Sự kiện

Công trình kỷ niệm 54 năm ngày Giải phóng Thủ đô:Điện về xóm Hương, xóm Hội

Thứ ba, 7/10/2008 | 09:11 GMT+7
Sau ngày hợp nhất Hà Nội- Hà Tây và sáp nhập 4 xã thuộc huyện Lương Sơn (Hòa Bình), huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) về Hà Nội, ngày 16-8-2008, trong một chuyến đi thực tế tại 4 xã Hòa Bình về Hà Nội, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã giao nhiệm vụ cho Công ty Điện lực Hà Nội (PCHN) sớm nghiên cứu, khảo sát để trước tháng 11-2008 cấp điện cho hai xóm Hương và Hội thuộc xã Yên Trung, huyện Thạch Thất.

Ngay sau đó,  PCHN triển khai thủ tục đầu tư và ngày 23-8-2008 chính thức khởi công công trình và trong 36 ngày công trình đã hoàn thành,  đưa điện đến 137 hộ chưa có điện ở xã miền núi Yên Trung, về đích trước thời hạn 24 ngày.

Từ ngày 1-8-2008, Nghị quyết về mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội chính thức có hiệu lực, 4 xã: Yên Trung, Yên Bình, Tiến Xuân và Đông Xuân thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình đã sáp nhập về Hà Nội. Các xã này đều là xã miền núi nên cơ sở hạ tầng là những điều kiện để phát triển kinh tế còn rất nghèo nàn. Do đặc thù về địa hình nên mật độ phân bố dân cư ở những xã này không đồng đều, các hộ dân sống phần lớn tập trung ở vùng đồi gò và chân núi. Vì vậy, ngoài việc chăm sóc sức khoẻ, thì vấn đề cung cấp điện cho khu vực này cũng rất khó khăn. Vì vậy, những năm trước đây, khi còn thuộc tỉnh Hòa Bình, Công ty Điện lực 1 (thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam- EVN) đã đầu tư đưa điện về các xã này. Mặc dù với tinh thần Nhà nước, chính quyền địa phương và nhân dân cùng góp sức đưa điện về các thôn xóm, nhưng cũng chỉ có một phần khu vực, người dân nông thôn trong các xã trên có điện thắp sáng. Sau đó, đường dây cứ được nối dài ra, theo khả năng kinh tế của từng hộ gia đình. Như xã Trung Yên với 825 hộ dân cũng chỉ có 2 trạm biến áp. Bao nhiêu năm không có điện, ánh sáng dùng bằng đèn dầu và bếp than ở giữa nhà, nay có điện, dù yếu cũng còn sáng và thuận tiện hơn nhiều. Dẫu sao vẫn còn hơn nhiều hộ không có khả năng tài chính để kéo điện về nhà.

Xóm Hương và xóm Hội là 2 xóm nằm sát chân núi thuộc xã Yên Trung có 137 hộ chưa có điện. Đường dây hạ thế 0,4kV được cấp từ trạm biến áp Yên Quang, cách 2 xóm trên khoảng 3km nên nếu kéo điện từ trạm biến áp này cung cấp cho xóm Hương xóm Hội thì không đảm bảo chất lượng. Nhưng khu vực này lại gần đường dây cấp điện áp 35kV nên để cấp điện cho các hộ khu vực này, PCHN lập phương án xây dựng mới 1,46km đường dây cao thế 35kV và 1 trạm biến áp 35/0,4kV có công suất máy biến áp 100kVA cùng lưới điện hạ thế cấp điện đến từng hộ dân sinh sống trong khu vực.

Trưởng Chi nhánh Điện lực Thạch Thất  kể lại: Chính thời gian chờ đợi khá dài (30 năm chưa được dùng điện) đã nhân lên gấp bội lần niềm háo hức của người dân Yên Trung, khi thấy tốp công nhân kéo điện đầu tiên xuất hiện. Chặt cây mở đường kéo điện ư? thì chặt. Phá dỡ vườn tược cho tuyến ư? thì phá. Xe của mấy ông điện sa lầy ư? thì bà con xúm vào đẩy.

