
Vattenfall và Công ty khởi nghiệp SaltX của Thụy Điển đã tận dụng một phản ứng hóa học đơn giản xảy ra khi vôi sống bị ướt: Các hạt giống muối ngấm vào nước, trở thành canxihydroxit và giải phóng một lượng nhiệt lớn trong quá trình này. Bằng cách loại bỏ nước một lần nữa - một quá trình không khác với việc nướng bánh - chất này biến trở lại thành canxi oxit.
Roeglin cho biết, quá trình này có thể hấp thụ năng lượng gấp mười lần so với nước, thứ đang được sử dụng cho các cơ sở nhiệt điện. Và không giống như các bể nước nóng từ từ hạ nhiệt theo thời gian, hệ thống có thể giữ năng lượng tồn lại trong phản ứng hóa học lâu hơn. Cần nhiệt? Chỉ cần thêm nước.
Dự án thí điểm ở Berlin hiện có thể lưu trữ đủ năng lượng để sưởi ấm cho khoảng 100 ngôi nhà. Nhưng SaltX nói rằng, cơ sở này có thể dễ dàng được nhân rộng và cung cấp nhiệt cho bất kỳ ngôi nhà hoặc văn phòng nào được kết nối với hệ thống sưởi ấm của quận trong Berlin.