Sự kiện

Dùng trên 100 số là EVN có lãi !

Thứ ba, 7/10/2008 | 09:06 GMT+7

Hiện chỉ có điện bán cho KV nông thôn và cho sinh hoạt 100 số đầu tiên là lỗ, còn các giá khác đa số là hoàn vốn. Điện sinh hoạt 100 số đầu lỗ còn sau mức này là có lãi. Phó TGĐ EVN Đinh Quang Tri cho biết trong cuộc trao đổi với báo chí chiều ngày 6/10.

EVN chưa trình phương án tăng giá điện

Ông Đinh Quang Tri cho biết hiện Chính phủ giao EVN và Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương xây dựng cơ chế giá điện từ năm 2009 để trình Thủ tướng Chính phủ. Hiện EVN chưa xây dựng xong và cũng chưa nộp lên bộ. Không hiểu thông tin ở đâu nói chúng tôi đã trình, đã nộp phương án tăng giá điện.

Chúng tôi xây dựng cơ chế theo tiêu chí phù hợp cơ chế thị trường để làm sao cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước có thể huy động vốn và phát triển các dự án.

Hiện nay nếu cơ chế giá điện không rõ ràng thì các nhà đầu tư sẽ không thu xếp được vốn vay. Ngay như dự án thủy điện Sông Bung 4 tại tỉnh Quảng Nam hôm nay, chúng tôi cũng phải lập phương án đàm phán với ADB 3 – 4 năm nay. Điều này do khi phân tích dự án chúng tôi phải tính đến sự hiệu quả của dự án.

Hiện nay các thông số đầu vào tăng rất nhanh. Ví dụ: Chi phí nguyên, nhiên vật liệu, đặc biệt là các nhà máy sau này sẽ phải nhập khẩu than hoặc đang đàm phán để mua khí thì mức giá rất là cao. Bộ Công Thương phải quy định được khung giá khâu phát điện và kèm theo nó là cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện như thế nào để phản ánh cho nhà sản xuất họ bán để có thể hoàn được vốn, có thể trả được nợ.

Các công ty bán lẻ điện sau khi mua giá bán buôn của các công ty phát điện, trả phí cho công ty truyền tải điện và bán lẻ vẫn có lãi để hoàn vốn và trả nợ được. Hiện việc trả nợ cho người cho vay là một trong những điều kiện để vay vốn.

Vậy để đạt được mức tối ưu như vậy thì giá điện sẽ tăng bao nhiêu so với hiện tại?

Việc này Chính phủ sẽ quyết căn cứ vào tình hình sản xuất của các doanh nghiệp của EVN và ngoài ngành như dầu khí, than cũng như các nhà đầu tư khác nữa. Trên cơ sở đó chính phủ sẽ quyết định mức tăng giá điện bao nhiêu. Còn hiện nay EVN chưa có một đề nghị nào.

Thế những thông tin về giá điện sẽ tăng trung bình từ 20% đến 30% so với hiện nay mà báo chí đưa ra thì sao?

Tôi không hiểu thông tin đó lấy từ đâu. Nhưng có thể đó là ý tưởng của một số chuyên gia đưa ra. Còn cho đến thời điểm này EVN chưa có một đề xuất nào lên Chính phủ về việc này.

Còn dự thảo đang xây dựng của EVN về tăng giá điện?

Dự thảo của chúng tôi có nhiều phương án. Chúng tôi cho rằng tổ công tác của Bộ Công Thương sẽ là người quyết định chứ không phải EVN. Chính phủ cũng có chỉ đạo chỉ trợ giá cho hộ tiêu dùng có thu nhập thấp và không có trợ giá cho người có thu nhập cao. Có nghĩa người nào sử dụng nhiều điện sẽ phải trả theo đúng giá quy định mà không có bù lỗ.

Việc tăng giá điện theo dự thảo của các ông có áp dụng với hộ sản xuất hay chỉ áp dụng với những hộ tiêu dùng?

Tôi nghĩ việc này Bộ Công Thương sẽ quyết định. Tuy nhiên tôi nghĩ việc tăng giá sẽ áp dụng với tất cả các hộ nhưng sẽ có các tỉ lệ khác nhau.

