Dồn sức cho các dự án điện mặt trời nối lưới được hưởng giá mua ưu đãi

Thứ hai, 13/5/2019 | 15:05 GMT+7
4 tháng đầu năm, đã có 18 nhà máy điện mặt trời với tổng công suất là 850 MW vào vận hành. Dự kiến, từ nay đến ngày 30/6/2019 sẽ có thêm 75 nhà máy điện mặt trời với tổng công suất khoảng 4.000 MW kết nối vào hệ thống.

Dồn sức cho các dự án điện mặt trời nối lưới được hưởng giá mua ưu đãi
 
Đẩy nhanh tiến độ xử lý công việc gấp 6 lần so với quy định, bố trí nhân lực làm xuyên suốt thời gian cuối tuần, nghỉ lễ,... Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0) đã và đang phối hợp, tạo điều kiện tối đa để các nhà máy điện mặt trời kịp đi vào vận hành trước mốc thời gian 30/6/2019.
 
Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có trách nhiệm mua toàn bộ lượng điện sản xuất từ các dự án điện mặt trời hòa lưới điện có ngày vận hành trước 30/6/2019 trong vòng 20 năm với giá mua ưu đãi. Vì vậy, các chủ đầu tư nhà máy điện mặt trời đang "tăng tốc" để có thể phát điện kịp tiến độ này.
 
Ông Nguyễn Quốc Trung - Trưởng phòng Điều hành thị trường điện, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia cho biết, trong 4 tháng đầu năm, đã có 18 nhà máy điện mặt trời với tổng công suất là 850 MW vào vận hành. Dự kiến, từ nay đến ngày 30/6/2019 sẽ có thêm 75 nhà máy điện mặt trời với tổng công suất khoảng 4.000 MW kết nối vào hệ thống.
 
Thời gian rất gấp trong khi khối lượng công việc còn lại rất lớn để những nhà máy này kịp vào vận hành. Hơn nữa, tháng 5, 6 là cao điểm mùa nắng nóng, vốn là thời kỳ vận hành khó khăn, căng thẳng nhất của hệ thống điện. "CBNV của A0 đang phải đối mặt với áp lực công việc rất lớn” - ông Trung cho hay.
 
A0 đã và đang chủ động các giải pháp, phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ tối đa cho các chủ đầu tư nhà máy điện mặt trời trong giai đoạn "nước rút" này. Điển hình, theo các thông tư hiện hành, tổng thời gian để xử lý mọi công việc từ lúc nhận hồ sơ đề nghị đóng điện điểm đấu nối của chủ đầu tư cho đến khi đóng điện lần đầu là 90 ngày, nhưng A0 đã chủ động rút ngắn chỉ còn 15 ngày (nhanh gấp 6 lần). 
 
Trung tâm cũng đã vận hành Cổng dịch vụ trực tuyến để các chủ đầu tư gửi hồ sơ đăng ký đóng điện lần đầu công trình mới. Ứng dụng công nghệ thông tin tối đa để giải quyết nhanh chóng, kịp thời và không để xảy ra lỗi chủ quan dẫn tới chậm tiến độ.
 
Ông Nguyễn Quốc Trung chia sẻ thêm, A0 bố trí người trực 24/24h, kể cả trong các ngày nghỉ lễ vừa qua như 10/3 âm lịch, 30/4-1/5, hay các ngày thứ 7, chủ nhật hằng tuần. Ngoài ra, A0 cũng thiết lập nhiều kênh thông tin hỗ trợ các chủ đầu tư, khách hàng, đơn vị thi công qua viber, zalo, tạo ra những nhóm công tác làm việc online.
 
Gần 100 nhà máy điện mặt trời vào vận hành với tổng công suất gần 5.000 MW là sự bổ sung nguồn điện cần thiết cho hệ thống, trong bối cảnh cân đối cung - cầu đang căng thẳng. Tuy nhiên, các dự án nhà máy điện mặt trời phát triển "nóng", đa số tập trung tại Bình Thuận, Ninh Thuận, Đăk Lăk, dẫn tới quá tải lưới điện ở các khu vực này.
 
Ngoài ra, do tính chất đặc thù của nguồn điện này là không ổn định, phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết nên công tác vận hành hệ thống điện cũng chịu không ít thách thức.
 
Từ đầu năm 2018, A0 đã phối hợp với Tư vấn EGI (Vương Quốc Bỉ) triển khai dự án đánh giá ảnh hưởng của các nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) đến công tác vận hành hệ thống điện. Từ đó đến nay, căn cứ trên tình hình phát triển thực tế, A0 tiếp tục theo dõi, nghiên cứu và đề xuất với EVN các phương án vận hành tối ưu, đảm bảo cung cấp điện an toàn liên tục và ổn định.
 
A0 cũng đang xây dựng hệ thống giám sát vận hành các nhà máy điện NLTT và sẽ đưa vào vận hành trong tháng 6/2019; chủ động nghiên cứu, đề xuất giải pháp và nguyên tắc điều chỉnh nguồn điện, phối hợp ngừng/giảm công suất nguồn truyền thống và nguồn NLTT khi xảy ra các hiện tượng đầy tải, quá tải trên lưới. Cùng với đó, A0 sẽ tiếp tục tăng cường đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong vận hành nguồn NLTT.
Theo: Tạp chí Công Thương