Sự kiện

Trên công trường thủy điện Sơn La: Bài 2 - “Bóng hồng” trong nắng gió công trường

Thứ sáu, 10/10/2008 | 08:31 GMT+7
Các anh em công nhân ở công trường có nhận xét: “Chị em trên này hơn hẳn chúng tôi ở sự chịu đựng và hi sinh…”

 

    Nụ cười vẫn nở tươi tắn trên môi những “bóng hồng” (Trong ảnh: chị Nguyễn Thị Nhã trên công trường)
 
Đầu tháng 10-2008, sau cơn lũ, trời Sơn La nắng như đổ lửa. Trên con đập ngăn nước chuẩn bị đổ những lớp bêtông cuối cùng, chị Nguyễn Thị Nhã như các công nhân khác, con nắng bỏng rát trên nền bêtông không cản được bước chân thoăn thoắt của chị đều đặn đi thắt chặt những nuộc thép cuối cùng của hố móng.
 

Dịu dàng giữa cát bụi

“Quê tớ ở Tam Nông, Phú Thọ, học xong trung cấp nghề Thái Nguyên, tớ lên làm ở thủy điện Na Hang (Tuyên Quang), bây giờ vợ chồng tớ làm ở đây” - chị Nhã vừa lau mồ hôi trên trán và tóm tắt về mình như thế.

Công ty Sông Đà 707 tại thủy điện Sơn La có hơn 10 chị em. “Mạnh mẽ ở công trường nhưng chị Nhã lại giàu tình cảm lắm. Các anh em Công ty Sông Đà 707 hầu hết đều nhận từ chị Nhã lúc bát cháo, khi viên thuốc cảm khi ốm đau” - anh em cùng công ty cho biết.

Cách nơi làm của chị Nhã không xa, chúng tôi gặp hai cô gái Bùi Thu Kiều và Bùi Kim Ngân - có lẽ trẻ nhất công trường khi mới tròn 18 tuổi đang tỉ mỉ gột sạch cốt bêtông ở dốc nước đập tràn. Ngân và Kiều cùng là người dân tộc Mường quê Quý Hòa, Lạc Sơn, Hòa Bình. Tốt nghiệp THPT, Kiều và Ngân xin vào làm ở Công ty xây dựng Trường Sơn và được điều động đến đây. Ngân và Kiều vẫn nguyên vẹn vẻ bẽn lẽn học trò, đỏ mặt khi gặp câu hỏi khó. “Trông hai cô gái ấy trắng trẻo và dịu dàng thế nhưng không thua kém anh em ở công trường đâu. Việc nặng nhẹ gì cũng làm được, chỉ tội thỉnh thoảng hay... khóc vì nhớ nhà” - anh Hoàng Văn Xuyên, đội phó thi công chỉ huy công trường dốc nước đập tràn, cười bảo.

“Mới lên công trường nỗi nhớ nhà là khó khăn nhất mà bọn em phải vượt qua. Nhiều hôm được nghỉ nhưng không có đủ thời gian về, hai đứa chỉ ngồi lì trong phòng viết thư về nhà hay đọc lại những bức thư bố mẹ bạn bè gửi lên” - Kiều và Ngân thú thật. Hai cô gái ấy được đồng nghiệp ưu tiên khi dành cho một “phòng hoa” trong khi anh em phải dồn ép tiêu chuẩn 4-5 người/phòng. “Ở nơi mà đàn ông con trai chiếm đến 95% như thủy điện Sơn La thì một giọng nói, một tiếng cười con gái cũng đủ làm dịu bớt nặng nhọc, vất vả của khói bụi công trường” - nhiều công nhân không giấu giếm tình cảm ưu ái của mình.

Chịu nhiều hi sinh

 

Hai “bóng hồng” trẻ nhất công trường thủy điện Sơn La: Thu Kiều (trái) và Kim Ngân - Ảnh:T.Đ.T.
Còn trẻ và đẹp như “bóng hồng” Bùi Thu Kiều và Bùi Kim Ngân nhưng khi hỏi về chuyện tình yêu, cả hai cùng đỏ mặt chối đây đẩy: “Chưa biết, chưa biết gì đâu”. Lý do của Kiều và Ngân không chỉ là vì mình còn trẻ mà “phải có người thật hiểu và yêu thật lòng mình mới dám yêu”. Cũng chính tiêu chí “hiểu và yêu thật lòng” ấy mà không ít nữ công nhân công trường thủy điện Sơn La đã từ chối sự ngỏ lời của các chàng trai khác ngành. Phải chăng họ muốn chọn cho mình những chàng trai đồng nghiệp?

Với con gái, vẻ đẹp là thế mạnh nhưng với chị em công trường thời gian dường như quá hạn hẹp để gìn giữ thế mạnh đó. “Đi làm về mệt rã rời chỉ muốn ngủ” - một nữ công nhân Công ty Sông Đà 504 tâm sự.

Trong một ca làm việc đêm trên công trường tại hạng mục đập không tràn, chúng tôi gặp chị Nguyễn Thị Hà Giang, Công ty Sông Đà 908. Là công nhân điện, chị Giang có nhiệm vụ vận hành máy móc, phát điện chiếu sáng cho cả công trình ban đêm. Nhiệm vụ nặng nề như thế nhưng khi về đến nhà chị còn một nhiệm vụ khác là thực hiện thiên chức của một người làm vợ làm mẹ. “Mình về đến nhà, anh ấy cũng vào ca một (chồng chị cũng là công nhân tại công trường thủy điện Sơn La - NV). Nấu thức ăn sáng rồi cho hai con đến trường, đi chợ, nấu cơm thu dọn nhà cửa cũng hết buổi. Chưa kịp nghỉ ngơi cũng là lúc mình chuẩn bị đi làm. Mệt lắm nhưng được chăm sóc chồng con đó cũng là hạnh phúc” - chị Giang tâm sự.

(Còn nữa)

Theo Tuổi Trẻ