Đội thi công sửa chữa điện Hotline đang thực hiện công tác trên địa bàn TP.Cao Lãnh.
Điểm đặc biệt của dịch vụ này là thực hiện việc sửa chữa, bảo trì đấu nối hệ thống điện với thao tác trực tiếp trên lưới điện đến cấp điện áp 22kV nhưng không cần cắt điện. Với hiệu quả mang lại, Công ty Điện lực Đồng Tháp tiếp tục triển khai và nhân rộng dịch vụ để hạn chế tình trạng cắt điện.
"Đội phản ứng nhanh” trên lưới điện"
Để đáp ứng nhu cầu công việc đạt hiệu quả cao, an toàn, Tổng công ty Điện lực miền Nam đã đầu tư các thiết bị chuyên dùng cho Công ty Điện lực Đồng Tháp gồm: xe gàu cách điện; xe cẩu khoan lỗ trồng trụ điện và nhiều dụng cụ chuyên dụng của các nước tiên tiến trên thế giới để phục vụ cho Đội thi công sửa chữa điện Hotline (Đội Hotline). Đặc biệt, Công ty Điện lực Đồng Tháp cũng đã tuyển chọn đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân kỹ thuật có tay nghề cao đưa đi đào tạo, huấn luyện về công tác sửa chữa điện nóng, nhằm bảo đảm hiệu quả, an toàn cao nhất, đáp ứng nhiệm vụ được giao.
Trong lần đầu ra quân, Đội Hotline đã thực hiện công tác sửa chữa tại trụ 57 tuyến 472CL trên đường Đặng Văn Bình và trụ 25 tuyến 476CL trên đường Lê Đại Hành, TP.Cao Lãnh. Đội đã tiến hành lắp đặt kẹp quai nhánh rẽ đấu nối vào trạm biến áp.
Đảm nhận việc vận hành, anh Nguyễn Minh Trí - công nhân Đội Hotline điều khiển xe gàu đưa 2 công nhân của đội di chuyển đến vị trí sửa chữa trên đường dây 22kV đang có điện, từ vị trí công tác cách mặt đất hơn 10m. Mặc dù đã đứng trên gàu cách điện, được trang bị găng tay cách điện nhưng 2 công nhân trong gàu thao tác cẩn thận dùng lớp nhựa cách điện ốp vào đường dây, rồi dùng thêm thảm cách điện phủ lên những điểm hở đề phòng phóng điện, sau đó bắt đầu gọt vỏ dây bọc để lắp kẹp quai. Từ các điểm đấu nối sẵn này sẽ được kết nối trực tiếp vào trạm biến áp mới để cung cấp điện cho các hộ dân. Công việc của Đội Hotline thực hiện chỉ diễn ra trong khoảng 45 phút.
Anh Hứa Thanh Tâm - Đội trưởng Đội Hotline, Công ty Điện lực Đồng Tháp chia sẻ: “Anh em công nhân Đội Hotline đã được đào tạo bài bản và khoa học. Giai đoạn đầu khi thực hiện công việc, chúng tôi chưa tự tin khi phải tiếp xúc trực tiếp với lưới điện 22kV. Tuy nhiên, với trang thiết bị tuyệt đối an toàn đã được Tổng công ty trang bị từ các nước tiên tiến trên thế giới và đã có thời gian trải nghiệm thực tế, đến nay, anh em Đội Hotline đã tự tin, thực hiện công việc một cách thuần thục và chuyên nghiệp”.
Khác với trước đây, mỗi khi thực hiện thao tác trên lưới điện, đơn vị sửa chữa phải đến kiểm tra, làm thủ tục, chờ cấp phép cắt điện, thực hiện các biện pháp an toàn điện mới được tiến hành sửa chữa, thì giờ đây các công nhân của Đội Hotline sẽ thao tác trực tiếp ngay trên lưới điện đang mang điện.
Anh Hứa Thanh Tâm cho biết thêm: “Dù đã sử dụng dây bọc nhưng khi chạm tay vào đường dây thì vẫn cảm giác được luồng điện chạy bên trong. Để thực hiện các bước sửa chữa thật an toàn, chúng tôi phải thực hiện đúng trình tự các thao tác và tuân thủ nghiêm quy trình, quy phạm đã đưa ra. Đặc biệt, do sửa điện trong lúc đường dây vẫn còn có điện nên đòi hỏi mỗi công nhân phải tập trung tư tưởng cao độ và tự tin khi làm việc”.
Sẽ giảm thời gian cắt điện
Theo Công ty Điện lực Đồng Tháp, hiện Đồng Tháp là 1 trong 7 đơn vị thuộc 21 tỉnh, thành phía Nam đưa Đội Hotline đi vào hoạt động. Việc đưa Đội Hotline vào hoạt động sẽ giải quyết nhiều vấn đề trên lưới điện. Đơn cử như khi thi công đấu nối điện cho một khách hàng trên hệ thống có thể phải cắt điện, ảnh hưởng đến nhiều khách hàng khác (sẽ bị mất điện trong vòng vài tiếng đồng hồ) thì nay Đội Hotline vào thi công không cần cắt điện. Do đó, thời gian cắt điện trong năm của khách hàng sẽ được giảm đáng kể.
Bên cạnh đó, Đội Hotline còn có nhiệm vụ vệ sinh rửa sứ bằng nước cách điện áp lực cao, bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa, xử lý sự cố trên đường dây đang mang điện. Việc sửa điện trực tiếp trên đường dây mang điện ngăn ngừa và loại trừ nhanh chóng các nguy cơ sự cố trên lưới điện.
Ngoài hạn chế tình trạng cắt điện khi sửa chữa, việc đưa Đội Hotline đi vào hoạt động còn nhằm thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về lộ trình các điều kiện và cơ cấu ngành điện để hình thành và phát triển các cấp độ thị trường điện lực tại Việt Nam, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào trong sản xuất kinh doanh tại đơn vị.