Nhu cầu vốn đầu tư của EVN hiện nay ra sao?

Nhu cầu vốn của chúng tôi rất lớn. Hiện việc đi vay cũng rất khó do các ngân hàng không đủ vốn và với lãi suất ngân hàng ở mức 21% thì hầu hết các doanh nghiệp không thể kinh doanh được.

Tôi nghĩ nếu không có cơ chế cho các nhà sản xuất huy động vốn thì sẽ rất khó để có đủ điện. Chính vì vậy cần có cơ chế giá điện để các nhà đầu tư, các công ty cổ phần, công ty tư nhân và cả các công ty nước ngoài bỏ tiền vào lĩnh vực này. Vì phải mất 4 – 5 năm mới xây xong một nhà máy. Nếu cơ chế không rõ ràng họ sẽ không bỏ tiền. Cơ chế này sẽ là giá bán lẻ như thế nào và ai là người điều chỉnh trên cơ sở bù đắp được chi phí của các nhà sản xuất.

Càng ngày thị trường vốn nước ngoài cho Việt Nam càng khó do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính. Kể cả các ngân hàng lớn cũng bị khan hiếm về nguồn vốn. Họ cũng đưa ra các yêu cầu khó khăn hơn. Ví dụ người nào đi vay phải bảo đảm khả năng trả được nợ.

Trước đây họ chỉ yêu cầu tỉ lệ tự đầu tư phải từ 25% trở lên, tỉ lệ thanh toán nợ từ 1,5 lần trở lên nhưng gần đây họ đưa ra thêm 1 loạt các yêu cầu khác như tỉ lệ nợ đến hạn thanh toán chia cho lợi nhuận phải dưới 5 lần (khả năng thanh toán phải cao hơn). Họ cũng tăng lãi suất và phí lên.

Theo ông để các nhà đầu tư thỏa mãn được giá bán điện thì mức tăng sẽ phải là bao nhiêu?

Tôi cho là mức tăng hoàn toàn không quan trọng. Quan trọng là họ xét cơ chế và thậm chí có khi phải giảm giá khi các thông số đầu vào giảm. Khi  giá nguyên liệu tăng thì phải cho họ điều chỉnh. Họ cần nhất cơ chế đó chứ không phải là mức cam kết cố định. Ví dụ sau này giá nhiên liệu xuống thì họ sẽ giảm giá và ngược lại.

Vậy mức tăng 20% từ 2009 có phù hợp?

Hiện chúng tôi chưa có đề xuất nào như vậy. Việc tăng này Chính phủ sẽ phải nhìn nhiều khía cạnh, liên quan đến cả việc sản xuất. Thứ hai đây là bức tranh dài hạn chứ không phải chỉ riêng cho 2009. Tôi nghĩ mức tăng có thể dưới mức 20% hoặc bằng mức đó tùy vào tình hình cuối năm nay.

Nếu ta xử lý tình hình lạm phát tốt thì người dân có thể chấp nhận ở mức cao để làm sao huy động vốn. Vì sau này các nhà máy cũng phải cổ phần hóa hết. Nếu họ cảm thấy đầu tư vào được thì sẽ không thiếu điện.

Còn nếu không thì nguy cơ thiếu điện sẽ không xảy ra trước mắt mà 5 – 7 năm sau sẽ diễn ra. Ví dụ như Philippines khi Chính phủ không tăng giá điện, không điều chỉnh cơ chế kịp thời thì khi thiếu điện đã buộc phải đưa một loạt các dự án chạy dầu BOT giá thành rất cao vào vận hành. Giá điện của họ hiện trên 22 cent/kwh và họ phải chịu mức đó.

Nếu có chính sách huy động vốn tổng thể của tất cả các thành phần kinh tế và đưa ra một lộ trình để điều chỉnh từng bước, thu hút vốn, thu hút các thành phần khác tham gia thì giá điện sẽ lên một cách từ từ hoặc điều chỉnh theo thị trường. Khi đó việc thiếu điện sẽ không xảy ra và giá điện ở Việt Nam sẽ cạnh tranh. Nếu cứ để thiếu điện rồi mới gấp rút đi xây nhà máy chạy dầu thì sẽ rất mệt.

