Nhà máy bia HEINEKEN Việt Nam tại Quảng Nam.
Qua hơn 30 năm hình thành và phát triển, bên cạnh những thương hiệu uy tín và sản phẩm chất lượng cao, HEINEKEN Việt Nam đồng thời cũng là một trong các doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực phát triển bền vững tại Việt Nam.
Công ty đặt tham vọng đến năm 2025 đạt 100% năng lượng tái tạo trong sản xuất, 100% nước được bù hoàn và Không còn rác thải chôn lấp tại các nhà máy. Thực tế đến cuối năm 2021, HEINEKEN Việt Nam đã đạt mục tiêu Không còn rác thải chôn lấp tại toàn bộ 6 nhà máy, và sử dụng 52% năng lượng tái tạo trong sản xuất.
"Nhà máy tại Quảng Nam là nhà máy cuối cùng trong số 6 nhà máy của HEINEKEN Việt Nam sử dụng nhiệt năng sinh khối trong sản xuất. Việc sử dụng năng lượng sinh khối cho nhu cầu nhiệt năng tại các nhà máy không chỉ góp phần tăng tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo của công ty chúng tôi mà còn góp phần phát triển ngành công nghiệp năng lượng sinh khối tại Việt Nam và tạo thêm thu nhập cho người dân địa phương" - Bà Holly Bostock, Giám đốc Ngoại vụ cấp cao HEINEKEN Việt Nam cho biết.
Sinh khối (Biomass) là vật liệu hữu cơ được đốt để tạo ra năng lượng. Năng lượng sinh khối được xem là năng lượng tái tạo, ngược lại với năng lượng không tái tạo - bao gồm các dạng nhiên liệu hóa thạch như than đá hay dầu khí, giúp giảm lượng cacbon phát thải ra môi trường.
Chuyển đổi sang năng lượng sinh khối cho nhu cầu nhiệt năng tại nhà máy Quảng Nam góp phần cắt giảm khoảng 1869 tấn CO2e trong năm 2022. Lò hơi sinh khối cung cấp nhiệt năng cho nhà máy Quảng Nam có công suất hơi lên tới 12 tấn/giờ, góp phần giảm đến 44% khí thải CO2 so với nhiệt năng được tạo ra từ dầu diesel.
Hiện tại, theo ước tính mỗi năm, Việt Nam thải ra hàng chục triệu tấn phụ phẩm nông nghiệp bao gồm rơm rạ, vỏ trấu, mùn cưa… Việc sử dụng nguồn năng lượng sinh khối này không chỉ xử lý được vấn đề giảm phát thải CO2 ra môi trường mà còn góp phần vào việc phát triển năng lượng xanh tại Việt Nam.
Với việc sử dụng năng lượng sinh khối tại nhà máy Quảng Nam, HEINEKEN Việt Nam sẽ góp phần hỗ trợ việc sử dụng nguồn nguyên liệu sinh khối dồi dào và ổn định ngay tại địa phương và từ các khu vực lân cận.
Trong đó, có trấu và mùn cưa từ các nhà máy xay xát lúa gạo, xưởng cưa, xưởng mộc trong tỉnh Quảng Nam, phế phẩm từ dăm sau sàng tại các xưởng làm dăm sau sàng xuất khẩu có ở các tỉnh Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam; và dăm lát cao su, củi bìa, củi vụn được thu gom từ các xưởng làm phôi gỗ tại Kon Tum và Quảng Nam. Bên cạnh đó, việc sử dụng năng lượng sinh khối cũng giúp công ty tiết kiệm được một khoản chi phí so với việc sử dụng nhiệt năng từ dầu diezel.
Được đánh giá là một trong những đất nước giàu tiềm năng về năng lượng tái tạo nói chung và dự trữ sinh khối nói riêng, việc tập trung phát triển ngành công nghiệp sinh khối tại Việt Nam không chỉ mang lại giá trị cho môi trường, mà còn tạo ra việc làm tại địa phương và các khu vực lân cận, góp phần phát triển kinh tế đất nước.
Kế hoạch sử dụng năng lượng sinh khối tại nhà máy Quảng Nam đã được dự định thực hiện vào năm 2020. Ngay khi bước vào giai đoạn dần ổn định, với nỗ lực không ngừng nhằm hướng đến mục tiêu "Trung tính Cacbon", HEINEKEN Việt Nam đã chính thức hợp tác vận hành lò hơi sinh khối tại nhà máy Quảng Nam vào ngày 27-7-2022 vừa qua.