Sự kiện

Trên công trường thủy điện Sơn La : Bài 1- Đêm trắng Sơn La

Thứ năm, 9/10/2008 | 09:41 GMT+7
Công trình thủy điện Sơn La (thị trấn Ít Ong, Mường La, Sơn La) là công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á, lớn thứ ba thế giới (công suất 2.400MW, tính đến thời điểm hiện nay) do chính bàn tay, khối óc người Việt xây dựng. Lúc cao điểm công trình này có 14.000 công nhân, kỹ sư từ mọi miền đất nước cùng góp sức, chung tay.

21g30. Những bản làng quanh thị trấn Ít Ong (Mường La, Sơn La) đã chìm vào giấc ngủ im ắng. Đây lại là lúc anh em công nhân, kỹ sư công trường thủy điện Sơn La bước vào ca đêm. Theo chân kỹ sư trẻ Hoàng Đình Minh (giám sát viên Ban điều hành dự án thủy điện Sơn La), chúng tôi đến khu vực thi công đập không tràn bên hữu ngạn sông Đà, ở thời điểm này đang được gọi là trái tim thủy điện.

 

Sự cố lúc 0g

Khu vực thi công đập không tràn sáng rực dưới hàng trăm bóng đèn cao áp. Trước mắt chúng tôi là những đoàn xe chở bêtông rầm rập chạy; những chiếc máy xúc, máy gạt bêtông ken đặc gạt lạo xạo xuống mặt đập; tiếng gọi nhau í ới của những tốp công nhân Công ty Sông Đà 908 (thuộc Tổng công ty Sông Đà) rộn rã khắp công trường...  “Tốp 1 chuẩn bị bêtông, tốp 2 phun ẩm, tốp 3 kiểm soát những đợt bêtông tiếp theo…” - kỹ sư Lê Đình Quang, đội trưởng đội thi công 908, nói to như muốn át tiếng máy. Theo điều động của kỹ sư Quang, từng chiếc xe đổ bêtông xuống ngay lập tức được gạt ra trải đều đặn, các tốp công nhân khác điều khiển vòi phun sương làm ẩm bêtông để xe lu phẳng. Các công đoạn thi công được phối hợp nhịp nhàng.

Đến lớp bêtông thứ hai, bất chợt băng chuyền bêtông được nối từ nhà máy trộn cách công trường 1,6km khựng lại, những mảng bêtông khô khốc cuối cùng được trút xuống. Cả công trường im bặt. Ngay lập tức, một cuộc họp diễn ra giữa các kỹ sư giám sát và chỉ đạo công trình ngay giữa công trường. Chiếc máy bộ đàm của kỹ sư Quang hầu như hoạt động liên tục: “Alô, nước hả, kiểm tra các van điều hành từ tổng vào nhà máy bêtông”, “Alô, ximăng hả, ngừng trộn ngay, kiên quyết không để lãng phí một khối bêtông nào”...


 

Cuộc giao ban trong đêm của nhóm kỹ sư trẻ để khắc phục sự cố

Trời Sơn La về đêm rét vậy mà chiếc áo bảo hộ dày hai lớp của kỹ sư Quang, kỹ sư Minh vẫn ướt sũng mồ hôi. Sự cố được tìm ra: van nước tổng vào nhà máy trộn bêtông hỏng khiến bêtông đưa ra không đủ ẩm. Lực lượng xử lý vào cuộc ngay.

Hơn 30 phút sau, những khối bêtông chất lượng đã lại theo băng chuyền xuống từng xe dưới công trường. Gạt mồ hôi trên trán, kỹ sư Minh lấy bộ đàm gọi về ban điều hành dự án nói như một lời hứa: “Sự cố được giải quyết, anh em nhất quyết trải xong lớp bêtông trong ca đêm hôm nay”.

100 đêm của 365 ngày

“Những sự cố ở công trường như đêm nay không phải hiếm. Nếu không xử lý kịp thời thì tình trạng lãng phí nguyên vật liệu và nhân công sẽ rất lớn” - anh Đặng Khắc Linh, kỹ sư giám sát của ban Quản lý dự án thủy điện Sơn La, tranh thủ trò chuyện. Để có thể lấp dòng kênh trữ nước thì con đập không tràn phải có đủ độ cao 138m so với lòng sông. “Hiện tại, con đập không tràn đã làm được khoảng phân nửa tức là anh em còn nhiều đêm thức trắng như thế này nữa” - anh Linh tâm sự.

Để hoàn thành đúng tiến độ công trình, cuối năm 2010 có thể phát điện tổ máy số 1 hòa vào lưới điện quốc gia, công trường phải thi công cả ba ca mỗi ngày. “Thời gian ca cứ xoay tròn: hai ca 1, hai ca 2, hai ca 3. Nếu trừ ngày nghỉ thì anh em nào cũng sẽ phải thức làm việc 100 đêm trong tổng số 365 ngày trong năm” - anh Linh nói thêm.

Do sự cố, giờ nghỉ giải lao giữa ca muộn hơn nửa giờ. 2g30 sáng, bữa ăn tạm được chuyển ra. Ở một góc công trường, anh công nhân Đặng Văn Doanh (quê Thái Bình), lên công trình thủy điện Sơn La từ những ngày đầu tiên, lặng lẽ nghe điện thoại. Đầu dây bên kia là giọng nói rất nhỏ, rất dịu của cô con gái anh ở quê nhà: “Ở đó có lạnh không bố, bố có mệt không?...”.

Trong giờ giải lao giữa ca chỉ chừng 15 phút ấy, máy ảnh của chúng tôi ghi nhận được hàng chục giấc ngủ vội vàng ở bất cứ chỗ nào trên công trình. Anh công nhân máy ủi tắt máy, gác chân lên vôlăng ngủ ngon lành. Người thì lăn ra ngay sàn bêtông đổ mới khô tranh thủ chợp mắt...

... 6g sáng, ánh bình minh trải đều trên những lớp bêtông nhẵn thín con đập không tràn. Lại một đêm trắng trôi qua với những người thợ thủy điện Sơn La.

(Còn nữa)

Theo Ban quản lý dự án thủy điện Sơn La, tính đến tháng 10-2008, công trình đã thực hiện khoảng 40% tiến độ. Đã có 1/2,9 triệu m3 bêtông được đổ xuống sông Đà hùng vĩ. Nhiều hạng mục khác cũng đang được xây dựng khẩn trương: nhà máy phát điện, kênh dẫn để trữ nước... Để thi công “công trình thế kỷ” này có mặt hầu hết công nhân của các cánh chim đầu đàn ngành xây dựng Việt Nam như Tổng công ty Sông Đà, Tổng công ty lắp máy VN Lilama, Tổng công ty XD Trường Sơn, Licogi...

Theo Tuổi trẻ