Vào dịp kỷ niệm 54 năm ngày Giải phóng Thủ đô, năm đầu tiên những người dân thuộc 4 xã miền sơn cước đã được nhìn thấy cái bóng đèn “treo ngược mà vẫn sáng” đến tận nhà mình, treo ở cái nơi xưa vẫn treo bắp giống cho mùa sau. Nhiều người dân xóm Hương xóm Hội đã khóc thật sự vì xúc động. Có điện quạt chạy vù vù, ti vi đã hát vang vang. tất cả đều diễn ra như một giấc mơ. Tôi hỏi bác Nguyễn Văn Sản người dân tộc Mường, gia đình đã sinh sống 30 năm ở xóm Hương:

-  Có điện rồi, gia đình có đủ tiền sử dụng điện hàng tháng không?

-  Mùa Hè có thêm quạt thì hết 30 số điện, mùa Đông chỉ hết 15 số  điện thôi. Có điện thì mới được biết nhiều chuyện gần xa.

Trưởng thôn xóm Hội Nguyễn Văn Lợi xúc động nói: Từ khi biết là sắp có điện, nhiều gia đình đã có dự định mua ti vi, quạt, đài, có gia đình còn  gnhĩ đến mua máy  sát nhỏ để xay sát. Trẻ em các xã miền núi cũng phải chịu thiệt thòi nhiều quá, lâu quá. Mãi cho đến tận bây giờ, khi nhân loại bước sang một Thiên niên kỷ mới, Thiên niên kỷ của khoa học kỹ thuật, trẻ em xóm Hương xóm Hội mới được xem các bạn cùng lứa tuổi mình msa hát trên tivi, mới được xem các cô, các chú nói chuyện em yêu khoa học, chuyện vui chơi của trẻ thơ trong chương trình Những bông hoa nhỏ, Vườn cổ tích…

Đúng 15 giờ 30 phút ngày 6-10-2008, trạm biến áp cấp điện cho xóm Hương xóm Hội đã đóng thành công. Điện đã được đưa đến mọi nhà. Chúng tôi thật sự cảm động trước hình ảnh các em nhỏ rất chăm chú, say mê trước cái tivi. Từ nay, thế giới tâm hồn trẻ thơ của các em đã được mở rộng, các em đã được biết chuyện gần xa, chứ không phải như lâu nay chỉ biết ranh giới ngày và đêm của làng bản mình bằng bóng hoàng hôn đổ dài dưới chân núi.

Hà Nội đã đem lại ánh sáng cho 137 hộ dân chưa từng biết đến điện là gì. Vâng, 1,7 tỷ đồng cho chủ trương cấp điện cho xóm Hương xóm Hội đã đạt được những giá trị không thể đo được, không thể đếm được, cũng không thể quy chuyển sang vật chất. Tôi cũng nhiều lần đo công tác ở vùng núi nên hiểu nguồn sáng đối với bà con ở đây quý báu như thế nào. Ngày của họ rẩt ngắn, còn bóng đêm thì dài lê thê và buồn nặng trĩu.

Trước ngày hợp nhất, Hà Nội đã hoàn thành chương trình điện nông thôn, bán điện trực tiếp đến các hộ sử dụng và người dân nông thôn không phải chịu mua điện qua các tổ chức trung gian và với giá cao. Và cấp điện cho 137 hộ chưa từng có điện mới được sáp nhập về Hà Nội sẽ là bước đột phá đầu tiên cho chương trình điện nông thôn với 300 xã sẽ được đầu tư và giao cho PHCN quản lý bán lẻ. Người dân nông thôn Hà Nội sẽ bắt đầu nhiều dự định tốt đẹp từ đây…/

Thanh Mai