S&P tái xác lập mốc 900 điểm

Thứ tư, 20/5/2009 | 15:59 GMT+7
Chứng khoán Mỹ và châu Âu khởi động tuần mới bằng phiên lên điểm mạnh ở hầu khắp các chỉ số, nhờ những diễn biến tích cực đến từ thị trường tín dụng và nhà đất.

Sau tiếng chuông báo đóng cửa phiên giao dịch đầu tuần, chỉ số Dow Jones Industrial đã lấy lại 235,44 điểm, tương ứng 2,8%, chốt 8.504,08 điểm. Standard & Poor 500 cũng bứt phá 3% và phá ngưỡng 900 điểm, chốt tại 909,71 điểm. Chỉ số này đã lấy lại được 60% số điểm đã mất trong cả tuần giao dịch trước. Chỉ số công nghệ Nasdaq dẫn đầu mức tăng toàn thị trường với biên độ 3,1%, đóng cửa tại 1.732,36 điểm. Phiên này, số cổ phiếu tăng giá áp đảo số mã giảm với tỷ lệ 16:1 trên thị trường New York.

Cổ phiếu ngành tài chính lên ngôi sau khi nhiều thống kê cho thấy, chi phí vay đôla liên ngân hàng tại Mỹ đã giảm mạnh nhất trong 2 tháng, do thị trường tín dụng tiếp tục phát đi những dấu hiệu tan băng. Đóng cửa, giá cổ phiếu Goldman Sachs và JPMorgan cùng tiến thêm 6,5% giá trị trong khi đó mã Morgan Stanley tăng mạnh 8,2%.

Giá cổ phiếu ngân hàng lớn nhất nước Mỹ theo giá trị tổng tài sản Bank of America vụt tăng 9,9% sau khi Goldman Sachs khuyến cáo nhà đầu tư mua mã cổ phiếu này. Citigroup sau công bố kế hoạch tăng vốn bằng cách phát hành thêm cổ phiếu trị giá 4 tỷ đôla cũng đã bật tăng được 4,6% giá trị. Chỉ số tổng hợp 24 ngân hàng niêm yết trên S&P là KBW Bank index đóng cửa ở mức điểm dương 7,5%.

Trong một động thái mới nhất, 3 định chế tài chính lớn tại phố Wall là Goldman, JPMorgan Chase & Co. và Morgan Stanley tuyên bố muốn trả lại sớm khoản vay 45 tỷ đôla được nhận từ gói kế hoạch giải trừ tài sản xấu (TARP) của Chính phủ hồi tháng 10 năm ngoái.

Theo thống kê được công bố cùng ngày bởi Hiệp hội Nhà đất Quốc gia, chỉ số tổng hợp lòng tin của 13 công ty xây dựng hàng đầu tại Mỹ trong tháng 5 đã tăng mạnh 7,5% lên mức cao nhất tính từ tháng 9/2008.

Chứng khoán châu Âu bật tăng phiên thứ 3 liên tiếp. Đầu tàu tăng điểm của cổ phiếu khối ngân hàng tiếp tục dẫn dắt thị trường đi lên, giá cổ phiếu các công ty năng lượng tăng do giá dầu thô trong phiên đầu tuần tăng trở lại.

Cùng ngày, Hiệp hội các Ngân hàng Anh quốc công bố mặt bằng lãi suất liên ngân hàng (Libor) tại khu vực châu Âu tiếp tục hạ thêm 4 điểm phần trăm - biên độ giảm sâu nhất kể từ ngày 19/3. Giới đầu tư kỳ vọng vào việc chuyển đổi số cổ phiếu ưu đãi mà Chính phủ các quốc gia đang nắm giữ tại các ngân hàng lớn sẽ giúp thị trường tín dụng hạ nhiệt cũng như dập tắt làn sóng chạy đua tăng lãi suất nhằm huy động vốn.

Dẫn đầu mức tăng 10% là cổ phiếu ngân hàng Lloyds Banking của Anh sau khi xác minh, số cổ phiếu trị giá 6,1 tỷ đôla được chuyển đổi từ cổ phiếu ưu đãi do Chính phủ Anh nắm giữ sẽ được tung ra thị trường tuần này. Giá cổ phiếu các ngân hàng khác như HSBC, Barclays hay Standard Chartered cũng dao động tăng từ 4,4% đến 9% giá trị.