Điện sinh hoạt: Dân dùng càng nhiều EVN càng lãi, nhưng...

Với thời giá hiện tại thì Việt Nam đang lỗ bao nhiêu một số điện?

Hiện với lưới điện bán cho điện nông thôn là chúng ta lỗ. Mức 390 đồng/kwh là lỗ. Bán cho điện sinh hoạt 100 số đầu tiên ở mức 500 đồng là lỗ. Nhưng các giá khác đa số hoàn vốn. Mức giá bán cho các hộ kinh doanh là đang lãi. Hiện chúng tôi phải lấy lãi của khâu kinh doanh, dịch vụ bù cho hộ nông thôn.

Như vậy có nghĩa chỉ có điện kinh doanh có lãi còn lại là lỗ?

Điện sinh hoạt 100 số đầu lỗ còn sau mức này là có lãi. Nếu các hộ dùng càng nhiều thì chúng tôi càng có lãi. Nhưng với bài toán tổng thể của nền kinh tế, nếu mà dân dùng nhiều thì tốn năng lượng và đòi hỏi đầu tư rất lớn trong khi chúng tôi không muốn đầu tư.

Chính vì vậy mà một số người hỏi tại sao EVN lại đi bán cả bóng đèn. Chúng tôi nghĩ nếu bán cho người dân sử dụng bóng đèn 20W thì tích kiệm được 40W đến 80 W cho mỗi bóng đèn góp phần làm giảm sức ép với EVN thay vì chạy theo đầu tư. Chúng tôi mong người dân hiểu điều đó và sử dụng tiết kiệm hơn.

Nếu phương án tăng giá điện mới được thông qua thì EVN có công bố hoạch toán kinh doanh để người dân được biết?

Hiện chúng tôi rất muốn tách các khâu đó ra. Hiện khâu phát điện đối với các nhà máy chúng tôi đã tách ra hết. Một loạt nhà máy đã cổ phần hóa và niêm yết trên thị trường chứng khoán. Khâu truyền tải từ 1/7 cũng tách ra thành tổng công ty truyền tải. Về mức phí chúng tôi cũng đề nghị Bộ duyệt giá phí.

Các công ty phân phối hiện cũng hạch toán độc lập. Chi phí của họ kiểm toán cũng rất dễ. Chi phí cũng rất rành rọt. Cái chính khó nhất hiện nay là công ty mua bán điện. Hiện chúng tôi phải mua của các nhà máy điện bên ngoài với giá rất cao nhưng phải bán lại cho các công ty điện lực với giá thấp. Đây là bài toán khó mà chúng tôi cũng muốn phải minh bạch.

Trong cơ chế giá điện sắp tới chúng tôi cũng đề nghị công ty mua điện này nếu họ mua trên thị trường điện lực mà giá lên thì phải điều chỉnh giá bán lẻ để họ có tiền trả cho công ty bán điện và ngược lại. Chúng tôi hy vọng đưa yếu tố cạnh tranh vào thì giá sẽ bình ổn lại.

Ông có nói lộ trình về vốn và tăng giá thì Chính phủ sẽ quyết vậy chất lượng điện cung cấp sau khi tăng giá sẽ ra sao?

Chất lượng điện không chỉ phụ thuộc một mình nhà cung cấp mà phụ thuộc cả người tiêu dùng. Hiện các hộ sản xuất không nộp kế hoạch sản xuất cho EVN để yêu cầu công ty phân phối nâng cấp mạng lưới ở khu vực đó nên dẫn đến tình trạng quá tải và chất lượng điện kém đi.

Đối với khu dân cư, lúc đầu chỉ có 1 máy biến áp cho một lượng dân nhất định. Nhưng khi mở rộng thì điện áp sẽ bị tụt. Chính vì vậy chất lượng điện phải song song giữa EVN, các công ty điện lực và người tiêu dùng cùng có một phần trách nhiệm. Đó là hai mặt của một vấn đề.

 

Xin cảm ơn ông

Theo Tiền Phong