Chỉ số chứng khoán khu vực DJ Stoxx 600 tăng mạnh 2,4%, lên 207,83 điểm - mức cao nhất của chỉ số này trong 6 tuần gần đây.

Bảng giao dịch điện tử của 18 thị trường châu Âu cùng đồng loạt khởi sắc. Tại London, chỉ số FTSE 100 bật 98,34 điểm, tương ứng 2,3%, chốt tại 4.446,45 điểm. 2 Chỉ số CAC 40 của Pháp và DAX 30 của chứng khoán Đức cùng lên 2,4% giá trị.

Chứng khoán châu Á giao dịch “cầm chừng”. Tâm lý thấp thỏm của giới đầu tư khi đón nhận những tin xấu đến từ báo cáo kết quả kinh doanh quý I của nhiều tập đoàn lớn được công bố trong ngày, cũng như chờ đợi những diễn biến tiếp theo đến từ thị trường Mỹ, đã đẩy chứng khoán khu vực mất điểm bất chấp sắc xanh vào cuối ngày áp đảo trên nhiều bảng giao dịch điện tử.

Chốt phiên, chỉ số chứng khoán tổng hợp 23 thị trường trong khu vực châu Á MSCI tuột 0,5% giá trị, xuống 96,84 điểm. Tính đến cuối tuần trước, chỉ số này đã tích lũy lại được 38% số điểm đã mất kể từ khi thị trường chạm đáy ngày 9/3.

Chứng khoán Nhật dẫn đầu mức sụt giảm toàn thị trường do dự báo triển vọng kinh doanh của nhiều công ty có tỷ trọng doanh thu phụ thuộc lớn vào xuất khẩu sẽ giảm do đồng yen tiếp tục chuỗi ngày lên giá so với đôla. Chỉ số Nikkei 225 hạ 226,33, tương ứng 2,4%, xuống 9.038,69 điểm. Các chỉ số Kospi của Hàn Quốc và S&P ASX 200 của chứng khoán Australia điều chỉnh giảm trong biên độ từ 0,4% đến 1% giá trị.

Cổ phiếu nhà sản xuất tivi plasma lớn nhất thế giới Panasonic trượt mạnh 7,6% trên thị trường Tokyo sau khi hãng này công bố mức thua lỗ 4 tỷ đôla trong năm tài khóa 2008 kết thúc ngày 31/3.

Chứng khoán Ấn Độ bùng nổ sau kết quả kiểm phiếu tranh cử Thủ tướng được công bố, Đảng Quốc đại tiếp tục giành thắng lợi áp đảo so với 6 Đảng phái chính trị còn lại khi dành chiến thắng với số ghế nhiều nhất kể từ năm 1991, qua đó đưa ông Manmohan Singh tái đắc cử vị trí Thủ tướng Ấn Độ thêm một nhiệm kỳ.

Chỉ số Bombay SE Sensitive đóng cửa tăng 17,4%, sau khi trước đó lần đầu tiên trong lịch sử, thị trường đã phải ngừng giao dịch vì các chỉ số tăng điểm quá mạnh. Chính sách kinh tế tập trung ưu tiên bảo vệ doanh nghiệp nội thông qua việc tăng rào cản đối với đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực nhạy cảm như bán lẻ, bảo hiểm… của Thủ tướng Manmohan đã cho thấy tính hiệu quả trong nhiệm kỳ trước. Giới đầu tư kỳ vọng vào việc tái cầm quyền với đa số phiếu ủng hộ, ông sẽ tiếp tục đưa nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh thứ 2 thế giới vượt qua khủng hoảng cũng như duy trì vị thế dẫn đầu khu vực Tây Á.

Phiên này, sắc xanh chiếm chủ đạo tại các hàn thử biểu khu vực Đông Bắc Á. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong và Straits Times của Singapore cùng bật tăng trên 1% giá trị, trong khi đó chứng khoán Trung Quốc đại lục nhích nhẹ 0,3%.

Theo: VNE